Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thách thức với thị trường lao động Anh

Minh Hiếu| 05/08/2018 08:21

(HNM) - Nghiên cứu mới nhất của Liên đoàn Việc làm và tuyển dụng Anh (REC) cho thấy, số lượng lao động tay nghề cao tại quốc gia này không thể đáp ứng đủ nhu cầu của các công ty có trụ sở và cơ sở sản xuất tại xứ sở Sương mù, dù Chính phủ nước này đã cho phép tuyển dụng thêm lao động nước ngoài.


Kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit diễn ra, nhu cầu tuyển dụng những lao động có tay nghề cao đến từ bên ngoài Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) tăng lên nhanh chóng do nguồn lao động đến từ EEA đã giảm xuống đáng kể. Trong năm 2017, đã có 122.000 lao động châu Âu rời khỏi nước Anh trong khi số người đến lại không tăng lên.

Ảnh: Reuters


Nguồn lao động từ các nước châu Âu có ảnh hưởng không nhỏ tới sự vận hành của toàn bộ nền kinh tế Anh. Trong đó, những ngành được dự đoán sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng nhân lực hậu Brexit là y tế và chăm sóc sức khỏe. Ước tính nước này cần thêm khoảng 40.000 lao động để bù đắp vào các vị trí như y tá hay nhân viên điều dưỡng.

Tháng 6 vừa qua, Chính phủ Anh đã cho phép các công ty được tuyển dụng thêm lao động nước ngoài có tay nghề cao, nâng tổng số người được duyệt cấp thị thực theo diện này lên mức 20.700 người/năm. Tuy nhiên, chỉ sau một tháng, số lượng lao động được bổ sung thêm vẫn không đủ để bù đắp sự thiếu hụt về nhân sự của thị trường lao động. Do vậy, các doanh nghiệp đang yêu cầu Chính phủ nước này xem xét tăng hơn nữa số lượng lao động có tay nghề cao đến từ các nước bên ngoài EEA được phép vào Anh để Brexit không ảnh hưởng tới nguồn cung lao động.

Song đây là bài toán không hề đơn giản. Giám đốc điều hành REC Neil Carberry cho biết, hệ thống xét cấp thị thực theo hạn ngạch đối với lao động nước ngoài có tay nghề cao tại Anh chỉ hoạt động bằng những số liệu tính toán thuần túy, không tính đến đóng góp mà những lao động này đem lại cho nước Anh.

Bên cạnh đó, việc xét cấp thị thực đối với lao động có tay nghề cao hiện nay chủ yếu dựa trên mức lương. Theo quy định, những người nhận lương từ 30.000 bảng/năm trở lên sẽ được xem xét cấp thị thực. Tuy nhiên, do số đơn xin cấp thị thực loại này cao hơn rất nhiều so với số thị thực được cấp, mức lương tối thiểu để được chấp thuận đã tăng lên mức 41.000 bảng/năm.

Báo cáo mới nhất cho thấy, các nhà tuyển dụng Anh đang có xu hướng tuyển dụng các vị trí cố định và dài hạn thay vì nhân viên hợp đồng ngắn hạn. Tỷ lệ người sử dụng lao động bày tỏ lo ngại về nguồn cung nhân sự đã tăng lên tới mức 72% trong quý II-2018, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017.

Các chuyên gia nhận định, dù Thủ tướng Anh Theresa May đã nhiều lần nhấn mạnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để công dân EU tiếp tục sinh sống và làm việc tại Anh hậu Brexit, thị trường lao động nước này vẫn phải đối mặt với bài toán khó, khiến cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để thu hút người lao động chắc chắn sẽ ngày càng gay gắt hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thách thức với thị trường lao động Anh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.