Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ vọng tháo gỡ bế tắc

Thùy Dương| 15/08/2018 09:04

(HNM) - Sự kiện Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 tới là tín hiệu cho thấy thiện chí và những nỗ lực nhằm thúc đẩy các kế hoạch hòa giải của hai miền Triều Tiên.


Thời điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba được ấn định sau khi quan chức cấp cao hai bên tiến hành thêm các cuộc thảo luận vào ngày 13-8 vừa qua tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Tại cuộc họp này, Chủ tịch Ủy ban Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon và người đồng cấp Triều Tiên Ri Son-gwon đã thống nhất về kế hoạch tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh tới đây, tuy nhiên chưa công bố ngày giờ cụ thể.

Các quan chức Hàn Quốc và Triều Tiên đàm phán nhằm thảo luận về công tác tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sắp tới.



Không thể phủ nhận mối quan hệ liên Triều đã có nhiều chuyển biến tích cực sau hai cuộc gặp thượng đỉnh ở Bàn Môn Điếm trong năm nay. Việc hai nước khôi phục hoàn toàn đường dây liên lạc quân sự trên biển Tây vào ngày 16-7 vừa qua, việc tiến hành các cuộc đàm phán quân sự cấp tướng, tiếp tục thực hiện các cam kết tiến tới phi vũ trang khu vực an ninh chung tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm đã góp phần làm giảm căng thẳng quân sự cũng như xây dựng lòng tin giữa hai miền Triều Tiên. Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn như Lotte, Hyundai, Hyosung và KT cũng lần lượt công bố các kế hoạch tìm hiểu cơ hội hợp tác và đầu tư vào Triều Tiên sau khi hai nước nhất trí cùng nhau cải thiện tuyến đường sắt liên Triều.

Đặc biệt, cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hôm 12-6 đã tạo ra “cú hích” lớn và tạo ra nhiều kỳ vọng về những bước chuyển thuận lợi trong vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng. Vô số các động thái thiện chí được Bình Nhưỡng thực hiện như: Tháo dỡ bãi thử hạt nhân Punggye-ri, trao trả tù nhân Mỹ, trao trả hài cốt binh sĩ Mỹ tử trận trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953)… Tuy nhiên, Mỹ cho rằng, nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên dường như đang "giậm chân tại chỗ". Triều Tiên vẫn chưa có động thái rõ ràng nào về việc thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa, mặc dù báo chí Bình Nhưỡng giảm hẳn tuyên truyền chống Mỹ. Trong khi giới chức Bình Nhưỡng khẳng định nước này giữ vững quyết tâm và cam kết thực thi đầy đủ Tuyên bố chung với thái độ trách nhiệm và chân thành thì Mỹ lại dựa vào một báo cáo mới của Liên hợp quốc để khẳng định rằng Triều Tiên chưa dừng các chương trình hạt nhân và tên lửa, một hành động vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc. Washington đang gây sức ép đối với Triều Tiên bằng cách tuyên bố Bình Nhưỡng cần thể hiện cam kết phi hạt nhân hóa, trong đó có việc công bố chi tiết kho hạt nhân. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo các quốc gia khác, trong đó có Nga và Trung Quốc, không được giảm bớt bất kỳ biện pháp trừng phạt nào với Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Dẫu vậy, dường như Bình Nhưỡng vẫn đang kiên nhẫn chờ đợi những hành động thiện chí hơn đến từ Mỹ. Mới đây, Triều Tiên đã đề nghị Mỹ cùng ra tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên như một khúc dạo đầu cho tiến trình đàm phán về hiệp ước hòa bình, thay thế hiệp định đình chiến, được ký kết năm 1953 nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 13-8, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris khẳng định còn quá sớm để tiến tới việc tuyên bố kết thúc chính thức chiến tranh Triều Tiên như yêu cầu của Bình Nhưỡng.

Theo các nhà phân tích, Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba tới đây được kỳ vọng sẽ đưa ra phương án nhằm tạo bước đột phá cho tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ - Triều Tiên, vốn đang trong tình trạng bế tắc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng tháo gỡ bế tắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.