Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiến trình Brexit: Vẫn vô vàn khó khăn

Minh Hiếu| 17/08/2018 06:21

(HNM) - Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt vừa có chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Phần Lan, Latvia, Đan Mạch và Hà Lan để gặp gỡ những người đồng cấp tại 4 quốc gia này...

Chuyến thăm diễn ra ngay trước thềm cuộc đàm phán quan trọng về Brexit được kết nối lại tại thủ đô Brussels (Bỉ), trong bối cảnh lo ngại về việc xứ sở Sương mù phải ra đi mà không đạt được thỏa thuận cụ thể nào.

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt (trái) và người đồng cấp Latvia Edgars Rinkevics tại buổi họp báo chung sau cuộc gặp.


Đây là một phần trong nỗ lực phối hợp giữa các bộ trưởng Anh để tháo gỡ bế tắc và thuyết phục chính phủ các nước châu Âu khác đồng thuận với Kế hoạch Chequers Brexit của London, vốn đã bị nhà đàm phán về Brexit của EU là Michel Barnier bác bỏ. Tháng trước, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh David Lidington đã đến thủ đô Paris (Pháp), trong khi Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid tới thăm Bồ Đào Nha, còn Bộ trưởng Kinh doanh Anh Greg Clark nhận trọng trách mang thông điệp kêu gọi ủng hộ và hợp tác tới thủ đô Rome (Italia). Đích thân Thủ tướng Anh Theresa May cũng đã đến quốc gia nắm giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU là Áo để tìm giải pháp khi các cuộc đàm phán về Brexit gặp nhiều trở ngại.

Tại các cuộc gặp, người đứng đầu ngành Ngoại giao Anh liên tục khẳng định, lựa chọn chiến lược của xứ sở Sương mù trong các cuộc đàm phán về Brexit là xây dựng quan hệ đối tác sâu sắc với các nước thành viên còn lại. Dù rời khỏi mái nhà chung, nước Anh vẫn chia sẻ các giá trị cốt lõi với châu Âu và nỗ lực bảo vệ hệ thống quốc tế để bảo đảm an ninh và thịnh vượng của chính quốc gia này. Đến thời điểm hiện tại, hai bên đã nhất trí được khoảng 80% nội dung đàm phán Brexit. Tuy nhiên, những nội dung còn lại chưa thể tìm được tiếng nói chung lại là những vấn đề mấu chốt và có tính chất quyết định đến số phận của thỏa thuận Brexit, như đường biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, hay một số điều khoản trong thỏa thuận thương mại mới giữa Anh và EU.

Nhiều chính trị gia châu Âu cảnh báo, việc nước Anh rời khỏi mái nhà chung mà không đạt được một thỏa thuận cụ thể nào tiềm ẩn nguy cơ đáng lo ngại. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho rằng, việc không đạt được thỏa thuận Brexit có thể gây tổn hại đến mối quan hệ giữa Anh và các nước châu Âu trong nhiều thập kỷ tới. Anh là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ phải chịu thiệt hại nghiêm trọng bởi EU là thị trường lớn nhất của nước này. Ngược lại, thị trường chung của Lục địa già cũng phải đối mặt với hàng loạt tác động tiêu cực, nhất là trong vấn đề lưu thông hàng hóa. Giới chính trị gia Anh đã kêu gọi người dân nước này sẵn sàng chuẩn bị cho viễn cảnh bất ổn khi Anh ra khỏi EU mà không kèm thỏa thuận.

Các nhà đàm phán hai bên đang chạy đua với thời gian khi cả Anh và EU đều muốn có một thỏa thuận vào tháng 10 tới để trình quốc hội Anh và Nghị viện châu Âu thông qua. Trước hàng loạt trở ngại, Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics nhận định, cơ hội chỉ là 50-50 bởi điều này còn phụ thuộc vào hành động cụ thể của các bên. Cả EU và Anh cần phải thể hiện gấp đôi nỗ lực hiện tại và thay đổi cách tiếp cận để hướng tới mục tiêu chung là đạt được một thỏa thuận có lợi cho cả 2 bên.

Dù quá trình đàm phán còn vô vàn khó khăn, chuyến thăm của Ngoại trưởng Jeremy Hunt cùng hàng loạt động thái của Chính phủ Anh vẫn được nhận định là tín hiệu lạc quan, khẳng định cam kết mạnh mẽ và không suy giảm của nước này khi rời khỏi mái nhà chung. Việc nước Anh ra đi mà không đạt được thỏa thuận là điều không bên nào mong muốn, và các quốc gia châu Âu vẫn đang nỗ lực để kịch bản tồi tệ nhất này không xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiến trình Brexit: Vẫn vô vàn khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.