Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhật Bản đề xuất tăng ngân sách quốc phòng: Mũi tên trúng nhiều đích

Nguyễn Thúc| 02/09/2018 08:03

(HNM) - Bộ Quốc phòng Nhật Bản vừa đề xuất mức tăng ngân sách quốc phòng kỷ lục trong bối cảnh các mối đe dọa đến từ Triều Tiên và Trung Quốc ngày càng lo ngại hơn.

Đội hình chiến đấu cơ của lực lượng phòng vệ Nhật Bản diễn tập tại căn cứ không quân Hyakuri.


Đề xuất trên được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố báo cáo quốc phòng thường niên, cho biết Triều Tiên là “mối đe dọa nghiêm trọng và hiện hữu” đối với Nhật Bản. Năm 2017, Bình Nhưỡng đã bắn hai tên lửa đạn đạo tầm trung bay qua lãnh thổ phía Bắc Nhật Bản khiến hệ thống báo động của Hokkaido bị kích hoạt, gây hoang mang cho người dân.

Để đối phó với thực tế này, Nhật Bản sẽ đầu tư 424 tỷ yên dành để nâng cấp hệ thống đánh chặn tên lửa (cao hơn nhiều con số 180 tỷ yên của năm trước đó). Trong đó, hơn một nửa (234 tỷ yên) dành cho việc mua hai hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất Aegis Ashore và một hệ thống đánh chặn SM-3 Block IIA (dành cho chiến hạm) với tầm hoạt động và độ chính xác cao.

Hiện nay, Tokyo đang duy trì hệ thống phòng thủ chống tên lửa hai lớp, gồm tàu đánh chặn trên biển Nhật Bản và hệ thống đánh chặn PAC-3s trên mặt đất. Cách bố trí như vậy có thể giúp ngăn chặn các mảnh vỡ tên lửa, hoặc tên lửa được bắn vào Nhật Bản, nhưng không thể đối phó được tên lửa tầm cao, hoặc nhiều tên lửa tới cùng lúc.

Việc bổ sung ệ thống đánh chặn mới (có tích hợp cả radar LMSSR đắt tiền của Lockheed Martin) sẽ giúp hoàn thiện lớp phòng thủ tầm cao, tăng cường bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản trước mối đe dọa hạt nhân và tên lửa.

Ngoài vấn đề Triều Tiên, báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề cập tới sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc quân sự và cho rằng nước này đang gây ra nhiều quan ngại về an ninh trong khu vực cũng như quốc tế.

Lâu nay, Tokyo vẫn luôn cảnh giác với Trung Quốc khi Bắc Kinh ngày càng có nhiều động thái trong việc thực thi yêu sách chủ quyền của nước này trong khu vực, bao gồm tranh chấp về lãnh thổ với Nhật Bản tại một số hòn đảo trên biển Hoa Đông. Vì vậy, cùng các hệ thống phòng thủ chống tên lửa, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề xuất sắm thêm 6 máy bay chiến đấu F-35 và 2 máy bay tuần tra cảnh báo sớm E-2D Hawkeye.

Những vũ khí tối tân mới có nguồn gốc “Made in USA” cũng giúp Nhật Bản nâng tổng giá trị vũ khí mà nước này mua từ Mỹ trong năm tài khóa tới tăng tới 70% so với năm trước đó. Thay đổi này hiển nhiên sẽ khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hài lòng, bởi lâu nay Washington luôn thúc giục Tokyo mua sắm thêm trang thiết bị quốc phòng từ Mỹ, quốc gia vốn đảm nhận trách nhiệm bảo vệ Nhật Bản theo một hiệp định từ sau Thế chiến thứ II với lực lượng đồn trú lên tới 54.000 người. Như vậy, việc Nhật Bản tăng mức ngân sách quốc phòng là "mũi tên trúng nhiều đích".

Giới phân tích cho rằng, mức ngân sách nói trên của Nhật Bản thực tế sẽ còn tăng cao hơn con số 47 tỷ USD khi triển khai. Bởi lẽ, những khoản chi được liệt kê trong đề xuất còn chưa đề cập tới ngân sách duy trì lực lượng đồn trú của Mỹ tại Okinawa; cũng như các chi phí liên quan tới việc di chuyển bớt lực lượng Mỹ tại Nhật Bản tới đảo Guam (lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương).

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường, với châu Á - Thái Bình Dương được xem là điểm nóng, bất cứ quốc gia nào trong khu vực cũng muốn tự củng cố hệ thống phòng thủ của mình. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều cần phải coi trọng mục tiêu hướng tới hòa bình, ổn định, an ninh trong khu vực, tránh việc tạo ra những cuộc chạy đua vũ trang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhật Bản đề xuất tăng ngân sách quốc phòng: Mũi tên trúng nhiều đích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.