Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hy vọng mới cho Syria

Quỳnh Dương| 19/09/2018 06:30

(HNM) - Sau những nỗ lực hội đàm nhằm xóa bỏ bất đồng, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa đạt được một thỏa thuận quan trọng liên quan đến tình hình tại tỉnh Idlib của Syria.

Theo thông báo từ phía Nga, hai bên đã nhất trí thiết lập một khu phi quân sự giữa quân đội Chính phủ Syria và lực lượng nổi dậy xung quanh tỉnh Idlib rộng khoảng 15-20km2 trước ngày 15-10. Các nhóm nổi dậy cực đoan, bao gồm cả mặt trận Al-Nusra, cùng tất cả các vũ khí hạng nặng đều phải rút khỏi khu phi quân sự trước ngày 10-10. Quân đội Chính phủ Syria và đồng minh sẽ không tiến hành thêm chiến dịch nào tại tỉnh Idlib. Thay vào đó, lực lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tuần tra chung tại khu vực này.

Một trạm gác của Thổ Nhĩ Kỳ tại tỉnh Idlib (Syria).



Thỏa thuận giữa Mátxcơva và Ankara sẽ tạo ra một động lực mới cho tiến trình giải quyết cuộc xung đột Syria thông qua giải pháp chính trị, thúc đẩy hơn nữa tiến trình hòa bình dựa trên nền tảng của các cuộc hòa đàm tại Geneve (Thụy Sĩ), nhằm đem lại hòa bình cho quốc gia này. Các nhà phân tích cho rằng, cách thức mà hai bên lựa chọn phù hợp với tinh thần của vòng hòa đàm mới nhất do 3 nước Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ vừa diễn ra hôm 11-9.

Trước đó, Nga và Chính phủ Syria từng nhiều lần kiên quyết sẽ tiêu diệt tất cả các lực lượng khủng bố tại tỉnh Idlib, thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy và khủng bố tại Syria, hướng tới giải phóng hoàn toàn đất nước. Đối với hai quốc gia này, việc giành lại Idlib có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực dứt điểm cuộc nội chiến ở Syria kéo dài suốt nhiều năm qua. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại muốn thực hiện một lệnh ngừng bắn. Ankara lo ngại một cuộc tấn công quân sự sẽ dẫn tới làn sóng người tị nạn và gây bất ổn ở những khu vực hiện nằm dưới sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Nói một cách cụ thể, sau khi giải phóng Idlib, các lực lượng của Chính phủ Syria có thể sẽ tiến về Afrin và khu vực nơi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch Lá chắn Euphrates, gây ảnh hưởng tới nỗ lực ngăn chặn hoạt động của nhóm quân dân người Kurd (YPG). Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ hiện có hàng trăm binh sĩ tại 12 trạm quan sát ở Idlib.

Sở dĩ Tổng thống R.Erdogan thuyết phục được người đồng cấp Nga là vì Mátxcơva không muốn lặp lại những hậu quả của chiến dịch quân sự giải phóng TP Mosul (Iraq) do lực lượng an ninh Iraq và Mỹ tiến hành năm 2017. Chiến dịch này đã phải kéo dài 9 tháng và sau khi giải phóng, Mosul - thành trì cuối cùng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq - chỉ còn là một đống đổ nát khổng lồ. Có 85% nhà cửa và hầu hết các cơ sở hạ tầng bị phá hủy, 11.000 dân thường bị thiệt mạng và một nửa dân số, tức khoảng 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa ra đi. Tình hình Idlib hiện rất giống Mosul. Các phần tử cực đoan sống xen kẽ với dân thường và cố thủ trong các khu dân cư. Đây cũng là dinh lũy cuối cùng của các tổ chức khủng bố tại Syria nên bất cứ một hành động quân sự nào nhằm giải phóng Idlib sẽ gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ. Một cuộc chiến tại đây không thể kết thúc sớm và chắc chắn sẽ để lại hậu quả hết sức nặng nề. Bên cạnh đó, dù đang có lợi thế trên chiến trường, song quân đội Nga và Syria khó tránh khỏi những thiệt hại về người do sự chống đối quyết liệt của các tổ chức vũ trang đối lập.

Nhiều nhận định cho rằng, thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là một diễn biến tích cực theo chiều hướng giảm căng thẳng và giải quyết vấn đề Idlib bằng con đường ngoại giao. Điều này giúp tránh được thiệt hại cho tất cả các bên và mang lại một niềm hy vọng mới cho đất nước Syria.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hy vọng mới cho Syria

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.