Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mâu thuẫn chưa lối thoát

Hoàng Linh| 05/10/2018 06:10

(HNM) - Chính phủ Tây Ban Nha vừa bác bỏ tối hậu thư từ vùng Catalonia, yêu cầu chính quyền trung ương phải công bố kế hoạch cụ thể về việc trao quyền tự quyết cho vùng này ngay trong tháng 10.

Chính phủ của Thủ tướng Tây Ban Nha P.Sanchez vẫn cần sự ủng hộ của các đảng nhỏ, bao gồm của Thủ hiến vùng Catalonia Quim Torra (ảnh).


Quyết định của Madrid được đưa ra sau khi Thủ hiến vùng Catalonia Quim Torra gửi văn bản, trong đó đe dọa sẽ rút sự ủng hộ trong Quốc hội đối với Thủ tướng Pedro Sanchez nếu trong vòng một tháng chính quyền trung ương không đồng ý về một cơ chế tự quyết cho Catalonia. Hiện nay, Chính phủ thiểu số (chỉ 84/350 ghế Hạ viện Tây Ban Nha) của Thủ tướng P.Sanchez cần tới sự ủng hộ của các đảng nhỏ để có thể thông qua kế hoạch ngân sách năm 2019, cũng như đưa ra các quyết định pháp lý khác. Nếu không có được điều này, nội các non trẻ của ông P.Sanchez sẽ đứng trước bờ vực sụp đổ chỉ 4 tháng sau khi hình thành và một cuộc bầu cử khẩn cấp sẽ được tiến hành.

Những bước đi trên diễn ra trong bối cảnh đầu tuần này khoảng 180.000 người đã tham gia biểu tình ở thủ phủ Barcelona của Catalonia để kỷ niệm một năm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý. Các cuộc diễu hành diễn ra tương đối yên bình, trước khi biến thành bạo lực do hàng nghìn người tụ họp trước trụ sở Nghị viện vùng và có hành động quá khích như đập phá, dán khẩu hiệu ly khai, đốt cờ Tây Ban Nha, ném gạch, đá vào lực lượng cảnh sát, cũng như lập các rào chắn ở khu vực trung tâm. Các cuộc biểu tình phản đối được cho là diễn ra theo lời kêu gọi trên mạng internet của một nhóm tự xưng là Các ủy ban bảo vệ nền cộng hòa (CDRs). CDRs được thành lập để giúp tổ chức cuộc trưng cầu dân ý hồi năm ngoái và có tư tưởng ly khai khỏi Tây Ban Nha.

Trong bối cảnh phức tạp ấy, chính quyền Tây Ban Nha vẫn tỏ rõ quan điểm nhất quán. Theo Người phát ngôn Chính phủ Isabel Celaa, chính quyền trung ương không chấp nhận các tối hậu thư, nhưng sẽ tập trung đối thoại trên nhiều lĩnh vực với Catalonia nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Madrid cũng kêu gọi chính quyền Catalonia bình tĩnh và phải quan tâm đến việc bảo đảm quyền lợi cho tất cả người dân xứ này. Chính phủ có thể cho phép Catalonia có một chính quyền tự trị, nhưng vùng này không thể độc lập.

Thực tế, Catalonia đã được trao quyền tự trị theo Hiến pháp năm 1978 của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, năm 2010, Tòa án Hiến pháp nước này đã hủy bỏ một số điều trong Hiến pháp và làm bùng phát một phong trào ủng hộ Catalonia độc lập. Cuối tháng 10-2017, chính quyền Catalonia với người đứng đầu là Carles Puigdemont đã thúc đẩy cuộc trưng cầu dân ý về quy chế của vùng bất chấp việc Tòa án Tây Ban Nha cho rằng hành động này là bất hợp pháp. Theo đó, 2,3 triệu người đã tham gia bỏ phiếu trong số 5,5 triệu cử tri Catalonia và 90% số này ủng hộ ly khai. Hiện nay, cho dù chính quyền trung ương Madrid đã giành lại quyền kiểm soát trực tiếp đối với vùng đất giàu có này, song mâu thuẫn ở Barcelona vẫn âm ỉ.

Trong khi đó, các đảng ủng hộ Catalonia độc lập dù đã giành được chiến thắng quan trọng trong cuộc bầu cử khu vực hồi tháng 12 năm ngoái, nhưng đang phải vật lộn để giữ đà trong năm nay. Hiện nhiều nhà lãnh đạo của họ đang bị lưu đày hoặc bị tạm giam chờ xét xử do tổ chức cuộc bỏ phiếu và tuyên bố độc lập hồi năm ngoái. Bản thân Thủ hiến Catalonia khi đó là Carles Puigdemont cũng phải sống lưu vong.

Dẫu tình hình vẫn hết sức phức tạp, nhưng cánh cửa đàm phán tìm ra giải pháp cho xứ Catalonia vẫn chưa đóng lại. Vì thế, việc mỗi bên cân nhắc kỹ lưỡng trên tinh thần đặt lợi ích lâu dài của đất nước và người dân lên trên hết là cần thiết nhằm sớm ổn định tình hình, tránh xảy ra những bạo lực không đáng có. Đây cũng là tiền đề quan trọng để tiếp tục đẩy nhanh việc thảo luận, tìm kiếm những thỏa thuận mang tính bền vững hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mâu thuẫn chưa lối thoát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.