Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nadia Murad - từ nô lệ tình dục của IS đến người giành giải Nobel Hòa bình

Tiến Đạt| 06/10/2018 11:26

(HNMO) - Nadia Murad, người đồng chiến thắng giải Nobel Hòa bình 2018, là một nhà hoạt động nhân quyền Yazidi và từng là nô lệ tình dục chạy thoát khỏi bàn tay của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq.

Nadia Murad, đồng giải thưởng Nobel Hòa bình 2018.


Ngày 5-10, Murad và bác sĩ người Congo Denis Mukwege đã cùng chia sẻ giải thưởng Nobel Hòa bình 2018 nhờ nỗ lực của họ trong việc chấm dứt tình trạng sử dụng bạo lực tình dục như một vũ khí chiến tranh.

Nadia Murad (25 tuổi) đã dùng chính những trải nghiệm đau khổ của mình trong quá khứ, khi bị phiến quân IS bắt cóc, biến thành nô lệ và cưỡng hiếp tại Mosul năm 2014, để trở thành một nhà hoạt động cho cộng đồng thiểu số Yazidi tại Iraq và cho các vấn đề rộng hơn về quyền người tị nạn và phụ nữ.

Khoảng thời gian khó khăn của Murad bắt đầu từ năm 2014, sau khi phiến quân IS tràn vào nơi cô sinh sống tại làng Kocho, Iraq. Mẹ, 6 trong số 9 người anh em và em họ của Murad đã bị hành quyết, trong khi nhiều phụ nữ chưa kết hôn trong làng đã bị biến thành nô lệ tình dục và bị truyền qua tay các phiến quân.

Trong cuộc phỏng vấn trước đây với CNN, người phụ nữ gày gò, xanh xao với mái tóc đen dài đã hồi tưởng lại quá khứ kinh hoàng vào ngày 3-8-2014: “Gần 6.500 phụ nữ và trẻ em từ Yazidi đã bị bắt đi và khoảng 5.000 người từ cộng đồng này bị giết chết chỉ trong ngày hôm đó. Trong vòng 8 tháng, chúng chia rẽ chúng tôi khỏi mẹ và các anh chị em, nhiều người trong số họ đã bị giết và một số khác đã biến mất”.

Sinh năm 1993, khi IS ập vào ngôi làng Kocho, Murad mới chỉ là một nữ sinh trung học. Cô từng ước mơ trở thành một cô giáo dạy lịch sử hoặc một nghệ sĩ trang điểm, tuy nhiên, IS đã bước vào và phá hoại một cách tàn nhẫn cuộc đời của một nữ sinh lúc bấy giờ. Murad sau đó đã trốn thoát đến Mosul và được một gia đình hồi giáo giúp đỡ để có một thân phận giả nhằm trốn thoát hoàn toàn khỏi khu vực do IS kiểm soát.

Trước khi đoạt giải Nobel, Murad từng giành giải thưởng nhân quyền Vaclav Havel, giải Sakharov, giải Công dân toàn cầu Clinton và giải thưởng Hòa bình từ Hội Liên hiệp Tây Ban Nha của Liên hợp quốc. Cô vừa xuất bản cuốn hồi ký “The last girl” (tạm dịch: Cô gái cuối cùng), được New York Times bình chọn là cuốn sách bán chạy nhất.

Năm 2016, ở tuổi 23, cô đã được Liên hợp quốc gọi tên là đại sứ thiện chí đầu tiên cho phẩm chất những người sống sót khỏi nạn buôn người. Cùng thời điểm này, cô đã kêu gọi Quốc hội Mỹ chống lại nhóm khủng bố IS một cách quyết liệt hơn và tuyên bố: “IS sẽ không hạ vũ khí nếu chúng ta không buộc chúng phải từ bỏ… Người dân Yazidi không thể chờ đợi thêm nữa”.

Năm 2017, cô đã có bài diễn văn trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nói về quãng thời gian bị IS bắt làm nô lệ tình dục sau nỗ lực trốn thoát không thành.

Tiếng nói của Murad giờ đây có sức ảnh hưởng toàn cầu, giúp đòi công lý cho dân tộc của cô và khiến quốc tế chú ý hơn tới những hành vi tàn bạo của phiến quân IS. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2017 đã cam kết giúp Iraq thu thập những bằng chứng tội ác của IS. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nadia Murad - từ nô lệ tình dục của IS đến người giành giải Nobel Hòa bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.