Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chi phí quốc phòng Mỹ - Hàn Quốc: Chưa tìm được tiếng nói chung

Hoàng Linh| 21/10/2018 08:08

(HNM) - Bộ Ngoại giao Hàn Quốc vừa chính thức xác nhận vòng đàm phán thứ 8 về Thỏa thuận Các giải pháp đặc biệt (SMA) liên quan đến vấn đề chia sẻ chi phí duy trì lực lượng Mỹ tại bán đảo Triều Tiên giữa Mỹ và Hàn Quốc được tổ chức tại thủ đô Seoul đã kết thúc mà chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.

Mỹ hiện đang duy trì khoảng 28.500 binh lính tại Hàn Quốc.


Tuy nhiên, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc vẫn ghi nhận "một số tiến triển thực chất" về phương diện thể chế và kỹ thuật trong lần đối thoại mới nhất. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định cả hai phía đều quyết tâm tiến tới một thỏa thuận cuối cùng nhằm củng cố và tăng cường quan hệ đồng minh, qua đó tiếp tục bảo đảm an ninh cho người dân xứ Kim chi.

Theo lộ trình, hai nước cần phải đạt thỏa thuận SMA mới (lần thứ 10) trước thời điểm SMA lần thứ 9 hết hạn vào ngày 31-12-2018. Tuy nhiên, giới chức hai bên cho biết rất khó để kịp hoàn tất các thủ tục nội bộ cần thiết cho việc thực hiện một thỏa thuận mới từ đầu năm 2019, nhưng vẫn nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác cùng nhau nhằm thu hẹp những bất đồng còn tồn tại, để tiến tới dự thảo cuối cùng cho thỏa thuận SMA lần thứ 10 ngay trong tháng 11 tới.

Những trì hoãn trong đàm phán SMA mới diễn ra vào thời điểm khá nhạy cảm, khi Mỹ và Hàn Quốc liên tục quyết định hủy các cuộc tập trận chung nhằm cắt giảm chi phí và thể hiện thiện chí với các cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên mà Mỹ thẳng thắn đề nghị tăng mức chia sẻ chi phí quốc phòng. Do đó, những quốc gia khác đang có sự hiện diện của quân đội đồn trú Mỹ, mà Nhật Bản là điển hình, đang theo dõi mọi động thái đàm phán hết sức sát sao. Bởi lẽ, mọi thay đổi trong thỏa thuận với Hàn Quốc chắc chắn sẽ trở thành tiền đề cho những thương lượng sau này giữa Washington với các đồng minh còn lại.

Hiện nay, rào cản lớn nhất đối với nỗ lực đạt được SMA thứ 10 nằm ở mức chi phí Seoul sẽ phải chi trả trong thời gian tới để duy trì lực lượng khoảng 28.500 quân nhân Mỹ đang đồn trú ở Hàn Quốc (USFK). Seoul bắt đầu chia sẻ gánh nặng tài chính kể từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Số tiền chi ra bao gồm cả việc trả lương cho nhân lực địa phương được Mỹ tuyển dụng, cũng như chi phí hạ tầng và khí tài liên quan.

Trong năm 2018, đóng góp của Seoul đã tăng lên mức 960 tỷ won (tương đương 866 triệu USD), trong khuôn khổ thỏa thuận SMA lần thứ 9 được ký kết trong năm 2014 và kéo dài 5 năm.

Dù vậy, con số này chưa làm Washington hài lòng. Mỹ hiện mong muốn Hàn Quốc sẽ tăng mức chi lên 1,3 tỷ USD mỗi năm, trong đó bao gồm thêm hạng mục triển khai các vũ khí chiến lược như máy bay tàng hình, tàu sân bay, cũng như tàu ngầm hạt nhân xung quanh bán đảo Triều Tiên, nhằm sẵn sàng yểm trợ lực lượng đồn trú trong các tình huống thông thường cũng như khẩn cấp.

Tuy nhiên, đề xuất được Washington nêu ra lần đầu tại vòng đàm phán thứ tư về SMA này đã nhiều lần bị Seoul bác bỏ thẳng thừng với quan điểm mức đóng góp hiện tại đối với việc duy trì USFK hiện đã rất lớn. Một ví dụ cụ thể được đưa ra là việc mới đây Hàn Quốc đã chi tới 92% tổng chi phí xây dựng doanh trại Humphreys tại Anjeong-ri, lên tới 11 tỷ USD.

Nhìn chung, dù còn nhiều rào cản, nhưng việc Mỹ và Hàn Quốc phải đạt được thỏa thuận cuối cùng là điều tất yếu. Bên cạnh đó, việc có thể thống nhất sớm các điều khoản cũng quan trọng không kém vì điều đó sẽ thể hiện không chỉ sự đoàn kết chặt chẽ của hai đồng minh lâu năm, mà còn là động thái giúp Chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in có đủ thời gian trình dự thảo lên Quốc hội thông qua, cũng như hoàn tất các thủ tục pháp lý khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi phí quốc phòng Mỹ - Hàn Quốc: Chưa tìm được tiếng nói chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.