Theo dõi Báo Hànộimới trên

OPEC cân nhắc việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ: Quyết định khó khăn

Hoàng Linh| 13/11/2018 17:12

(HNMO) - Các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất dẩu chủ chốt khác đã thảo luận về việc cắt giảm sản lượng nhằm đối phó tình trạng giá thành giảm mạnh trong những tuần qua.


Trước đó, Saudi Arabia cùng các nước trong và ngoài OPEC đã tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày dưới áp lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nước nhập khẩu dầu giúp cân bằng thị trường nhằm bù đắp cho nguồn cung có thể bị thiếu hụt do lệnh cấm vận của Washington đối với Iran. Hệ quả là, tổng sản lượng dầu của thế giới đã tăng mạnh, trong đó riêng Nga, Mỹ và Saudi Arabia đã lần đầu tiên vượt mốc 33 triệu thùng/ngày trong tháng 10 vừa qua.

Bên cạnh đó, việc Washington miễn áp dụng lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ đối với 8 nền kinh tế vốn đang mua tới hơn 80% dầu mỏ của Iran trong năm ngoái, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia và Hy Lạp, Đài Loan (Trung Quốc), khiến tâm lý tăng mua để tích trữ dự phòng không phát sinh mạnh.

Sản lượng tăng cao, nhưng nhu cầu mua dầu của nhiều nước không được như kì vọng (một phần do kinh tế tăng trưởng chậm lại) đã dẫn tới việc giá dầu tụt mạnh. Ngày 9-11, giá dầu Brent đã tụt xuống dưới mức 70 USD/thùng sau khi chạm đỉnh 85 USD/thùng trong tháng 10 (mức cao nhất trong vòng 2 năm qua).

Trước thị trường như vậy, đại diện của Iran tại OPEC Hossein Kazempour Ardebili nhận định rằng Saudi Arabia và Nga cần cắt giảm sản lượng dầu khoảng 1 triệu thùng/ngày, bởi lượng dầu sản xuất thêm của hai nước này không chỉ mang lại lợi ích cho Mỹ, mà còn gây ra tình trạng trượt giá, khiến nhiều nước sản xuất dầu (đặc biệt là ở châu Phi và Nam Mỹ) thiệt hại hàng tỷ USD.

Về phần mình, OPEC cho biết bất kỳ thỏa thuận cắt giảm sản lượng nào trong lần này sẽ phải phụ thuộc vào các yếu tố, trong đó có mức ảnh hưởng cụ thể đối với xuất khẩu dầu của Iran sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tehran. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih cũng cho biết, các nước OPEC và các nhà xuất dầu lớn khác, dẫn đầu là Nga, hiện vẫn chưa đạt được thỏa thuận cụ thể nào về cắt giảm sản lượng.

Thực tế, Nga có tiếng nói lớn đối với quyết định của OPEC, một phần bởi chính sự nhất trí của Moscow là chìa khóa giúp OPEC cân bằng lại thị trường trong giai đoạn 2017-2018. Hiện nay, quan điểm của Nga về giá dầu lại không quá căng thẳng.

Ngay tại cuộc họp ở UAE, Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novakcủa nước này cho biết, không chắc chắn thị trường dầu mỏ sẽ rơi vào tình trạng dư thừa nguồn cung trong năm 2019.

Theo Bộ trưởng Novak, thậm chí tới giữa năm 2019 thị trường có thể được cân bằng trở lại và nhu cầu có thể vượt cung. Nói cách khác, Moscow cho rằng, việc cắt giảm sản lượng chưa phải vấn đề cấp thiết và chỉ khuyến cáo OPEC không nên tạo ra những điều chỉnh quá đột ngột.

Dù chưa đạt được đồng thuận về cắt giảm sản lượng với các đối tác, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia vẫn tuyên bố nước này sẽ cắt giảm lượng dầu xuất khẩu 500.000 thùng/ngày trong tháng 12. Kể từ tháng 10 vừa qua, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới này cung ứng cho thị trường 10,7 triệu thùng/ngày.

Có thể thấy, sản lượng dầu cắt giảm của Saudi Arabia cũng như các nước OPEC khác sẽ phụ thuộc vào thực tế nhu cầu mua dầu toàn cầu; cũng như nguồn cung từ Iran.

Tuy nhiên, Washington không muốn việc cắt giảm sản lượng dầu diễn ra nhằm duy trì giá ở mức thấp, bởi đây là yếu tố quan trọng để gây áp lực kinh tế đối với Nga và Iran.

Rõ ràng, OPEC đang đứng trước một quyết định khó khăn bởi sự phức tạp của tình hình kinh tế - chính trị của thế giới.

Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng nằm ở việc Bộ trưởng Năng lượng UAE, đồng thời là Chủ tịch OPEC Suhail Al Mazrouei đã khẳng định, sẽ ưu tiên đảm bảo sự ổn định của thị trường dầu mỏ toàn cầu khi đưa ra quyết định cuối cùng đối với chính sách sản lượng trong năm 2019 của OPEC (dự kiến là trong cuộc họp tại Vienna vào ngày 6 và 7-12).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
OPEC cân nhắc việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ: Quyết định khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.