Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lửa Bờ Tây và tuyết Bờ Đông, dân Mỹ như trong "Trò chơi vương quyền"

Theo Chi Mai/Zing| 17/11/2018 18:27

Trong lúc cháy rừng vẫn hoành hành ở California, miền Đông Mỹ hứng chịu đợt bão tuyết đầu mùa lớn nhất trong 30 năm, thời tiết khắc nghiệt làm hàng chục người tử vong trên cả nước.

Ngày 16-11, đợt bão tuyết đầu mùa lớn nhất trong 30 năm đổ bộ khu vực New England, Mỹ, sau khi tàn phá nửa diện tích miền Đông, lấy đi sinh mạng của ít nhất 8 người và làm hàng trăm nghìn người bị mất điện, CNN đưa tin. Cơn bão di chuyển từ khu vực Trung Tây, sau đó lan rộng ra vùng Đông Nam và Đông Bắc nước Mỹ, mang theo mưa, tuyết và băng. Thời tiết khắc nghiệt làm nhiều trường học đóng cửa, giao thông bị đình trệ, hàng trăm chuyến bay bị hủy. Ảnh: AP.

Theo trang thống kê Poweroutage.us, khoảng 200.000 người ở 6 bang Đông Bắc Mỹ (gồm Pennsylvani, Virginia, West Virginia, New York, New Jersey, Maryland, Delaware) bị mất điện tính đến 18h ngày 16-11 (giờ địa phương), một phần vì trời mưa giông. Theo dự kiến, cơn bão tuyết sẽ chấm dứt vào ngày 17-11, dù tình trạng gió mạnh và ngập lụt vẫn tiếp diễn. Ảnh: AP.

Chính quyền các bang cho biết, bão tuyết là nguyên nhân gây nhiều vụ tai nạn chết người trong vài ngày qua. Một phụ nữ 60 tuổi thiệt mạng ở bang Indiana hôm 15-11 sau khi lạc tay lái trên một con đường trơn trượt vì tuyết. Hai người khác tử vong vì tai nạn giao thông ở bang Ohio và Maryland. Tại Mississippi, một chiếc xe buýt chở 46 người gặp tai nạn hôm 14-11, khiến 2 người thiệt mạng và làm nhiều người bị thương. Theo các báo cáo, thời tiết khắc nghiệt từ đầu tuần đã lấy sinh mạng của ít nhất 8 người. Ảnh: AP.

Cảnh sát bang New Jersey cho biết, cơ quan này đã tiếp nhận 555 trình báo về trường hợp tai nạn giao thông và đã giúp đỡ 1.027 tài xế. "Nếu bạn không buộc phải ra ngoài, hãy ở nhà để các nhân viên dọn dẹp tuyết", cảnh sát phát đi thông báo. "Nếu bạn phải ra ngoài, hãy lái xe cẩn thận". Cơn bão tuyết cũng làm hơn 8.200 chuyến bay bị hoãn và 1.900 chuyến bị hủy, tính đến ngày 15-11. Ảnh: AP.

Tối 15-11, toàn bộ New York chìm dưới 15cm tuyết. Thị trưởng thành phố Bill de Blasio cho biết, sức tàn phá của cơn bão đã khiến nhiều người bất ngờ. "Chúng tôi sẽ thận trọng hơn trong tương lai. Nếu nhận được thông tin dự báo chính xác hơn, chúng tôi đã cảnh báo người dân ở nhà và dọn dẹp đường phố", ông de Blasio phát biểu sáng 16-11. "Nhưng cuối cùng thì luôn có lúc 'mẹ thiên nhiên' mạnh hơn tất cả chúng ta, sẽ có lúc chúng ta bị đuổi kịp. Và đây là một thời điểm như thế". Ảnh: AP.

Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy cho rằng, cơn bão "là một cơn ác mộng của địa phương". Nhiều trường học ở khu vực phía Đông phải đóng cửa. Một số học sinh ở thị trấn Elizabethtown, bang Pennsylvania, phải ở lại trường qua đêm vì đường phố cấm lưu thông do "điều kiện di chuyển nguy hiểm". Ảnh: Daily Gazette.

Trong khi đó, cháy rừng tiếp tục hoành hoành ở bang Califonia, Bờ Tây Mỹ. AP dẫn báo cáo mới nhất cho biết, số thương vong trong vụ cháy đã lên đến 71 người, hơn 1.000 người còn mất tích tính đến ngày 16-11. Nhiều người ví von, nước Mỹ đang trải qua "khúc tráng ca giữa lửa và băng" như tên cuốn tiểu thuyết của nhà văn George R.R Martin, được chuyển thể thành chương trình truyền hình nổi tiếng "Trò chơi vương quyền". Ảnh: Gene Blevins.

Trong truyện, "lửa" tượng trưng cho nhân vật Daenerys Targaryen và bầy rồng, trong khi "băng" là binh đoàn xác sống đang đe dọa vùng Westeros. Trên màn ảnh, "lửa" và "băng" chưa có cơ hội đối đầu. Tuy nhiên, trên thực tế, nước Mỹ dường như kẹt giữa hai đại nạn trên. Ảnh: Reuters.

Theo kế hoạch, Tổng thống Donald Trump sẽ đến California vào ngày 17-11 để khảo sát tình hình.  Ảnh: Reuters.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đó, Tổng thống Trump cho rằng, nguyên nhân dẫn đến "vụ cháy rừng nguy hiểm nhất trong vòng 100 năm" là vấn đề quản lý rừng kém hiệu quả, biến đổi khí hậu "chỉ đóng góp một phần nhỏ". Tuy nhiên, nhiều chuyên gia sinh thái học cho biết, "quản lý rừng" là cụm từ thường được dùng để chỉ việc đốn rừng, và càng có nhiều cây lớn bị chặt, lửa càng dễ lan rộng. Vì vậy, "quản lý rừng tốt" không đồng nghĩa với việc "dễ kiểm soát cháy rừng". Ảnh: Reuters.

Vụ cháy đã lan rộng 575 km2, nhưng lính cứu hỏa đã kiểm soát được 45% khu vực. Giới chức cho biết, ngọn lửa không còn là hiểm họa đối với khu dân cư xung quanh. Hơn 52.000 người đã di tản trước đó, trong lúc ngọn lửa thiệu rụi hàng nghìn công trình. Hiện, hơn 450 nhân viên cứu hộ và chó nghiệp vụ đang tìm kiếm người mất tích và các thi thể ở những khu vực đã kiểm soát được ngọn lửa. Cháy rừng là hiện tượng tự nhiên ở California, giúp hệ sinh thái "dọn dẹp" những bụi cây già và phát triển thế hệ mới. Ảnh: Reuters.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lửa Bờ Tây và tuyết Bờ Đông, dân Mỹ như trong "Trò chơi vương quyền"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.