Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm kiếm thêm nhượng bộ

Hoàng Linh| 13/12/2018 06:14

(HNM) - Chỉ hơn một ngày trước thời điểm Quốc hội Anh bỏ phiếu về thỏa thuận đưa nước này rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, Thủ tướng Theresa May bất ngờ thông báo hoãn việc trình văn bản như dự kiến.

Một Brexit không thỏa thuận có thể đẩy nước Anh rơi vào suy thoái nghiêm trọng.


Dù là điều khoản đã giúp khơi thông bế tắc trong các cuộc đàm phán Brexit giữa Anh và EU nhưng giờ đây vấn đề duy trì đường biên giới mở giữa Bắc Ireland (thuộc Anh) và Cộng hòa Ireland lại trở thành rào cản chính. Theo thỏa thuận hiện nay giữa Anh với EU, Anh sẽ ở lại Liên minh thuế quan EU, còn vùng Bắc Ireland lại nằm trong thị trường chung châu Âu tới khi hai bên đạt thỏa thuận thương mại song phương.

Quan điểm này đã vấp phải sự phản đối công khai từ nhiều nghị sĩ không chỉ trong đảng Bảo thủ cầm quyền, mà từ cả các đảng phái khác. Thậm chí, ít nhất 8 bộ trưởng và quan chức cấp cao trong nội các Anh đã từ chức nhằm thể hiện sự phản đối.

Thực tế này buộc Nghị sĩ Julian Smith phải lên tiếng cảnh báo Thủ tướng T.May về khả năng thất bại khi đưa thỏa thuận ra bỏ phiếu. Điều đó đã buộc người đứng đầu Chính phủ xứ Sương mù phải cân nhắc và đưa ra quyết định trì hoãn.

Theo cách nhìn nhận của nhóm phản đối, việc chấp nhận điều khoản nói trên sẽ khiến Anh bị ràng buộc mãi trong các quy định thị trường của EU, không thể tự chủ kinh tế như kỳ vọng của người dân khi họ bỏ phiếu chọn rời khỏi khối hồi năm 2016. Riêng đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP), vốn đang giúp chính phủ thiểu số của bà T.May đạt được thế đa số khi đưa ra các quyết sách, còn lo ngại thỏa thuận sẽ gây chia rẽ giữa vùng Bắc Ireland và phần còn lại của nước Anh.

Căng thẳng trong việc tìm kiếm thỏa hiệp nội bộ không chỉ gây sóng gió đối với chính phủ Anh, mà còn đe dọa trực tiếp tới sự nghiệp chính trị của đương kim Thủ tướng. Ngày 12-12, các nghị sĩ trong đảng Bảo thủ của Thủ tướng T.May đã kêu gọi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với vị trí lãnh đạo của bà. Việc này cũng tác động tiêu cực tới nền kinh tế khi khiến thị trường tài chính Anh liên tục đối mặt bất ổn. Những chỉ số chứng khoán quan trọng cũng như giá trị đồng bảng đều lao dốc.

Vì vậy, việc tìm kiếm giải pháp cần được thực hiện càng gấp rút càng tốt. Đây là lý do khiến Thủ tướng T.May trong thời gian qua đã có hàng loạt cuộc gặp riêng với lãnh đạo các nước EU, bao gồm Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Đức Angela Merkel… để tìm sự ủng hộ cần thiết. Theo kế hoạch, bà T.May cũng sẽ có cuộc họp với Hội đồng châu Âu trong tuần này, tập trung vào vấn đề biên giới Ireland.

Tuy nhiên, EU hiện vẫn duy trì quan điểm hết sức cứng rắn. Chủ tịch EU Donald Tusk đã tuyên bố sẽ không tái đàm phán mà chỉ thảo luận phương thức để giúp thỏa thuận này được thông qua tại Anh. Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng thẳng thừng bác bỏ khả năng tái thương thuyết bất kỳ thỏa thuận tách rời nào với Anh và cho biết sẽ chỉ "làm rõ hơn" những chi tiết của thỏa thuận.

Nhà lãnh đạo này cũng khẳng định, thỏa thuận Brexit hiện tại là “tốt nhất có thể” và “duy nhất có thể”. Thực tế, quan điểm EU rất khó có thể thay đổi bởi quá trình tìm kiếm sự nhất trí của các thành viên khối về Brexit đã mất hơn 1 năm. Do đó, mọi sự điều chỉnh vào lúc này sẽ rất phức tạp và càng khiến tiến trình bị kéo dài.

Nhìn chung, vào lúc này cả Anh và EU đều có những lợi ích riêng phải bảo vệ trong các cuộc thương lượng. Vì vậy, việc ngay lập tức tìm ra một lối đi chung là không dễ dàng. Tuy nhiên, nếu không sớm tìm ra sự thỏa hiệp, một Brexit không thỏa thuận sẽ gây thiệt hại vô cùng nặng nề cho cả hai bên, đặc biệt là với London.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm kiếm thêm nhượng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.