Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhật Bản có tàu sân bay đầu tiên kể từ Thế chiến II, F-35 chờ sẵn cùng ra khơi

Theo Thu Hằng/Báo Tin tức| 19/12/2018 07:34

Nhật Bản đã sẵn sàng đưa tàu sân bay đầu tiên ra biển kể từ Thế chiến II, trên boong là phi đội tiêm kích đa nhiệm tàng hình F-35B có thể cất cánh thẳng đứng.

Tàu sân bay trực thăng JS Izumo (phải) của Nhật Bản đi song song với một tàu khu trục của Hải quân Mỹ ở Biển Đông năm 2017. Ảnh: Hải quân Mỹ


Chính phủ Nhật Bản ngày 18-12 tuyên bố sẽ cải tiến các tàu chiến lớp Izumo thành tàu sân bay, mang theo máy bay chiến đấu F-35B do Mỹ thiết kế.

Theo CNN, trong Hướng dẫn Chương trình Quốc phòng 10 năm của mình, Tokyo cho biết họ sẽ mua 42 chiếc F-35B tàng hình, được thiết kế để cất cánh ngắn hạn và hạ cánh thẳng đứng.

Những chiếc máy bay này sẽ triển khai trên hai con tàu boong phẳng, JS Izumo và JS Kaga, với chiều dài hơn 800 feet (gần 244 mét) và trọng lượng giãn nước 27.000 tấn, là những tàu lớn nhất trong hạm đội Nhật Bản.

"Trong môi trường an ninh thay đổi mạnh mẽ trên khắp Nhật Bản, chính phủ sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân Nhật Bản", Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga cho biết ngày 18-12 khi công bố kế hoạch. "Việc xem xét hướng dẫn quốc phòng mới là vô cùng ý nghĩa để người dân Nhật Bản và thế giới thấy những gì thực sự cần thiết trong nền quốc phòng của chúng ta nhằm bảo vệ người dân và đóng vai trò là nền tảng của tương lai (của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản)", ông Suga nói.

Bản Hướng dẫn quốc phòng mới cũng liệt kê Trung Quốc, Triều Tiên và Nga, cùng với Mỹ và NATO, là những thực thể có khả năng quân sự lớn mà Nhật Bản phải quan tâm.

Cải tiến tàu sân bay trực thăng

Trên thực tế tàu Izumo và Kaga đã mang theo những chiếc trực thăng được thiết kế cho chiến tranh chống tàu ngầm kể từ khi đi vào hoạt động trong 3 năm qua. Hai con tàu sân bay trực thăng này sẽ cần phải gia cố các sàn của mình để phù hợp với những chiếc F-35B nặng hơn, cũng như sức nóng và lực từ các máy bay phản lực khi chúng hạ cánh thẳng đứng.

Video bên trong tàu sân bay trực thăng Izumo:


Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga cho biết, Nhật Bản cũng sẽ tăng đơn đặt hàng các máy bay phản lực F-35A có khả năng cất cánh và hạ cánh trên đường băng thông thường, lên đường băng 105 feet. 42 trong số các máy bay phản lực này hiện đang phục vụ hoặc đã được đặt hàng từ trước. Chúng sẽ thay thế phi đội F-15J cũ kỹ của Lực lượng phòng không Nhật Bản.

Việc mua sắm phi đội chiến đấu cơ mới sẽ được trải đều trong vòng 10 năm, với 27 chiếc F-35A và 18 chiếc F-35B, bên cạnh việc trang bị lại hai tàu chiến lớp Izumo thành tàu sân bay trong 5 năm đầu tiên.

Tổng chi tiêu trong 5 năm đầu tiên được chốt ở mức 282,4 tỷ USD và sẽ bao gồm việc thành lập các đơn vị vận tải quốc phòng và hải quân hoạt động ở khắp 3 nhánh quân sự của Nhật Bản là: Lực lượng phòng vệ mặt đất, trên không và biển.

'Canh chừng' Trung Quốc

Ông Carl Schuster, cựu Giám đốc chiến dịch tại Trung tâm Tình báo phối hợp của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, cho biết các tàu sân bay mới sẽ mang đến cho Tokyo khả năng thiết lập hệ thống phòng thủ lãnh thổ xa hơn so với từ các đảo chính của Nhật Bản.

Thủy quân lục chiến Mỹ chứng kiến máy bay chiến đấu F-35B Lightning II cất cánh thẳng đứng sau đó hạ cánh trên tàu tấn công đổ bộ USS Wasp hồi tháng 5-2015. Ảnh: Hải quân Mỹ


Kế hoạch trang bị tàu sân bay của Nhật xuất hiện sau khi Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản công bố hồi tháng 8 năm nay đã nhấn mạnh mối quan ngại về Trung Quốc.

"Việc hiện đại hóa nhanh chóng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, tăng cường năng lực hoạt động và leo thang các hoạt động đơn phương ở các khu vực gần Nhật Bản đang tạo ra mối lo ngại về an ninh mạnh mẽ trong khu vực và cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Nhật Bản", Sách Trắng viết.

Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh sẽ buộc phải chú ý đến khả năng của tàu sân bay Nhật Bản. Corey Wallace, nhà phân tích an ninh châu Á tại Đại học Freie ở Berlin, nhận xét: "Điều này càng làm phức tạp thêm sức mạnh quân sự của Trung Quốc nhằm vào lãnh hải phía tây nam quanh quần đảo Ryukyu của Nhật Bản".

Tuy nhiên, cả ông Wallace và Schuster đều cảnh báo rằng các tàu sân bay Nhật Bản nhỏ và không thể mang theo nhiều máy bay - đặc biệt khi so với các tàu sân bay hạng nặng 90.000 tấn Nimitz của Hải quân Mỹ hay tàu sân bay Liêu Ninh 58.000 tấn của Trung Quốc.


Tàu lớp Izumo mới nhất của Nhật Bản sẽ được cải tiến để chở tiêm kích phản lực. Ảnh: Reuters


Khi tin đồn về kế hoạch tàu sân bay của Nhật Bản rộ lên vào tháng trước, Trung Quốc đã kêu gọi Tokyo thận trọng. Một bài báo trên tờ Thời báo Hoàn cầu (thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc) cho biết việc tái trang bị các tàu lớp Izumo và mua F-35B "về cơ bản thay đổi bản chất của tàu chiến từ phòng thủ sang tấn công.". "Nhật Bản không được quên lịch sử khét tiếng của các quốc gia và khu vực xâm lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong Thế chiến II", tờ báo viết.

Kế hoạch phòng thủ

Ngược dòng lịch sử thì vào đầu Thế chiến II, Nhật Bản đã trang bị một trong những đội tàu sân bay lớn nhất và tốt nhất thế giới. Chính từ những tàu đó, chiến dịch tấn công đẫm máu vào Trân Châu Cảng của Mỹ đã được phát động.

Tuy nhiên hạm đội Nhật Bản đã bị suy tàn trong chiến tranh, và bản Hiến pháp hòa bình sau chiến tranh đặt ra những giới hạn nghiêm ngặt đối với các lực lượng của Tokyo, cho phép họ chỉ hành động trong vai trò phòng thủ.

Tàu sân bay trực thăng Kaga lớp Izumo của Nhật Bản. Ảnh: Reuters


Khi công bố kế hoạch chi tiêu quân sự hôm 18-12, Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh nó được thiết kế để củng cố các tuyến phòng thủ đó. Kế hoạch cho thấy sự cần thiết phải tăng cường mạnh mẽ nền quốc phòng của Nhật Bản và mở rộng vai trò trong bối cảnh môi trường an ninh trên khắp đất nước thay đổi nhanh chóng.

Theo các chuyên gia quân sự, việc Nhật Bản lựa chọn một phi đội F-35 mở rộng sẽ bao gồm Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cùng với quân đội Mỹ và đồng minh trên khắp châu Á. Mỹ, Hàn Quốc và Australia hiện cũng tham gia chương trình F-35. Các máy bay đi kèm với bộ phần mềm mà theo lý thuyết cho phép chúng giao tiếp với nhau trong thời gian thực chiến.

Chuyên gia Wallace cho biết trong tương lai có thể hình dung những chiếc F-35 của Mỹ hoạt động từ các tàu sân bay Nhật Bản hoặc F-35 của Nhật cất cánh từ những tàu sân bay Mỹ.

Ngoài ra việc mua thêm F-35 cũng giúp Nhật Bản thể hiện sự ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump đã công khai chào bán máy bay F-35 ra quốc tế và ca ngợi các nhà lãnh đạo nước ngoài mua chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhật Bản có tàu sân bay đầu tiên kể từ Thế chiến II, F-35 chờ sẵn cùng ra khơi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.