Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chông chênh chờ đề án!

Minh Quang| 11/11/2017 07:40

(HNM) - Rất nhiều người trong nghề đã hy vọng đề án và điều lệ các môn thi đấu của vòng chung kết Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2018 được thông qua và ban hành vào tháng 8-2017, khoảng hơn nửa năm trước khi diễn ra nội dung thi đấu đầu tiên của đại hội...


Sốt ruột đợi chờ và phỏng đoán

Thực tế, vòng chung kết Đại hội Thể thao toàn quốc là sân chơi chủ yếu của các vận động viên (VĐV) thành tích cao (những người hưởng lương từ ngân sách hoặc đơn vị sự nghiệp có thu) và chuyên nghiệp (đến từ các câu lạc bộ thể thao tư nhân thi đấu cho tỉnh, thành phố). Thế nên, tên gọi của đại hội lần này cũng có thay đổi, thay vì tên gọi “Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc” thì nay chuyển thành “Đại hội Thể thao toàn quốc”.

Chỉ sự thay đổi này đã cho thấy "chất" thành tích cao, chuyên nghiệp thay đổi mạnh hơn nhiều các kỳ đại hội trước. Điều này càng rõ hơn khi định hướng tổ chức số môn thi đấu tại đại hội chủ yếu là các môn trong chương trình thi đấu của Olympic và ASIAD. Thông qua đại hội sẽ đánh giá, nâng cao mảng thể thao thành tích cao của các địa phương để làm dự nguồn cho lực lượng VĐV thuộc đội tuyển quốc gia.

Các vận động viên môn cử tạ tập luyện chuẩn bị cho vòng chung kết Đại hội Thể thao toàn quốc.
Ảnh: Anh Tuấn


Thế nhưng, tất cả vẫn phải chờ Đề án tổ chức vòng chung kết Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2018 sớm được thông qua, làm cơ sở để ban hành điều lệ của từng môn thuộc chương trình thi đấu đại hội. Việc đề án tổ chức vòng chung kết đại hội kỳ này chậm được thông qua cũng có những nguyên nhân khách quan như việc thay đổi địa điểm đăng cai từ An Giang ra Hà Nội.

Vì vậy, phải đến tháng 6-2017, Hà Nội mới chính thức được xác định là địa phương đăng cai vòng chung kết Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2018. Việc thay đổi này cũng ảnh hưởng đến quyết định chọn số môn thi đấu do đặc thù của từng địa phương đăng cai.

Trước đây, đã có thông tin rằng Đề án tổ chức vòng chung kết Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2018 được thông qua vào tháng 8-2017. Nhưng đến hết tháng 8, giới làm nghề vẫn chờ đợi. Đến hết tháng 10, tình hình vẫn vậy. Điều này được cho là ảnh hưởng đến quá trình xây dựng kinh phí năm 2018 của nhiều địa phương. Tất nhiên, rồi Đề án tổ chức vòng chung kết Đại hội sẽ được thông qua và điều lệ từng môn thi đấu của đại hội cũng sẽ được ban hành. Nhưng chậm ngày nào thì nhiều địa phương sẽ vẫn phải ngóng đợi ngày đó.

Chủ động về lực lượng, tránh bị động

Đến thời điểm này, đã có nhiều phỏng đoán về số nội dung thi đấu khiến những người trong cuộc càng thêm sốt ruột. Như ở môn canoeing, các huấn luyện viên Hà Nội cũng "kháo nhau" chuyện sẽ cắt giảm nội dung thi đấu, số bộ huy chương còn hơn một nửa so với kỳ đại hội trước. Hay như thông tin về việc môn cử tạ sẽ không trao 3 bộ huy chương ở từng hạng cân thi đấu như kỳ đại hội trước mà chỉ trao 1 bộ huy chương căn cứ vào thành tích tổng cử. Rồi chuyện ở môn vật, “nghe nói” cũng chỉ có 27 bộ huy chương thay vì 30 bộ như ở giải vô địch quốc gia. Gần đây nhất là chương trình thi đấu đại hội có thêm 2 môn lặn và bowling so với dự thảo đề án, qua đó sẽ có tổng số 36 môn…

Ở thời điểm hiện tại, số môn thi đấu đã không phải là vấn đề lớn với các địa phương, ngành tham dự vòng chung kết Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2018. Quan trọng hơn cả vẫn là số nội dung thi đấu của từng môn, bởi chỉ khi có số liệu chính xác thì các đơn vị mới tính được số lượng huy chương có thể đạt được tại đại hội để cân nhắc, chuẩn bị lực lượng nhằm có được kết quả chính xác về quá trình xây dựng lực lượng, đào tạo VĐV trong chu kỳ 4 năm qua.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bi sắt Hà Nội Đặng Xuân Vui cho rằng, chỉ có 1 năm để chuẩn bị mọi mặt thì sẽ rất khó đạt thành tích tốt tại một sân chơi khốc liệt như Đại hội Thể thao toàn quốc, đặc biệt ở những môn cần đến sức mạnh. Vì thế, thay vì chờ đợi, các địa phương nên chủ động chuẩn bị một nền tảng thật vững vàng về chất lượng VĐV để tránh bị động khi có đề án và điều lệ từng môn thi đấu của Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2018.

Đại hội Thể thao toàn quốc là sự kiện thể thao lớn được tổ chức 4 năm một lần, có tính chất, ý nghĩa quan trọng với hoạt động, sự phát triển của cả nền thể thao. Việc tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần IX-2018 là một chủ đề gây tranh cãi khi do cơ sở vật chất, hạ tầng thể thao không đáp ứng được nên An Giang dự định chỉ xin đăng cai 15/36 môn và các môn còn lại sẽ thi đấu ở các tỉnh, thành khác để giảm chi phí đầu tư. Sau đó địa phương này xin rút và Hà Nội được chọn thay thế.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chông chênh chờ đề án!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.