Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Hỗ trợ nhau cùng phát triển

Yên Nga| 02/04/2018 05:52

(HNM) - Chính những người làm du lịch cũng đã nhận thấy lợi ích từ sự kết hợp giữa thể thao và du lịch. Vấn đề họ cần là những động thái cụ thể mạnh mẽ để thể thao và du lịch ngày càng gần nhau, gắn bó mật thiết và hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty TransViet, xu hướng du lịch kết hợp với thể thao đang khá thịnh hành trên thế giới. Đây là hình thức để phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cho Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Hà Nội hiện nay hấp dẫn du khách bởi những di tích mang trong mình giá trị lịch sử, hay khu phố cổ với những “phố Hàng” sầm uất trong các ngôi nhà kiến trúc Pháp, nét ẩm thực tinh tế, những môn nghệ thuật đặc sắc được gìn giữ từ bao đời…

Tuy nhiên, để khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế trở lại lần thứ 2, 3 hoặc nhiều hơn, thì cần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch khác nhau, đem đến cảm giác mới mẻ cho người trải nghiệm. Và thể thao là một trong những lựa chọn tốt nhất. Sẽ là lý tưởng, nếu ngành Du lịch và Thể thao thành phố phối hợp xây dựng những sản phẩm mới.

Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng - Vì hòa bình có nhiều tiềm năng phát triển thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Ảnh: Bùi Tuấn


Ông Đào Anh Dũng, đại diện Công ty Golden Team Travel cho rằng, du khách quốc tế đến Việt Nam thích khám phá nét văn hóa và cả thể thao truyền thống. Đa số khách quốc tế là thanh niên thích khám phá và ưa vận động. Vì vậy, hình thức du lịch kết hợp với thể thao sẽ “đánh” vào tâm lý thích chinh phục của họ, nhất là khách đến từ Châu Âu, Châu Mỹ,…

Theo phân tích của ông Dũng, có thể môn thi đấu và địa điểm không thay đổi, nhưng mỗi lần du khách lại gặp những đối thủ khác nhau, được kiểm nghiệm về sự tiến bộ của mình. Bởi vậy, hình thức du lịch này sẽ khiến họ trở lại nhiều lần mà không cảm thấy nhàm chán. Giải chạy chinh phục đỉnh Phan xi păng liên tục thành công trong vài năm trở lại đây cho thấy điều đó.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Hà Nội có những giải chạy truyền thống thu hút được người nước ngoài, như: Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng - Vì hòa bình, Giải chạy Olympic... Gần đây, ở khu vực Hồ Tây có Giải chạy “Khám phá Hồ Tây” vì trẻ em và nhiều giải chạy mang tính chất xã hội khác, thu hút khá đông cộng đồng người nước ngoài, du khách. Không chỉ giải chạy, khu vực Hồ Tây có thể tổ chức được các giải đấu phối hợp nhiều môn thể thao như chạy bộ, bơi thuyền, đạp xe…

Theo đó, cả gia đình có thể tham gia hình thức này, rất phù hợp với khách du lịch. Ngay như Lễ hội đua thuyền truyền thống mới được tổ chức thí điểm tại Hồ Tây đã khiến nhiều doanh nghiệp du lịch phải giật mình, vì sức hút của thể thao với du khách. Nhiều doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến tìm hiểu và họ nhận được nhiều phản hồi tích cực. “Tại sao những năm tới chúng ta không tổ chức để du khách tham gia tranh tài?” - ông Đạt gợi ý.

Gợi ý của ông Đạt cũng đến từ phản hồi của những khách du lịch đã có mặt ở Hồ Tây hôm đó. Họ thực sự mê mẩn không khí ở Hồ Tây và thực sự hào hứng với việc được thi đấu đua thuyền ít nhất một lần tại đây. Trong khi đó, ông Đào Anh Dũng lại mong muốn có những tour đưa khách về các làng quê, đúng dịp có lễ hội vật, vật cầu truyền thống như ở Lĩnh Nam, Mai Lĩnh, Mai Động (Hoàng Mai), Việt Hùng (Đông Anh), Phùng Xá (Thạch Thất)… để khách được tìm hiểu về các nghi thức khi bước vào hội và được hướng dẫn để trải nghiệm, chắc chắn sẽ “đắt” hàng.

Tuy vậy, để mối quan hệ giữa thể thao và du lịch thực sự bền vững phải có nền tảng là những sự kiện thể thao tổ chức định kỳ. Đương nhiên, chất lượng tổ chức các sự kiện là mấu chốt để quyết định thành công của gói sản phẩm du lịch - thể thao.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Hà Nội cần có những sự kiện thể thao thường xuyên hơn, như định kỳ vào chủ nhật hằng tuần, có thể tổ chức giải chạy quanh Hồ Tây hoặc tổ chức các giải khiêu vũ, dance sport, hip-hop tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Ông Đào Anh Dũng cũng nhận định, du khách được đến tham quan vẻ đẹp Hà Nội, được thi đấu thể thao, nâng cao sức khỏe và có một tặng phẩm kỷ niệm hay chứng nhận đã tham gia thi đấu sẽ là dấu ấn khó phai trong lòng họ. Rõ ràng, với một du khách ưa vận động, nếu được tham gia thi đấu thể thao trong chuyến du lịch của mình thì đó là điểm nhấn khó quên.

Mong mỏi của người trong cuộc

Tuy nhiên, không đơn giản để liên kết tổ chức các tour du lịch kết hợp với các hoạt động thể thao. Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, cần có sự “ngồi lại” giữa cơ quan quản lý về du lịch và thể thao, nhà tổ chức thể thao, các doanh nghiệp du lịch để bàn luận các vấn đề như du khách có nhu cầu cao tham gia môn thể thao nào, địa điểm nào thích hợp, thời gian nào thu hút đông đảo cả người dân bản xứ và du khách, lịch trình để đưa khách tham gia trải nghiệm… Ông Đạt cho rằng, nên chọn sự kiện làm thí điểm, do thành phố đứng ra tổ chức, để tạo uy tín và đưa ra mô hình phát triển các sản phẩm về sau.

Ông Đào Anh Dũng cũng đề xuất, hình thức du lịch này hấp dẫn đối tượng du khách là thanh niên và trung niên, thích vận động, trải nghiệm tranh tài. Vì vậy, nhà tổ chức các giải đấu nên chọn đối tác liên kết là doanh nghiệp có thực lực, mạnh về phát triển khách quốc tế. Các doanh nghiệp chịu trách nhiệm phân bổ khách đến các đối tác trong hệ thống. Có như vậy mới thống nhất trách nhiệm, giá cả và đặc biệt giảm thiểu rủi ro.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải khẳng định, thành phố luôn khuyến khích việc liên kết liên ngành, liên quốc gia, liên tỉnh, thành phố để xây dựng sản phẩm du lịch mới, tạo sự đa dạng, cuốn hút cho Thủ đô. Các tour thể thao không những đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe của người dân, mà còn là cơ sở để thu hút khách, phát triển kinh doanh du lịch, đồng thời tác động trở lại, đẩy mạnh các phong trào thể thao địa phương, bảo vệ cảnh quan môi trường… Sở Du lịch Hà Nội sẵn sàng tham mưu với thành phố để có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, kết nối để phát triển hình thức du lịch này.

Có thể thấy, người có trách nhiệm, doanh nghiệp du lịch, nhà tổ chức thể thao đều thể hiện mong muốn và nguyện vọng kết hợp giữa thể thao và du lịch. Điều quan trọng nhất là phải có những bước đi cụ thể để mong muốn, nguyện vọng biến tiềm năng của hai lĩnh vực đó thành hiện thực. Một hội thảo đầu tiên ở thành phố về ý tưởng này trong thời gian tới xem ra là việc cần làm đầu tiên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Hỗ trợ nhau cùng phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.