Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tự tin chinh phục đấu trường châu lục

Mai Hoa| 02/06/2018 07:47

(HNM) - 8 vận động viên bơi người khuyết tật Việt Nam vừa có chuyến du đấu thành công tại Giải Bơi lội người khuyết tật thế giới - World series 2018: Tất cả đều đạt chuẩn, giành vé tham dự Đại hội Thể thao người khuyết tật Châu Á ở cả 36 cự ly tham dự.

Đội tuyển bơi người khuyết tật Việt Nam tham dự Giải Bơi lội người khuyết tật thế giới World series 2018 tại Italia.Ảnh: Hồng Thắng


- Ông đánh giá thế nào về kết quả chuyến du đấu vừa qua của các kình ngư thể thao người khuyết tật (NKT) Việt Nam?

- Đội tuyển bơi NKT Việt Nam được cử tham dự Giải Bơi lội NKT thế giới World series 2018 tại Italia từ ngày 19 đến 28-5-2018 với mục đích tăng cường cọ xát, nâng cao kinh nghiệm thi đấu và tìm kiếm thêm những vận động viên (VĐV) đạt chuẩn giành vé tham dự Đại hội Thể thao NKT Châu Á vào tháng 10 tại Indonesia. Với 8 VĐV tham dự ở 36 cự ly thi đấu của các hạng thương tật, các VĐV Việt Nam đã đạt chuẩn cả 36 cự ly, giành vé chính thức tham dự Đại hội Thể thao NKT Châu Á sắp tới, hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.

- Từ thực tế thi đấu ở đấu trường lớn này, ông nghĩ gì về cơ hội và tiềm năng của bơi NKT Việt Nam tại Đại hội Thể thao NKT Châu Á 2018?

- World series 2018 là chuỗi hệ thống thi đấu bao gồm 5 giải được tổ chức tại 5 quốc gia. Giải thứ nhất và thứ hai được tổ chức tại Đan Mạch và Mỹ vào tháng 2, giải thứ ba tổ chức tại Brazil tháng 4, giải thứ 4 tại Italia từ 19 đến 28-5 và giải thứ 5 sẽ diễn ra vào tháng 6 tại Anh. Đây là hệ thống giải thi đấu quy tụ đông đảo VĐV bơi NKT hàng đầu thế giới, như ở giải vừa qua mà Việt Nam tham gia có gần 500 VĐV thuộc 30 quốc gia tham dự. Khác với Giải vô địch thế giới được tổ chức 2 năm/lần hoặc Paralympic 4 năm/lần, ở đó các VĐV tranh chấp huy chương ở từng hạng thương tật riêng biệt, thì hệ thống World series thi đấu theo hình thức tính điểm và xếp hạng thành tích chung cho tất cả các hạng thương tật khác nhau ở mỗi nội dung thi đấu, có nghĩa là tất cả các hạng thương tật từ S1 đến S14 sẽ phải thi đấu vòng loại ở mỗi nội dung thi đấu, rồi chọn ra 8 VĐV có số điểm cao nhất thi chung kết bảng A và 8 VĐV tiếp sau thi chung kết bảng B, mỗi nội dung thi đấu chỉ trao một bộ huy chương vàng, bạc, đồng duy nhất cho 3 VĐV đứng đầu ở bảng A. Với thể thức thi đấu như vậy, mỗi nội dung thường có hàng trăm VĐV tranh tài, do vậy, việc giành huy chương vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, với kết quả Việt Nam có 3 VĐV giành quyền vào thi đấu 5 nội dung chung kết bảng A, 4 VĐV chung kết bảng B, đạt được 3 giải hạng Tư chung cuộc, nên các VĐV Việt Nam hoàn toàn có khả năng giành huy chương cao tại Đại hội Thể thao NKT Châu Á tới đây.

- Mục tiêu bơi lội NKT Việt Nam đặt ra tại Đại hội Châu Á sắp tới?

- Kỳ Đại hội năm 2014, đội tuyển bơi NKT Việt Nam giành được 7 Huy chương vàng. Với kết quả đạt được của các VĐV trong thời gian vừa qua, tôi tin đội tuyển bơi NKT sẽ có khả năng giành được từ 5 đến 7 Huy chương vàng tại kỳ Đại hội này. Nhưng mục tiêu trên hết hiện nay của thể thao NKT nói chung và đội tuyển bơi NKT nói riêng không chỉ là những tấm huy chương, mà chính là tinh thần vượt lên chính mình của mỗi VĐV.

- Đâu sẽ là những gương mặt được kỳ vọng, thưa ông?

- Việt Nam có thế mạnh ở các nội dung thi đấu của các hạng thương tật vận động từ S4 đến S6. Chung cuộc giải vừa qua, Võ Thanh Tùng xếp thứ 4 chung kết bảng A ở nội dung 50m ngửa, Trịnh Thị Bích Như thứ 4 chung kết bảng A cự ly 50m bướm, Hà Văn Hiệp thứ 4 chung kết bảng A ở cự ly 150m hỗn hợp. Họ chính là những gương mặt được kỳ vọng mang về thứ hạng cao nhất tại Đại hội Thể thao NKT Châu Á 2018.

- Để tạo điều kiện tốt nhất cho các VĐV, các nhà quản lý thể thao sẽ có sự hỗ trợ như thế nào đối với thể thao NKT trong thời gian tới?

- Chuẩn bị Đại hội Thể thao NKT Châu Á 2018, chủ nhà Indonesia đã chuyên nghiệp hóa thể thao NKT, thu hút được NKT trẻ tham gia tập luyện đông đảo, tập huấn quanh năm. Malaysia có cơ sở hạ tầng đồng bộ cho NKT, các trung tâm huấn luyện thể thao bảo đảm tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị đặc thù phục vụ cho VĐV NKT... Còn ở ta, mặc dù thể thao NKT được quan tâm, nhưng vẫn chỉ là ở mức phong trào, phần lớn VĐV bơi NKT Việt Nam vẫn là nghiệp dư, chơi thể thao mang tính rèn luyện sức khỏe, chỉ được tập trung ngắn hạn trước ngày thi đấu. Giành được một số thành tích đạt được tại các đấu trường lớn là nỗ lực phi thường của các VĐV, huấn luyện viên. Trước nhu cầu phát triển, thể thao NKT Việt Nam đang và sẽ dần chuyển hướng sang chuyên nghiệp. Nếu các địa phương đều hình thành các câu lạc bộ thể thao NKT trực thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao cấp tỉnh thì sẽ thu hút được đông đảo NKT tham gia tập luyện, từ đó có thể lựa chọn được nhiều tài năng để đầu tư chuyên biệt. Nếu mời được chuyên gia các nước có trình độ cao, kết hợp đầu tư trang thiết bị, công nghệ, dinh dưỡng..., tôi tin tưởng các VĐV bơi NKT Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục các đấu trường quốc tế lớn.

- Cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự tin chinh phục đấu trường châu lục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.