Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để “nước đến chân mới nhảy”

Mai Hoa| 23/06/2018 08:17

(HNM) - Thể thao thành tích cao của Thủ đô giữ vị trí hàng đầu cả nước từ nhiều năm qua. Thành quả có được nhờ sự đầu tư bền bỉ, dài hơi của thành phố cho nơi ăn, ở, tập luyện của vận động viên.


Những điều trông thấy...

Trong khuôn khổ chương trình làm việc về công tác chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII - năm 2018 (TP Hà Nội đăng cai tổ chức từ ngày 25-11 đến 10-12-2018 với 36 môn thi đấu), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cùng Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn đã tới kiểm tra khu nhà ở và phòng tập luyện của gần 1.000 huấn luyện viên, vận động viên đang tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hà Nội.

Tất cả đã chứng kiến những khó khăn mà các vận động viên đã và đang phải trải qua: Trần nhà ở của vận động viên bị thủng nhiều chỗ, sàn nhà vào mùa mưa nước chảy lênh láng. Thiết bị trong các phòng ở đã xuống cấp, đặc biệt là khu vệ sinh, phòng tắm; nhiều phòng không có điều hòa...

Vận động viên cần điều kiện tập luyện, nghỉ ngơi đạt tiêu chuẩn để yên tâm thi đấu. Ảnh: Giang Sơn


Chủ nhiệm bộ môn kiếm của Hà Nội, huấn luyện viên Phạm Anh Tuấn chia sẻ: "Kiếm thuộc số môn mũi nhọn của Hà Nội, nhiều năm liền đạt thành tích cao ở cả đấu trường quốc gia và quốc tế nên được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, các kiếm thủ đang phải đối mặt với 3 vấn đề. Thứ nhất, chế độ dinh dưỡng của mỗi vận động viên lần lượt theo mức 150 nghìn đồng/ngày (đội tuyển), 120 nghìn đồng/ngày (tuyển trẻ) và 90 nghìn đồng/ngày (năng khiếu) - không thay đổi từ hàng chục năm qua. Thứ hai, các vận động viên đỉnh cao rất cần được bổ sung thuốc bổ và thuốc tăng lực vào những thời điểm nhất định trong chu trình huấn luyện, nhưng vấn đề này hiện còn nhiều hạn chế. Thứ ba, nhà tập đấu kiếm qua quá trình sử dụng gần chục năm nay đã xuống cấp, mái dột, rất dễ hỏng mặt sàn".

Được biết, trong số gần 300 phòng ở dành cho vận động viên của hơn 40 bộ môn và phân môn, có 40 phòng hiện đã xuống cấp đến mức không thể ở được, các phòng còn lại hầu hết đều cần sửa chữa khu vệ sinh, lắp điều hòa... Đặc biệt, trong 4 đơn nguyên nhà ở, trừ khu 1 có bể nước riêng, 3 khu còn lại hiện dùng chung 1 bể nước, kết quả là nhiều phòng ở của vận động viên không có đủ nước sinh hoạt...

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Hà Nội Tô Văn Động cho biết: "Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hà Nội khánh thành vào năm 2010, nhưng một số công trình đã được xây dựng và đưa vào sử dụng phục vụ SEA Games 22 - năm 2003. Do không có kinh phí chống xuống cấp hằng năm, đến nay, một số công trình phục vụ vận động viên đã hư hỏng, như cửa vỡ, trần dột... Ghi nhận nỗ lực của các vận động viên, chúng ta càng cần chăm lo nơi ăn, chốn ở để họ yên tâm tập luyện, cống hiến".

Phải bảo đảm điều kiện phục vụ vận động viên

Năm nay, thể thao Thủ đô tập trung cho nhiệm vụ đăng cai và thi đấu thành công tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2018. Cùng với đó là góp lực lượng cùng thể thao Việt Nam thi đấu thành công tại Đại hội Thể thao Châu Á 2018 - diễn ra vào tháng 9 tới tại Indonesia.

Một góc nhà vệ sinh trong khu ở của vận động viên tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hà Nội đã bị hỏng thiết bị sau nhiều năm sử dụng.


Qua quá trình thị sát, đồng chí Ngô Văn Quý yêu cầu Sở VH-TT Hà Nội phối hợp cùng Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội... rà soát điều kiện ăn, ở thực tế của vận động viên tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hà Nội, có đề xuất cụ thể với UBND thành phố trước ngày 30-7-2018. Quan điểm là phải bảo đảm điều kiện phục vụ vận động viên. Một số việc cần làm ngay, như ban hành quy chế quản lý vận hành khai thác, sử dụng công trình.

Phòng ở của vận động viên phải có biển báo tên của từng bộ môn. Khu vực sinh hoạt chung có treo ảnh các gương mặt tiêu biểu của thể thao Thủ đô, pa nô, khẩu hiệu, qua đó nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống. Sở Tài chính Hà Nội cần nghiên cứu, đề xuất phương án nâng chế độ dinh dưỡng của vận động viên chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc, không để "nước đến chân mới nhảy".

Chia sẻ khó khăn của Hà Nội khi chưa bố trí được kinh phí bảo dưỡng thường xuyên đối với các công trình phục vụ việc sinh hoạt, tập luyện của vận động viên, ông Trần Đức Phấn lưu ý: "Không phải địa phương nào cũng được đầu tư xây dựng trung tâm đào tạo vận động viên đồng bộ, khép kín như Hà Nội. Việc trang thiết bị xuống cấp là khó tránh khỏi. Trong khi chờ sửa chữa tổng thể, Hà Nội cần sớm cải tạo nhà tắm, nhà vệ sinh cho vận động viên. Các trưởng bộ môn cần tìm giải pháp nhằm nâng cao ý thức của vận động viên trong việc chăm sóc nơi ăn, chốn ở của mình".

Có thể nói, đó là những việc làm cần thiết để bảo đảm sự phát triển bền vững của thể thao Thủ đô.

Cùng với việc chuẩn bị lực lượng, Hà Nội đang tích cực nâng cấp, sửa chữa các công trình thể thao phục vụ đăng cai tổ chức thành công Đại hội Thể thao toàn quốc 2018. Tính đến nay, 9/10 công trình do Sở VH-TT Hà Nội quản lý đang được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp. Còn lại 1 công trình - sân bóng chuyền bãi biển - sẽ được khởi công vào cuối tháng 7-2018, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 8-2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để “nước đến chân mới nhảy”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.