Theo dõi Báo Hànộimới trên

LienVietPostBank: Ghi dấu ấn trên thị trường chứng khoán

Hà Linh| 02/11/2017 07:54

Trong 9 tháng năm 2017, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã đạt lợi nhuận trước thuế 1.433 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.125 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh khá thành công này, LienVietPostBank tiếp tục ghi dấu ấn trong hệ thống ngân hàng, cũng như trên sàn chứng khoán.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt. Ảnh: Hải Anh


Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của LienVietPostBank cho biết, trong báo cáo tài chính quý III-2017, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 523 tỷ đồng, sau thuế là 419 tỷ đồng; lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 9 tương ứng đạt 1.433 tỷ đồng và 1.125 tỷ đồng. Điều này cho thấy tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu khá cao, nếu tính đơn thuần đạt 18% trên vốn điều lệ. Với kết quả này, dự kiến kết thúc năm 2017, ngân hàng hoàn thành vượt kế hoạch chi trả cổ tức là 12%.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng khẳng định: Ngân hàng không phấn đấu tăng lợi nhuận bằng mọi giá, nếu đơn thuần phấn đấu vì lợi nhuận là trên hết, năm nay LienViet PostBank có thể đạt con số hơn 2.000 tỷ đồng. Nhưng, để hoạt động bền vững phải biết tính đường dài, tức là tập trung đầu tư mở rộng mạng lưới, hiện đại hóa, tạo sản phẩm mới đột phá... Đặc biệt, ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất cho vay để giúp khách hàng lớn, khách hàng chiến lược khi họ gặp khó khăn, đồng thời "gắn xã hội trong kinh doanh", làm tốt công tác từ thiện xã hội - một nhiệm vụ thường xuyên của LienVietPostBank.

Tính đến trung tuần tháng 10-2017, tổng tài sản của LienVietPostBank đạt 148.000 tỷ đồng, huy động vốn 129.443 tỷ đồng, trong đó huy động từ thị trường 1 (huy động từ các cá nhân, tổ chức kinh tế) đạt 116.448 tỷ đồng, chiếm 90% tổng huy động vốn, còn lại là huy động trên thị trường 2 (từ ngân hàng khác). Việc huy động thị trường 1 của một ngân hàng chiếm 90% thể hiện được sự ổn định về nguồn vốn của ngân hàng đó.

Đầu tháng 10-2017, cổ phiếu LPB của LienVietPostBank đã lên sàn UPCoM và trong thời gian ngắn vừa qua đã ghi được dấu ấn trên thị trường chứng khoán. Mặc dù có phiên tăng, giảm, nhưng thực tế, giá cổ phiếu của LienVietPostBank đã tăng rất nhanh kể từ đầu năm với mức khoảng 50%. Vì vậy, mức giảm hay sự điều chỉnh qua các phiên ở thị trường tập trung không đáng lo ngại, vì giá cổ phiếu do thị trường điều tiết, trong đó có hoạt động cụ thể hóa giá trị sau quá trình đầu tư.

Về kế hoạch trong thời gian tới, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng cho biết, ngân hàng sẽ lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu và cán bộ nhân viên, phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 1 năm, lãi suất 8%/năm. Điểm chính trong kế hoạch phát hành cổ phiếu lần này là bảo đảm để LienVietPostBank là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên mà tất cả các lãnh đạo và nhân viên đều sở hữu cổ phần của ngân hàng mình. Chính sách này nhằm tạo điều kiện để mỗi thành viên trong ngân hàng có trách nhiệm với “nồi cơm chung” là uy tín, hiệu quả hoạt động của ngân hàng, có ý thức bảo vệ thương hiệu LienVietPostBank.

Cùng với kế hoạch phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi trong nước và việc lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài, ngân hàng sẽ chủ động và không chịu nhiều áp lực trước yêu cầu tăng vốn cho phát triển, cạnh tranh những năm tới, bảo đảm yếu tố an toàn cao theo chuẩn mực quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
LienVietPostBank: Ghi dấu ấn trên thị trường chứng khoán

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.