Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính phủ luôn đồng hành với doanh nghiệp

Hồng Sơn| 13/12/2017 07:24

(HNM) - Bức tranh về môi trường kinh doanh đã được các hiệp hội doanh nghiệp tái hiện tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2017 - kênh đối thoại chính sách thường niên lớn nhất với Chính phủ tổ chức ngày 12-12 tại Hà Nội, với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2017. Ảnh: TTXVN


Những chuyển biến về chất

2017 là năm có nhiều dấu ấn quan trọng trong nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi vì doanh nghiệp của Chính phủ, bao trùm là quan điểm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ doanh nghiệp. Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam do Chính phủ ban hành năm 2016 nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo ra bước chuyển biến về chất, góp phần thúc đẩy nhiều doanh nghiệp ra đời, phát triển, tham gia vào thị trường một cách vững vàng hơn.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 11 tháng qua, cả nước đón nhận hơn 140 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, là mức cao nhất trong nhiều năm gần đây, cho thấy làn sóng khởi nghiệp đang diễn ra trên diện rộng. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn khi có 10.814 doanh nghiệp giải thể và 55.664 đơn vị khác tạm ngừng hoạt động, con số tăng lần lượt là 3,3% và 3% so với cùng kỳ.

Cộng đồng doanh nghiệp xác nhận, năm 2017, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động tiếp sức, giải quyết các vấn đề nảy sinh, tập trung giảm chi phí thời gian, thủ tục... cho doanh nghiệp. Việt Nam xếp hạng 55/137 nền kinh tế của "Diễn đàn kinh tế thế giới", tăng 5 bậc so với năm ngoái và tăng 20 bậc so với 5 năm trước đây... Các tổ chức quốc tế đánh giá cao những chuyển biến về chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam.

VBF 2017 đánh dấu chặng đường 20 năm thành lập VBF (1997-2017). Đây là cơ hội để nhìn lại những đóng góp của VBF suốt 20 năm qua, đồng thời, tiếp tục thể hiện tính kết nối từ phía cộng đồng doanh nghiệp trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Kiên trì mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, cơ quan quản lý, hoạch định chính sách cần chủ động thu thập các kiến nghị, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, lưu ý thỏa đáng tới mục tiêu thu hút đầu tư, kết hợp cả hai nguồn gồm đầu tư nước ngoài (FDI) và đầu tư trong nước; khuyến khích sự kết nối hợp tác giữa doanh nghiệp thuộc hai khu vực này, nhất là sự chia sẻ, lan tỏa từ doanh nghiệp FDI đối với doanh nghiệp "nội". Đây cũng là yếu tố cần thiết để doanh nghiệp Việt tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, cần đánh giá hiệu quả công tác hỗ trợ doanh nghiệp, nêu cao tinh thần vì doanh nghiệp kết hợp với việc có biện pháp ràng buộc trách nhiệm của cơ quan quản lý, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, môi trường đầu tư - kinh doanh ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể nhờ những cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế và khung pháp lý, từ đó nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển của nền kinh tế. Ảnh: Bá Hoạt

Đặc biệt, phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2017 Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng như dự kiến là 6,7%, với tất cả chỉ tiêu đều hoàn thành hoặc vượt mức đề ra. Cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ngày càng nhiều vào sự nghiệp phát triển kinh tế, với sự gia tăng cả về chất lượng và số lượng, làn sóng khởi nghiệp đang lan tỏa. Đó là tiền đề cho nền kinh tế vĩ mô ổn định, xuất khẩu tăng mạnh, đầu tư nước ngoài đạt kết quả kỷ lục. Cộng đồng doanh nghiệp cần lưu ý về sự thay đổi xu hướng tiêu dùng để có cách thích ứng, thay đổi theo hướng chủ động và sáng tạo, trong đó gắn liền với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ cao, kinh tế số...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm phục vụ, xác định khu vực tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế và Chính phủ sẽ kiên trì đồng hành với doanh nghiệp. Trong tình hình mới, cần xác định việc nâng cao chất lượng tăng trưởng thông qua cải thiện năng suất lao động, phát huy sức sáng tạo của doanh nghiệp với sự hỗ trợ của Chính phủ kiến tạo. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hội nhập, chủ động hợp tác quốc tế, tăng tốc độ tham gia và tận dụng thời cơ từ các hiệp định thương mại tự do...

Để thích ứng với tình hình mới, Việt Nam sẽ tập trung cải thiện và phát triển hệ thống hạ tầng, đáp ứng các yêu cầu về năng lượng cũng như yếu tố đầu vào nói chung bên cạnh sự quan tâm thỏa đáng cho giáo dục. Đặc biệt là bảo đảm sự ổn định chính trị, an sinh xã hội, cải thiện môi trường đầu tư gắn liền với mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, tập trung giải quyết những hạn chế tồn tại của doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu và ngân hàng yếu kém...

Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng bảo đảm tính minh bạch, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cũng như xây dựng hình ảnh doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn mới; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân “vươn ra biển lớn” cũng như khuyến khích cơ quan quản lý và doanh nghiệp tiếp cận, vận dụng các chuẩn mực quốc tế... Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam luôn mong muốn thu hút đầu tư, nhưng cũng kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như gian lận thương mại, trốn thuế, chuyển giá, gây ô nhiễm môi trường...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ luôn đồng hành với doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.