Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hồ Chí Minh: Chủ động đối thoại cùng doanh nghiệp

Tuệ Diễm| 21/09/2018 06:49

(HNM) - Hệ thống


Cùng trao đổi, lắng nghe

Kể từ năm 2002 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hơn 180 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với chính quyền nhằm giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý người lao động. Những cuộc đối thoại thể hiện tinh thần, trách nhiệm giúp đỡ doanh nghiệp của chính quyền các cấp, thu hút sự quan tâm trong cộng đồng doanh nghiệp. Chính vì thế, mỗi kỳ đối thoại được tổ chức có trên 300 đại diện đến từ doanh nghiệp và lãnh đạo các UBND quận, huyện tham dự. Thông qua những cuộc đối thoại thẳng thắn và cởi mở đó, nhiều nội dung thiết thực đã được chia sẻ, nhiều vướng mắc được giải tỏa. Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết: “Tôi thường xuyên theo dõi các buổi đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố, đặc biệt là về chủ đề thuế, đất đai, xây dựng. Qua đối thoại, những vấn đề doanh nghiệp phản ánh đã được giải quyết, một số vấn đề liên quan đến quy định của pháp luật đã được Bộ Xây dựng lắng nghe, rồi gửi kiến nghị đến Chính phủ”.

Hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp - chính quyền thành phố” chủ đề về thuế được tổ chức trong tháng 9-2018.


Từ đầu năm 2018 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức 6 buổi đối thoại trực tiếp, trong đó, đối thoại doanh nghiệp với chuyên đề về lĩnh vực thuế vừa tổ chức vào giữa tháng 9 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp. Tại đây, hơn 63 câu hỏi thắc mắc xoay quanh vấn đề thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, chuyển đổi hóa đơn giấy sang sử dụng hóa đơn điện tử được gửi về Ban tổ chức. Trong đó, vấn đề nổi bật là bỏ hóa đơn giấy qua sử dụng hóa đơn điện tử khiến nhiều doanh nghiệp bỡ ngỡ, nhiều trường hợp chuyển đổi chưa hợp lệ cũng được Cục Thuế nêu ví dụ và hướng dẫn cách khắc phục.

Cụ thể, trả lời thắc mắc của doanh nghiệp về vấn đề hóa đơn điện tử khi chuyển đổi thành hóa đơn giấy để lưu chứng từ, người thực hiện chuyển đổi có cần giấy ủy quyền thì mới được ký vào vị trí người được thực hiện chuyển đổi hay không, ông Nguyễn Nam Bình - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết: Căn cứ Điều 12, Thông tư 32/2011/TT-BTC ngày 14-3-2011 của Bộ Tài chính, trường hợp chuyển đổi hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy phải có chữ ký của người thực hiện chuyển đổi và dòng chữ "hóa đơn chuyển đổi từ hóa đơn điện tử". Việc thực hiện ký trên hóa đơn không cần có giấy ủy quyền của người đại diện pháp luật.

Cũng tại hội nghị này, Cục Thuế tiếp tục thông tin đến các doanh nghiệp, thời gian tới sẽ đẩy mạnh việc chuyển đổi hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử nhằm tiết kiệm thời gian, giảm thiểu thủ tục hành chính. Do đó, Cục Thuế đề nghị doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận thông tin về quy trình chuyển đổi này để áp dụng tại đơn vị.

Tăng cường đồng hành với doanh nghiệp


Có thể thấy, hành trình đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền được tổ chức xuyên suốt 16 năm qua đã phát huy tính dân chủ mà TP Hồ Chí Minh kiên quyết thực hiện nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết: “Mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh đóng góp vào ngân sách quốc gia trên 1.000 tỷ đồng, đó là công sức của tất cả cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Vì thế, lãnh đạo chính quyền các cấp của TP Hồ Chí Minh cần có nghĩa vụ phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp".

Theo bà Cao Thị Phi Vân, thành phố đang bước vào nền kinh tế hội nhập nên hệ thống chính sách cần được thay đổi để phù hợp với thời cuộc. Lãnh đạo thành phố chủ động đối thoại với doanh nghiệp, lắng nghe và giải thích cho doanh nghiệp hiểu. Phương pháp đối thoại trực tiếp là một bước đơn giản để giảm nhẹ khiếu nại, khiếu kiện của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương được thành phố giao nhiệm vụ phải trả lời hết kiến nghị của doanh nghiệp, nếu cố tình kéo dài, trì hoãn việc trả lời là trái chủ trương của thành phố và đi ngược lại quan điểm của Chính phủ. Vì thế, thành phố sẽ có biện pháp xử lý với người đứng đầu cơ quan, đơn vị vi phạm nội dung trên.

Ngoài việc gửi câu hỏi đến các hội nghị đối thoại trực tiếp, các doanh nghiệp có thể gửi những câu hỏi cho cơ quan quản lý thông qua website của hệ thống "Đối thoại doanh nghiệp - chính quyền thành phố". Những doanh nghiệp có giấy phép hoạt động kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh và đã đăng ký vào hệ thống sẽ được gửi câu hỏi. Đặc biệt, các thông tin cá nhân của doanh nghiệp được bảo mật hoàn toàn. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải trả lời trong thời gian ngắn nhất. Các câu hỏi và trả lời được công khai, minh bạch để giúp các doanh nghiệp khác cùng hoàn cảnh hiểu rõ những quy định pháp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Chủ động đối thoại cùng doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.