Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy chế tuyển sinh năm 2016: Thêm cơ hội, nhiều băn khoăn

Khánh Vũ| 16/02/2016 06:56

(HNM) - Sau khi lấy ý kiến đóng góp và rút kinh nghiệm từ những hạn chế của kỳ tuyển sinh năm 2015, Bộ GD-ĐT đã đưa ra một số thay đổi trong Quy chế tuyển sinh năm 2016 được công bố mới đây, như tăng số lượng cụm thi, rút ngắn thời gian của mỗi đợt xét tuyển, sắp xếp lại số trường và số ngành ưu tiên đăng ký xét tuyển…

Những thay đổi trong Quy chế tuyển sinh năm 2016 sẽ mang lại sự thuận tiện cho thí sinh. Ảnh: Viết Thành


Bên cạnh kỳ vọng những thay đổi này sẽ mang lại sự thuận tiện cho thí sinh, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về cách thực hiện và tính hiệu quả.

Thêm cơ hội với ngành yêu thích

Theo quy chế tuyển sinh mới, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ tổ chức 2 loại cụm thi: Cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, do trường ĐH chủ trì; Cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, do sở GD-ĐT chủ trì. Tùy tình hình cụ thể của địa phương, có thể chỉ tổ chức cụm thi ĐH. Như vậy, ước tính số lượng cụm thi sẽ tăng lên đáng kể so với năm trước (năm 2015 có 99 cụm gồm 38 cụm do các trường ĐH chủ trì và 61 cụm do các sở GD-ĐT chủ trì). Năm 2016, riêng số cụm do các trường ĐH chủ trì sẽ có ít nhất là 64. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có thể có nhiều cụm thi hơn các địa phương khác. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng sự điều chỉnh quan trọng nói trên giúp thí sinh thuận tiện hơn khi đi lại, không phải di chuyển tới tỉnh lân cận như năm 2015.

Quy chế tuyển sinh năm 2016 cũng quy định, trong đợt xét tuyển đầu tiên thí sinh được đăng ký vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng vào 2 ngành khác nhau, tức là có 4 nguyện vọng ở đợt đăng ký xét tuyển đầu tiên. Ở đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh được đăng ký vào 3 trường, mỗi trường 2 ngành. Năm 2015, ở đợt xét tuyển thứ nhất, thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng nhưng ở cùng một trường, cũng có nghĩa chỉ có một ngành được yêu thích. Năm nay, số trường được đăng ký tăng thêm nên thí sinh có nhiều cơ hội chọn ngành yêu thích hơn. Sự điều chỉnh này được cho là khắc phục được hạn chế lớn của kỳ thi năm ngoái, đó là thí sinh cứ phải cố để có một chỗ trong trường ĐH mà bỏ qua sở thích của mình.

Ở khâu xét tuyển, năm nay thí sinh không phải đến tận các trường ĐH để làm hồ sơ đăng ký xét tuyển mà thực hiện nộp hồ sơ qua bưu điện hoặc qua internet. Thí sinh không có đường truyền internet có thể gửi phiếu đăng ký xét tuyển qua bưu điện và cũng không cần phải gửi hồ sơ xét tuyển như kỳ thi năm 2015.

Tái diễn tuyển vượt chỉ tiêu?

Để những thay đổi nói trên có thể được thực hiện thuận lợi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị một số biện pháp kỹ thuật. Một phần mềm đã được thiết kế để giúp thí sinh, với một đường truyền internet, có thể đăng ký xét tuyển tại nhà cùng một mã số đăng ký xét tuyển riêng. Ngoài ra, năm nay, thay vì chỉ có 8 điểm công bố điểm thi như năm 2015, tất cả các cụm thi đều thực hiện công bố kết quả thi THPT quốc gia. Thí sinh thi ở cụm nào sẽ tra cứu điểm thi ở cụm đó nên sẽ tránh được tình trạng nghẽn mạng.

Mặc dù Bộ GD-ĐT khá yên tâm vì các trường ĐH và các địa phương đều đã có kinh nghiệm tổ chức thi song viễn cảnh sẽ có quá nhiều cụm thi cũng gây nên nhiều băn khoăn. Có ý kiến lo ngại rằng việc chia thành nhiều cụm thi làm tăng xác suất thí sinh học cùng trường, cùng lớp sẽ ngồi thi cùng một phòng thi, làm ảnh hưởng tới kỷ luật trường thi. Vì vậy, một chuyên gia tuyển sinh cho rằng cần hết sức cân nhắc việc mở rộng các cụm thi nếu như chưa đủ những điều kiện bảo đảm việc tổ chức thi an toàn, coi thi nghiêm túc và chấm thi công bằng, chính xác. Thậm chí, với địa phương có ít thí sinh hoặc tại các thành phố có nhiều trường ĐH lớn thì chỉ nên có một loại cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Ngoài ra, với các địa phương không có trường ĐH đủ sức tổ chức kỳ thi có quy mô lớn, Bộ GD-ĐT cần điều động một trường ĐH có kinh nghiệm đến chủ trì cụm thi như đã từng thực hiện trong kỳ thi năm 2015.

Bên cạnh đó, việc năm nay thí sinh được đăng ký vào 2-3 trường trong mỗi đợt xét tuyển cũng tạo nên băn khoăn về tình trạng "trúng tuyển ảo" vốn đã được giải quyết rất tốt trong mùa thi trước. Để phòng tình trạng này, chắc chắn các trường sẽ gọi trúng tuyển dôi ra, thậm chí là vượt chỉ tiêu. Nếu như điều này không gây nhiều khó khăn cho các trường nhóm trên thì lại khiến các trường thuộc nhóm dưới phải thực hiện thêm các đợt xét bổ sung.

Những chủ trương trong Quy chế tuyển sinh năm 2016 cho thấy Bộ GD-ĐT đang cố gắng khắc phục những nhược điểm của kỳ thi năm ngoái. Tuy nhiên, những thay đổi này cần được cân nhắc và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để kỳ thi diễn ra thực sự công bằng, hiệu quả và thuận tiện.

* Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội Kiều Xuân Thực: Theo Quy chế tuyển sinh năm 2016, mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được phép đăng ký vào nhiều trường khác nhau, gồm hai trường ở đợt 1, ba trường ở mỗi đợt bổ sung, mỗi trường tối đa hai ngành. Điều này vừa giúp thí sinh có nhiều lựa chọn để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường phù hợp vừa khắc phục tình trạng thí sinh liên tục và ồ ạt rút đăng ký xét tuyển từ trường này để nộp sang trường khác như đã xảy ra năm 2015.

* Phụ huynh học sinh Trường THPT Hà Nội - Amsterdam Phạm Mai Hương: Quy định mới về xét tuyển đại học sẽ bắt buộc thí sinh cân nhắc kỹ khi đăng ký chọn trường. So với kỳ xét tuyển 2015, thí sinh không có cơ hội rút, nộp hồ sơ, tăng khả năng trúng tuyển ngay đợt xét tuyển đầu tiên. Với 4 cơ hội đăng ký, thí sinh sẽ phải tính toán kỹ năng lực, sở trường bản thân cũng như chỉ tiêu, mức tuyển đầu vào của các trường để nộp hồ sơ. Tôi cho rằng, việc giữ ổn định, không để xảy ra tình trạng lộn xộn rút nộp hồ sơ sẽ bớt vất vả cho thí sinh, tránh tình trạng chạy đua cốt chỉ đỗ vào bất cứ trường nào, dù không đúng nguyện vọng như kỳ tuyển sinh đại học năm ngoái.

* Học sinh lớp 12H, Trường THPT Đào Duy Từ (quận Thanh Xuân) Phạm Vũ Duy: Quy chế tuyển sinh lần này thuận lợi hơn cho thí sinh rất nhiều so với quy chế năm 2015. Không chỉ giúp các thí sinh thuận tiện hơn trong việc đi lại để thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ, mà còn tăng cơ hội lựa chọn ngành cho các thí sinh. Việc đăng ký xét tuyển cũng thuận tiện hơn rất nhiều, thí sinh không cần phải trực tiếp đến các trường nhưng vẫn có thể đăng ký được. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất, Quy chế tuyển sinh năm 2016 vẫn có thể xảy ra tình trạng thí sinh tập trung đăng ký vào một số trường ĐH chất lượng, có uy tín, quá nhiều…
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy chế tuyển sinh năm 2016: Thêm cơ hội, nhiều băn khoăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.