Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội: Nghiêm túc, công bằng

Thống Nhất| 08/06/2018 06:49

(HNM) - Ngày 7-6, gần 95 nghìn thí sinh trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2018-2019.

Với quyết tâm tạo “sân chơi” công bằng cho các thí sinh, nâng cao chất lượng “đầu vào” ở cấp THPT, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để duy trì kỷ luật thi, đặc biệt ở khâu coi thi và kiên quyết với những sai phạm.

Giám thị hướng dẫn thí sinh điền những thông tin cần thiết vào giấy thi tại Hội đồng thi Trường THPT Phan Đình Phùng. Ảnh: Viết Thành


Coi thi nghiêm nhưng không gây căng thẳng

Để tổ chức kỳ thi vào lớp 10 năm học 2018-2019, Hà Nội đã thành lập 185 điểm thi với gần 4 nghìn phòng thi (năm 2017 là 153 điểm thi). Với số lượng học sinh thi vào lớp 10 tăng hơn 22 nghìn em, trong khi chỉ tiêu vào các trường công lập chỉ chiếm 62% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS nên đây là kỳ thi có tính cạnh tranh khá gay gắt. Xác định điều này, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ thi, trong đó coi trọng công tác thanh tra, giám sát khâu coi thi. Bà Đoàn Thị Kiều Oanh, Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT cho biết: Toàn thành phố có gần 400 thanh tra cắm chốt tại các điểm thi, ngoài ra có 14 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi và tuyển sinh thành phố đi kiểm tra đột xuất các điểm thi.
Trước giờ thi môn ngữ văn, đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo thi và tuyển sinh thành phố đã đi kiểm tra công tác tổ chức thi và động viên cán bộ, thí sinh tại điểm thi Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình).

Đặc biệt, với tinh thần hỗ trợ, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh, Sở GD-ĐT đã quán triệt tới 8.300 cán bộ coi thi, yêu cầu thực thi nhiệm vụ nghiêm túc, đúng quy chế nhưng không gây căng thẳng cho thí sinh. Theo bà Nguyễn Thanh Huyền, Trưởng điểm thi Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa), những người được giao nhiệm vụ đều có ý thức nghiêm túc, phẩm chất và năng lực tốt. Trước mỗi buổi thi, trưởng điểm thi đều nhắc nhở cán bộ coi thi tuân thủ quy chế thi, giao rõ đầu việc và giải đáp mọi thắc mắc của cán bộ coi thi về quy trình thực hiện. Điều quan trọng nhất là tạo cho thí sinh tâm lý thoải mái để làm bài thi.

Còn theo bà Nguyễn Hải Yến, Trưởng điểm thi Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ), năm nay đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức thi được tập huấn sớm, có cẩm nang hướng dẫn chu đáo nên không lo làm thiếu quy trình, sót việc. Để tránh gây áp lực với thí sinh, cán bộ coi thi số 2 được lưu ý ngồi đúng vị trí ở cuối phòng, chỉ khi thí sinh có ý kiến mới được đến gần thí sinh và không được đứng quá lâu.

Theo các thí sinh, đề thi môn ngữ văn và môn toán nằm trong chương trình đã học, không quá dài và không có câu hỏi lắt léo. Em Nguyễn Việt Ba (điểm thi Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên) cho biết, hơi bất ngờ trước yêu cầu ghi lại câu thơ trong bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh có hình ảnh con thuyền trong đêm trăng, bởi câu này rất dễ lấy điểm, nhưng lại học từ khá lâu nên ít người nhớ chính xác.

Xử lý nghiêm trường hợp để lọt đề thi ra ngoài

Sự cố đáng tiếc tại kỳ thi năm nay là việc để lọt đề thi ra ngoài điểm thi, khiến phụ huynh và dư luận xã hội khá lo lắng. Cụ thể, sau khi tính giờ làm bài khoảng 60 phút, trên mạng xã hội xuất hiện bản chụp đề thi môn ngữ văn. Hiện tượng tương tự cũng diễn ra trong buổi thi môn toán.

Theo ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, đây là hiện tượng lọt đề thi chứ không phải lộ đề thi. Ngay khi nhận được thông tin phản ánh, Sở GD-ĐT đã khẩn trương phối hợp với Công an thành phố xác minh. Kết quả điều tra ban đầu xác định, tác giả của bản chụp đề thi là giáo viên Nông Hoàng Phúc (Trường THCS Mai Đình, huyện Sóc Sơn) - cán bộ coi thi tại điểm thi Trường THPT Vân Nội (huyện Đông Anh). Người này khai nhận đã mang điện thoại vào phòng thi, cũng là người chụp đề thi của cả hai môn ngữ văn và môn toán, rồi truyền ra ngoài.

Trước những băn khoăn về sự cố này liệu có ảnh hưởng đến các thí sinh, ông Lê Ngọc Quang khẳng định: Việc để lọt đề thi không ảnh hưởng đến kết quả thi. Với mục tiêu tạo sự công bằng cho các thí sinh, Sở GD-ĐT đã thực hiện nhiều giải pháp để giữ nghiêm kỷ luật trường thi, bằng cách tiếp tục tăng cường giám sát các khâu và xử lý kịp thời các sai phạm. Theo đó, toàn thành phố có 2 thí sinh vi phạm quy chế vì mang tài liệu, điện thoại vào phòng thi đã bị lập biên bản và đình chỉ thi. Với trường hợp để lọt đề thi, Sở GD-ĐT và Công an thành phố tiếp tục điều tra mở rộng sự việc, nhằm làm rõ động cơ, mục đích, mức độ ảnh hưởng, từ đó xác định hình thức xử lý.

Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT) thông tin thêm, để bảo đảm an toàn cho kỳ thi vào các lớp chuyên diễn ra vào ngày 8 và 9-6, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trưởng điểm thi tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn, nhất là khâu bảo vệ đề thi; kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ mang và sử dụng thiết bị công nghệ cao. Tất cả các hành vi sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc, đúng quy định.

Thầy giáo Đỗ Lê Sơn (Trường THPT Chu Văn An, quận Tây Hồ): Đề thi toán có tính phân loại tốt với khoảng 10% số câu hỏi ở mức độ vận dụng cao, bảo đảm yêu cầu tuyển sinh; nội dung kiến thức nằm trong chương trình THCS, chủ yếu ở lớp 9 và bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình giáo dục THCS. Cách ra đề tránh được việc học vẹt, học tủ, kiểm tra được khả năng vận dụng.

Cô giáo Nguyễn Thu Huyền (Trường THPT Kim Liên, quận Đống Đa): Đề thi môn ngữ văn tiếp tục đổi mới theo hướng mở và gần thực tế, thể hiện rõ nhất ở câu nghị luận xã hội với yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về vai trò của gia đình trong cuộc sống. Dạng đề này không chỉ kiểm tra được kiến thức, mà còn xác định mức độ vận dụng, liên hệ thực tế.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội: Nghiêm túc, công bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.