Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan trọng là “đầu ra”

Bài, ảnh: Thanh Tàu| 07/09/2018 06:56

(HNM) - Đến thời điểm này, sau khi xét tuyển đợt 1, nhiều trường đại học, cao đẳng đã phải công bố hàng nghìn chỉ tiêu xét tuyển bổ sung đợt 2. Đặc biệt, các trường đào tạo nhóm ngành Sư phạm tuyển sinh rất khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia giáo dục cho rằng vấn đề quan trọng là phải bảo đảm việc làm -


"Mòn mỏi" chờ thí sinh

Hiện nay, nhiều trường đại học, cao đẳng ở các tỉnh, thành phố phía Nam vẫn còn tuyển thiếu hàng nghìn chỉ tiêu như: Trường Đại học Trà Vinh thiếu hơn 3.700, Trường Đại học Cửu Long thiếu 1.000, Trường Đại học Bình Dương thiếu hơn 1.700, Trường Đại học Tây Đô thiếu hơn 1.600, Trường Đại học Lạc Hồng thiếu 1.000, Trường Đại học Miền Đông thiếu 1.200...

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển năm 2018.


Theo công bố trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, rất nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành Sư phạm còn tuyển thiếu chỉ tiêu và công bố xét tuyển bổ sung. Đặc biệt, nhiều ngành không có thí sinh đăng ký. Đơn cử, ở Trường Đại học Đồng Nai, nhiều ngành Sư phạm hệ đại học và cao đẳng không có thí sinh nào trúng tuyển đợt 1. Thậm chí, ngành Sư phạm lịch sử và sinh học chỉ có 20 chỉ tiêu nhưng cũng không có thí sinh nào trúng tuyển. Các ngành hệ cao đẳng như Sư phạm mỹ thuật, âm nhạc, tin học cũng không có thí sinh nào đăng ký trúng tuyển.

Tương tự, Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận năm nay chỉ tuyển sinh 3 ngành nhưng ngành Sư phạm tin học không có thí sinh trúng tuyển. Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk tuyển sinh 7 ngành, kết quả mỗi ngành chỉ có vài thí sinh trúng tuyển như: Sư phạm toán học có 3 thí sinh, Sư phạm tiếng Anh 3 thí sinh, Sư phạm ngữ văn 3 thí sinh, Sư phạm địa lý 2 thí sinh, Sư phạm sinh học chỉ có 1 thí sinh.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, nguyên nhân khiến các trường sư phạm phải “vét” thí sinh ở đợt bổ sung chính là điểm sàn được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra - mức 17 điểm cho hệ đại học và 15 điểm cho hệ cao đẳng. Đề thi khó cùng với việc điểm sàn như trên cho thấy điểm chuẩn năm nay của ngành Sư phạm cả nước khá cao, không còn cảnh 10 điểm/3 môn. Chính mức điểm này khiến nhiều trường sư phạm đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh (Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh), vấn đề khó khăn trong tuyển sinh các ngành Sư phạm cũng chỉ xảy ra ở các trường địa phương là chủ yếu. Các trường sư phạm ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn tuyển sinh rất tốt. Nhu cầu tuyển dụng cao không chỉ ở các trường công lập mà còn cả ở các trường tư thục.

Cần giải pháp căn cơ

Nói về công tác tuyển sinh ngành Sư phạm, ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên chuyên viên tuyển sinh Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP Hồ Chí Minh cho rằng: Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra ngưỡng điểm sàn cho hệ đại học và cao đẳng nhưng lại không đưa ra nhu cầu từng tỉnh hằng năm, nên các trường sư phạm không tuyển sinh được là đương nhiên. Có hai lý do dẫn đến việc tuyển sinh khó khăn: Thứ nhất, suốt quá trình từ năm 2017 về trước, chỉ tiêu của các trường sư phạm rất nhiều, các trường chỉ căn cứ vào chỉ tiêu được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nên dẫn đến tuyển sinh tràn lan. Thứ hai, các em học sinh vào các trường sư phạm vì các trường này đều được miễn học phí, dẫn đến tình trạng các trường đào tạo không theo nhu cầu, thừa hàng chục nghìn giáo viên. Giải pháp để nâng cao chất lượng tuyển sinh thời gian tới là phải bảo đảm được "đầu ra" - việc làm cho sinh viên theo ngành sư phạm.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Sài Gòn) cho biết, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ quyền công bố điểm sàn, cảnh báo dư thừa, các trường phải cắt giảm chỉ tiêu rất mạnh là mong muốn tuyển chọn những người giỏi cho ngành. Song vấn đề gốc rễ và căn cơ vẫn là việc làm và thu nhập của sinh viên sau khi ra trường. Do đó, cần phải có một giải pháp đồng bộ, trong đó ngoài vấn đề việc làm thì tiền lương cho ngành Sư phạm phải được cải thiện đáng kể.

Đại diện lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho hay, việc đào tạo đội ngũ giáo viên không gắn với nhu cầu tuyển dụng về số lượng, cơ cấu cấp học, môn học cho giáo dục ở nhiều vùng miền khác nhau cũng dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên ngay trong từng cơ sở giáo dục và ở hầu hết các địa phương. Bất cập trên có nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta chưa có dự báo, chưa quy hoạch nhân lực giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên để làm cơ sở cho việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm.

Để nâng cao chất lượng tuyển sinh, thu hút người giỏi vào các trường sư phạm, theo nhiều chuyên gia giáo dục, cần có chiến lược lâu dài trong việc quy hoạch hệ thống trường sư phạm để có thể tập trung nguồn lực về các trường lớn tại các thành phố lớn, qua đó cũng sẽ tạo được đội ngũ giáo viên có chất lượng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan trọng là “đầu ra”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.