Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhạc kịch "Dòng sông không chảy ngược": Thiết thực, gần cuộc sống

Thụy Du| 08/09/2014 05:59

(HNM) - Ít ngày trước, nhóm bạn trẻ 9X của dự án


Bắt đầu từ ý tưởng của sinh viên các trường ĐH trên địa bàn Hà Nội, những người muốn thực hiện một dự án nghệ thuật trình diễn vì cộng đồng nhằm góp phần nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên nước tại các làng nghề nằm trong lưu vực sông Đáy và sông Nhuệ vốn đang bị ô nhiễm nặng nề. Với sự bảo trợ của Tổng cục Môi trường, suốt ba tháng hè họ đã miệt mài đi thực tế, sáng tác và tập vở nhạc kịch "Dòng sông không chảy ngược". 


Không chọn những sân khấu ở khu vực trung tâm thành phố, không chọn sân trường ĐH, CĐ như thường thấy, nhóm thực hiện dự án quyết định "về làng". Bởi lẽ, như quan niệm của họ, "chúng tôi muốn đến với người dân, cùng họ kể về sự biến đổi khủng khiếp của con sông quê hương để nói lên tâm tư, sự lo lắng và những việc muốn làm để cứu con sông đó". Khuất Thị Ly Na, trưởng ban nội dung và là đạo diễn vở nhạc kịch chia sẻ một cách ngắn gọn: "Chúng tôi muốn có tác động gần!".

Hai ngôi làng Khúc Thủy và Khê Tang bỗng bận rộn hẳn lên kể từ ngày các thành viên "Đi và mở" về với họ. Họ kể về dòng sông Nhuệ ngày xưa khác nay như thế nào, bày tỏ nỗi âu lo về sự ô nhiễm ngày càng gia tăng do tác động xả thải từ hoạt động làng nghề, đề xuất việc làm nhằm cải thiện tình hình... từ những chuyến đi thực tế, các bạn trẻ viết kịch bản rồi đưa lại cho người dân xem, nhờ họ góp ý thêm, lại chọn người sở tại để nhờ họ diễn một số phân đoạn… Cứ thế, sự cộng hưởng khiến khoảng cách gần 30 cây số từ nội thành về Cự Khê như gần lại, chắp cánh cho những chuyến đi - về và thành quả cuối cùng là vở nhạc kịch ăm ắp thực tế, gần cuộc sống vô cùng mà không kém phần bay bổng.

Đêm diễn đầu tiên, người ta kê 600 ghế ở sân đình mà không đủ chỗ ngồi cho người xem. Vở nhạc kịch kéo dài gần hai giờ, nêu chuyện của ông Thạch - người đã đau xót chứng kiến cảnh con sông quê hương với dòng nước mát xanh thuở ấu thơ nay đen ngòm. Ông nỗ lực tìm cách cứu con sông ấy nhưng vấp phải sự hiểu lầm và thái độ không ủng hộ của vợ con, dân làng. Làm sao để thuyết phục, làm thay đổi nhận thức của người dân, để họ hiểu rằng cứu dòng sông cũng chính là cứu cuộc đời mình và gia đình?

Kịch của người trẻ nhưng có những nút thắt, mở bất ngờ, những câu thoại rất sâu sắc, đậm chất dí dỏm. Cái hay là kịch không "căn vặn quá khứ" mà hướng tới tương lai, đề cao trách nhiệm công dân ở mỗi người. Đó là sự gợi mở, để người xem thấy mình cần phải hành động, cần phải lên tiếng… Ở phần nhạc, ngoài những ca khúc rất hay được lựa chọn phù hợp với chủ đề, như "Trở về dòng sông tuổi thơ" (Hoàng Hiệp), "Giai điệu Tổ quốc" (Trần Tiến), "Mẹ" (Phan Long)… thì còn có những bài do các thành viên đặt lời dựa trên giai điệu của những ca khúc quen thuộc. Dàn diễn viên thế hệ 9X bộc lộ năng khiếu diễn xuất, ở độ tuổi đôi mươi nhưng vào vai trung niên, người già khá "ngọt", một phần là nhờ đa số trưởng thành từ phong trào ca nhạc, diễn kịch ở trường, địa phương. Bùi Kiều Anh (vai Quỳnh) là tân thủ khoa tiếng Pháp Trường ĐH Hà Nội, Kim Ngân (vai bà Minh) là giáo viên tiếng Anh, Hằng Hà (vai Giang) là sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông, Cấn Việt Hòa (vai Long) đã góp mặt trong nhiều dự án nghệ thuật cộng đồng. Vai chính - ông Thạch - đòi hỏi khả năng diễn xuất cao, nhưng Vũ Đức Mạnh, sinh viên thanh nhạc của Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội đã đảm nhận tốt.

Điều đặc biệt trong đêm diễn là người dân được lên sân khấu tham gia phần "Diễn kịch giải pháp" cùng các diễn viên. Họ diễn những cảnh nho nhỏ, đưa ra ý kiến về giải pháp bảo vệ con sông quê hương. Đó chính là yếu tố "mở" nằm trong ý tưởng của những người trẻ khi thực hiện dự án này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhạc kịch "Dòng sông không chảy ngược": Thiết thực, gần cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.