Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội linh thiêng, hào hoa

TS Nguyễn Viết Chức| 08/10/2014 06:15

(HNM) -



Có điều đặc biệt là không chỉ người Việt Nam, không chỉ những vị khách nước ngoài bình thường, mà ngay các nguyên thủ quốc gia nhiều nước trên thế giới cũng có tình cảm rất đặc biệt với Hà Nội. Với nhiệm vụ của mình, tôi có vinh dự được đón họ tại những địa điểm tinh hoa của Hà Nội và trực tiếp chứng kiến tình cảm đặc biệt của họ với Thủ đô.

Ảnh: Anh Tuấn


Đó là Tổng thống Liên bang Nga V.Putin (chuyến thăm Việt Nam tháng 3-2001), ông chủ Điện Kremlin - một cung điện nguy nga, tráng lệ bậc nhất thế giới. Vậy mà, ông đã dừng lại ngắm Khuê Văn Các trong Văn Miếu với vẻ thán phục có pha chút hiếu kỳ. Ông chăm chú lắng nghe đồng chí hướng dẫn viên nói về kiến trúc và ý nghĩa biểu trưng của công trình kiến trúc độc đáo này. Đặc biệt, khi ông đứng bên gác trống với chiếc trống có đường kính tới 2010cm, ông rất ngạc nhiên về độ lớn của trống khi được giới thiệu mặt trống bưng bằng da trâu. Ông hỏi tôi: Có được đánh trống không? Tôi nói với ông: Có! Nếu ngài muốn. Tiếng trống ngài đánh trời sẽ nghe được! Tôi nhấn mạnh. Ông càng hiếu kỳ hơn: Tại sao lại có thể nghe được? Tôi nói: Vì nó là trống Sấm. Ông cầm dùi trống rất cung kính và hào hứng đánh ba tiếng. Ông nghiêm cẩn nghe âm vang và chờ khi độ ngân của trống tắt ông mới trao lại dùi trống. Ông nhìn tôi vẻ cảm kích, thán phục. Tôi nói: Ông trời đã chứng kiến sự có mặt của ngài và tình cảm của nhân dân hai nước chúng ta. Ông nhìn tôi cười thiện cảm và gần gũi. Đất thiêng đã đồng cảm con người dù xa hàng vạn dặm.

Với Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi (chuyến thăm Việt Nam năm 2002) - người có bộ tóc và dáng vẻ rất nghệ sĩ, câu chuyện lại thú vị ở khía cạnh khác. Ông ngắm từng tấm bia tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ông không chỉ ngắm mà còn sờ kỹ những vết bị đục bỏ trên bia vẻ như thắc mắc sao lại làm hỏng một di sản quý giá như vậy?! Hướng dẫn viên giải thích những vết đục bỏ ấy là những người tuy đã được khắc tên vào bia, nhưng sau này vì những lý do nào đó mà nhà nước phong kiến cho rằng không xứng đáng được vinh danh tại đây nên đã đục bỏ. Ông gật gật đầu tỏ ra đã hiểu. Không chỉ đối với các tấm bia, mà đối với các ban thờ sơn son, thiếp vàng trong nơi thờ tự ông cũng ngắm nghía rất tỉ mỉ như một nhà nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc. Khi thắp hương Khổng Tử, ông nói: Lúc nhỏ tôi đọc Khổng Tử, bây giờ tôi vẫn đọc. Được trực tiếp nghe những lời chia sẻ của một vị Thủ tướng giữa trung tâm Hà Nội linh thiêng, hào hoa, tôi như được tắm một gáo nước thánh mát lành cho tâm trí sáng láng. Điều đặc biệt thú vị ở vị Thủ tướng đất nước Mặt trời mọc này là niềm đam mê nghệ thuật. Ông rất thích khi nghe các nhạc công trình bày các bản nhạc của Nhật Bản bằng nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Ông thích nhất là cây đàn K’rongput. Ông lên sân khấu và rất tự nhiên thử bằng hai lòng bàn tay của mình trước miệng các ống tre tạo nên tiếng đàn. Ông thấy nó kêu, và rất thích thú khi được nữ nhạc công Việt Nam hướng dẫn. Ông say sưa tập và thích thú với âm thanh phát ra từ nhạc cụ dân gian được làm bằng tre nứa này. Ông chơi say sưa đến mức cán bộ ngoại giao lo lắng chậm giờ chương trình sau. Nhưng không, ông đã dừng lại, mặc dù dường như còn đang muốn tiếp tục thử loại nhạc cụ độc đáo này. Ấn tượng Thủ tướng - Nghệ sĩ còn mãi trong tôi.

Tôi cứ nghĩ, đất địa linh, nhân kiệt Thăng Long - Hà Nội làm cho con người ta, dù ở nơi đâu, dù ở cương vị nào cũng cảm thấy thân thiện, gần gũi. Tại đền Ngọc Sơn giữa hồ Hoàn Kiếm, tôi nhớ mãi kỷ niệm về Thủ tướng Cộng hòa Czech Milos Zeman (chuyến thăm Việt Nam năm 2000). Ông là người to, cao. Ông nghe giới thiệu về các vị thánh được thờ trong đền với vẻ khâm phục. Nhất là đối với Đức Thánh Trần, người đã ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông. Khi ông cùng tôi bước ra Trấn Ba để ngắm nhìn Tháp Rùa và quang cảnh xung quanh hồ Hoàn Kiếm, ông bỗng hỏi tôi: Tại sao đứng giữa trung tâm thành phố xe chạy nhiều mà vẫn tĩnh lặng? Chính câu hỏi của ông tạo nên sự chú ý của tôi. Tôi đã đứng tại đây không biết đã tới một trăm lẻ một lần hay chưa, nhưng quả thật tôi chưa chú ý tới điều này. Tĩnh lặng kỳ lạ. Có thể do xung quanh hồ có nhiều cây xanh, lại thêm một khoảng cách mặt hồ mà làm nên sự tĩnh lặng này chăng? Sự phát hiện rất lạ mà có thực trong cảm giác con người của vị khách quốc tế làm chính tôi cũng có cảm giác như nghe được tiếng thầm thì từ quá khứ mà cản trở những ồn ào của hiện tại. Tôi nói với ngài Thủ tướng: Ngài có thể cúi thấp nữa được không? Ông cúi thấp xuống và cũng chăm chú cùng tôi như lắng nghe một cái gì đó từ nơi sâu thẳm, như muốn chắt lọc trong không gian âm thanh kỳ thú của tâm điểm giữa trái tim Hà Nội. Tôi hỏi: Ngài có nghe thấy gì không? Ông cười rất hồn hậu như một người Á Đông và tỏ ra hiểu ý tôi. Âm thanh ồn ào nơi trần thế khó có thể lấn át nhịp đập trái tim Thăng Long - Hà Nội linh thiêng, hào hoa.

Hà Nội, tháng 10-2014

Ông Nguyễn Minh Hùng (Phó ban Tuyên giáo Quận ủy quận Đống Đa):
Thủ đô ta ngày càng "sáng, xanh, sạch đẹp"

Mùa thu tháng Mười này, Thủ đô tròn 60 năm kể từ ngày giải phóng. Người dân Hà Nội, du khách trong nước và quốc tế chắc hẳn sẽ có những cảm xúc đặc biệt về Hà Nội, cảm nhận về diện mạo thành phố ngày một khang trang, giao thông đô thị ngày một cải thiện, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội cũng được biểu hiện rõ nét từ trong mỗi gia đình, cộng đồng, cơ quan, đơn vị…

Việc lựa chọn chủ đề "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014" cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của lãnh đạo thành phố, sự vào cuộc đầy tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân… đã làm chuyển biến tích cực về trật tự giao thông đô thị, vệ sinh môi trường. Không chỉ vậy, văn minh đô thị còn được thể hiện trong ứng xử văn hóa của mỗi cơ quan, công sở, trường học và người dân nơi cư trú. Mặc dù đó đây vẫn còn những điều chưa "vừa cái bụng, chưa ưng cái mắt" nhưng rõ ràng Hà Nội của chúng ta đã ngày càng "sáng, xanh, sạch đẹp" lên từ mỗi góc phố, mỗi hàng cây, mỗi con đường, mỗi cây cầu… sẵn sàng chào đón du khách bốn phương đến với các hoạt động nhân dịp kỷ niệm ngày trọng đại này.

Bà Cao Ngọc Dung (Trung tâm Dạy nghề quận Hai Bà Trưng):
Trật tự giao thông cần phải được cải thiện hơn nữa

Với những giải pháp quyết liệt và đồng bộ như: Tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là sáng kiến lắp đặt loa truyền thanh tuyên truyền tại khu vực cầu vượt, các điểm nút giao thông, nâng cấp đường sá, cầu vượt, điểm đỗ phương tiện, điều chỉnh quy hoạch nút giao thông, hệ thống đèn tín hiệu điều khiển, camera, tăng cường lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT, tự quản… trật tự giao thông đô thị năm 2014 đã có chuyển biến tích cực, ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố đã cải thiện, được dư luận nhân dân ghi nhận. Tuy nhiên do nhu cầu cư trú, đi lại và dân số của Thủ đô ngày một tăng, nhất là sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. Điều này càng gây áp lực cho giao thông đô thị.

Để Thủ đô ngày một sạch đẹp, văn minh, lãnh đạo thành phố cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác tuyên truyền về trật tự giao thông, tăng cường đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, có giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân bằng các phương tiện giao thông công cộng; thực hiện các giải pháp giãn dân, hạn chế tập trung xây dựng nhà, công trình dịch vụ công cộng cao tầng ở khu vực trung tâm và tại các nút giao thông lớn…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội linh thiêng, hào hoa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.