Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để lòng yêu nước thương nòi không bị phai nhạt

Bùi Thanh Sơn| 31/08/2016 09:29

Yêu nước thương nòi là truyền thống quý giá, là nhân tố vô cùng quan trọng làm nhân lên ý chí, nghị lực, cũng như sự đồng thuận, tạo ra sức mạnh để ta xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay do nhiều yếu tố tác động, lòng yêu nước và tình thương yêu giống nòi trong một bộ phận cán bộ và nhân dân đang bị phai nhạt, tác động không nhỏ đến sức mạnh đất nước. Vì vậy ta cần tìm ra giải pháp, để giữ vững và nâng cao lòng yêu nước thương nòi cho toàn dân, nhất là đội ngũ cán bộ và thế hệ trẻ, góp phần thực hiện thành công Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Trải qua nhiều nghìn năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nhân dân ta đã xây dựng nên nhiều truyền thống tốt đẹp; trong đó có lòng yêu nước thương nòi, nâng cao tinh thần dân tộc, tạo ra sức mạnh để ta xây dựng và bảo vệ vững bền đất nước. Truyền thống quý giá đó được nhiều thời đại, nhất là Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển lên tầm cao mới. Thể hiện trong Văn kiện qua các kỳ Đại hội của Đảng. “Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc”1. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng làm thắm đậm thêm lòng yêu nước thương nòi, tạo ra sức mạnh để nhân dân ta đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; xây dựng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, tiến hành thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến cách mạng Việt Nam. Thành tựu to lớn đạt được trong nhiều thập kỷ qua của nhân dân ta, được nhiều nhà khoa học, chính trị và quân sự, cũng như nhân dân nhiều nước trên thế giới nghiên cứu, trong đó có cả Tổng thống Mỹ. Qua nghiên cứu họ càng trân trọng và ngưỡng mộ những gía trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nhiều người còn đánh giá và đưa ra kết luận mang tính triết lý sâu sắc: do biết phát huy và phát triển sáng tạo những giá trị văn hóa truyền thống, dân tộc Việt Nam đã tạo ra sức mạnh để vượt qua khó khăn và thách thức, đánh thắng nhiều kẻ thù lớn được coi là mạnh nhất thế giới, xây dựng và bảo vệ vững bền đất nước.

Ngày nay ta đang mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế, nhiều tổ chức và cán bộ đã chung lòng, gắng sức cùng nhân dân tìm ra nhiều giải pháp để công nghiệp hóa và hiện đại hóa; làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Nhiều công ty và doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư và đổi mới công nghệ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, làm giàu cho người dân và đất nước. Các tổ chức chính trị và xã hội đã nỗ lực vận động nhân dân, đóng góp tiền của và công sức, tổ chức có hiệu quả nhiều phong trào làm tăng thêm lòng yêu nước thương nòi như: “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, “Tình nguyện”, “Hiến máu cứu người”. Nhiều tổ chức và cá nhân mặc dù kinh tế còn hạn hep, vẫn tình nguyện làm viêc thiện, giúp đỡ người ngèo, người có hoàn cảnh khó khăn, khi gặp hoạn nạn… Những việc làm tốt đẹp đó đã tô thắm thêm lòng yêu nước, thương nòi của nhân dân ta. Tuy vậy vẫn còn một bộ phận cán bộ ngại học tập, thiếu tu dưỡng, chưa cảm thông với khó khăn của người dân dẫn đến thoái hóa biến chất, làm việc quan liêu, sách nhiễu, tham ô, lãng phí, làm giảm uy tín của Đảng, mát lòng tin của dân, thất thoát ngân sách Nhà nước. Một số cán bộ và doanh nghiệp còn nặng về lợi ích cá nhân và bộ phận, tiếp tay cho công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước; phá rừng, xả thải chưa qua sử lý, hủy hoại nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường, tuyên truyền xuyên tạc lịch sử Việt Nam… ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân, gây bất bình trong xã hội. Một bộ phận nhân dân sử dụng chất cấm trong nuôi trồng, bảo quản, chế biến lương thực và thực phẩm; đầu độc giống nòi, gây tổn hại sức khỏe con người và nền kinh tế đất nước, giảm uy tín hàng hóa nước ta trên trường quốc tế. Vấn đề quan trọng hiện nay là, thế hệ trẻ ngại và không muốn học lịch sử. Điều đó minh chứng rõ, lòng yêu nước thương nòi trong một bộ phận cán bộ và nhân dân đang bị phai nhạt. Đây là vấn đề cấp bách, ta cần tìm ra giải pháp để nhanh chóng khắc phục.

Trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền và giáo dục, để mỗi người dân nhận rõ vai trò và trách nhiệm của mình trước cộng đồng và đất nước. Bên cạnh đó cần có chế tài khen thưởng những việc làm tốt, đấu tranh mạnh mẽ, sử lý nghiêm khắc và triệt để những hành động gây tổn hại đến người dân và đất nước, công khai trước cộng đồng và trên các phương tiện thông tin. Xác định rõ lịch sử là môn học bắt buộc trong hệ thống nhà trường, kể cả trường đào tạo cán bộ và trong thi tuyển công chức… Tùy theo đối tượng để xác định rõ thời lượng và nội dung học cho phù hợp. Phương pháp, vận dụng sáng tạo theo từng cấp, giáo viên giới thiệu tư liệu và tài liệu để người học nghiên cứu, giành nhiều thời gian thảo luận nhóm. Câu hỏi và chủ đề đưa ra thảo luận, kiểm tra và thi cử theo hướng: “ôn cố tri tân”, để người học vận dụng sáng tạo kiến thức lịch sử vào giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Ví như: Từ bài học đào tạo và trọng dụng hiền tài, hoặc chống oan sai trong lịch sử. Bạn có kiến nghị, đề xuất gì về đào tạo và sử dụng nhân tài, hoặc chống oan sai hiện nay?… Cách học này sẽ nâng cao nhân thức, phát huy tư duy sáng tạo, đóng góp nhiều sáng kiến hay để xây dựng quê hương và đất nước, tô thắm thêm lòng yêu nước thương nòi cho toàn dân nhất là đội ngũ cán bộ, tạo sức mạnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để lòng yêu nước thương nòi không bị phai nhạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.