Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hồn dân tộc vang lên trong ngày Quốc Khánh

Hoàng Lân| 03/09/2016 09:55

(HNMO) – Kỷ niệm 71 năm ngày Quốc khánh 2/9, rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đã diễn ra tại Hà Nội gây xúc động cho hàng triệu trái tim Việt Nam.


* Buổi hòa nhạc “Điều còn mãi” diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội vào đúng 14h ngày 2/9 với phần mở đầu là hòa nhạc ca khúc “Tiến quân ca” (Quốc ca Việt Nam) của nhạc sĩ Văn Cao đã trở thành sự kiện văn hóa, điểm đến không thể thiếu của người dân Thủ đô vào buổi chiều ngày Tết Độc lập.

Buổi hòa nhạc "Điều còn mãi" vào 14h ngày Quốc khánh 2/9 trở thành địa chỉ văn hóa quen thuộc vào ngày Tết Độc lập


Năm nay, dù thiếu vắng những tên tuổi của làng nhạc nhẹ như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh nhưng sự góp mặt của ca sĩ Tùng Dương, Đăng Dương và những giọng ca lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình như NSƯT Hồng Vy, ca sĩ Lê Anh Dũng, Thành Lê lại mang đến một màu sắc mới cho chương trình.
Hàng loạt tác phẩm bất hủ cả về khí nhạc, thanh nhạc vang lên trong “thánh đường nghệ thuật” vào đúng thời khắc linh thiêng của lịch sử dân tộc Việt Nam khiến không ít người bồi hồi xúc động.

Ca sĩ Tùng Dương tham gia biểu diễn "Người là niềm tin tất thắng"

Ca sĩ Đăng Dương biểu diễn "Dáng đứng Việt Nam"

Hai ca sĩ Lê Anh Dũng và Thành Lê


Khán phòng Nhà hát lớn vì thế luôn rộn ràng, đông kín người đến vào buổi chiều ngày Quốc khánh. Giới nghệ thuật, những nghệ sĩ lão thành, những nhân vật lịch sử… đã cùng có mặt tại địa điểm nghệ thuật sang trọng bậc nhất Hà Nội để không chỉ cùng nhau thưởng thức những tác phẩm âm nhạc đỉnh cao dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi, dàn nhạc giao hưởng Việt Nam… mà còn để nhớ lại, để hồi tưởng những ký ức lịch sử hào hùng của dân tộc.

* MV “Việt Nam quê hương tôi” đẹp mê hồn ra mắt vào đúng dịp Quốc Khánh

MV “Việt Nam quê hương tôi” do ca sĩ Minh Quân khởi xướng và làm đạo diễn âm nhạc đã thu hút hàng trăm nghệ sĩ tham gia hưởng ứng. MV đã được thực hiện kỳ công từ nhiều tháng nay và bản hoàn chỉnh cũng đã cho ra mắt vào đúng dịp Quốc khánh 2/9 đã gây “sốt” trên cộng đồng mạng với những cảnh quay mê hồn về đất nước, con người Việt Nam, về những cánh đồng dài bất tận, những bờ biển trong xanh hút tầm mắt, những thác nước hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, và về những thảm cỏ hoa bình yên và dịu dàng…

MV có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ trong áo in hình cờ đỏ sao vàng gây xúc động mạnh mẽ đến người xem


MV có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Thanh Hoa, diva Mỹ Linh, ca sĩ Trọng Tấn, Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, nghệ sĩ Xuân Bắc, Tự Long, MC Phan Anh, Diễm Quỳnh, Anh Tuấn... Ngoài ra, MV còn có sự góp mặt của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân từ các cựu chiến binh, hội người cao tuổi, các bạn thanh thiếu niên, thiếu nhi đến vận động viên. Các nghệ sĩ chuyên và không chuyên xuất hiện trong MV trong trang phục in lá cờ đỏ sao vàng đã khiến cho nhiều người khi xem không khỏi xúc động và tự hào.






Được biết, MV sẽ được Bộ ngoại giao sử dụng để đưa lên các website của các Đại sứ quán VN trên thế giới để giới thiệu về đất nước.

* Hồn dân tộc trong những giai điệu dân gian

Dịp chào mừng 71 năm Quốc Khánh, TP Hà Nội chính thức khai trương phố đi bộ mở rộng xung quanh Hồ Hoàn Kiếm (từ mùng 1 đến 4/9 sau đó sẽ diễn ra thường xuyên vào cuối tuần). Hoạt động này ngay sau đó nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người dân của Thủ đô cũng như của du khách trong và ngoài nước. Đây là hành động thiết thực để trung tâm Hà Nội trở thành điểm thu hút, địa chỉ văn hóa, du lịch hấp dẫn của người dân và du khách.

Chiếu xẩm ở tượng đài vua Lê trong tối từ ngày 1 - 4/9 hấp dẫn du khách khi tham gia phố đi bộ mở rộng của Hà Nội


Từ ngày 1/9 đặc biệt là trong ngày 2/9, hàng nghìn người đã đổ về Bờ Hồ, cùng nhau dạo bước trên phố đi bộ để thưởng thức những hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí diễn ra xung quanh Hồ Gươm. Điều đặc biệt, bên cạnh những tụ điểm dành cho nghệ thuật đương đại, Hà Nội cũng đã dành nhiều địa điểm để biểu diễn nghệ thuật dân gian, giới thiệu rộng rãi đến không chỉ người dân Hà Nội mà du khách thập phương những “đặc sản” văn hóa phi vật thể. Khu vực tượng đài vua Lê là sân khấu của các loại hình xẩm, chầu văn, quan họ. Tại Nhà Bát Giác (đằng sau vườn hoa Lý Thái Tổ) là sân khấu biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Khu vực đối diện đền Bà Kiệu, các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Hà Nội sẽ trình diễn chương trình nghệ thuật mang đậm màu sắc truyền thống với các loại hình nghệ thuật như: Xẩm, ca trù, chầu văn, chèo cổ… Những chương trình nghệ thuật dân tộc diễn ra tại nhiều điểm nằm trên trục đường đi bộ trở thành những điểm đến hấp dẫn của rất nhiều khách bộ hành.

Nhạc sĩ Quang Long (nhóm xẩm Hà Thành) cho biết, đã từng biểu diễn ở nhiều địa chỉ văn hóa và có những buổi diễn thu hút nhiều khách thưởng thức nhưng việc nhóm xẩm biểu diễn ở không gian phố đi bộ, tại địa điểm linh liêng của Hà Nội là tượng đài Vua Lê khiến các nghệ sĩ rất tự hào và xúc động. Nhạc sĩ Quang Long cũng chia sẻ, trong những buổi diễn đầu tiên từ ngày 1/9, đặc biệt trong đêm ngày Quốc khánh 2/9, chiếu “xẩm” thu hút hàng nghìn người đi bộ đến thưởng thức và tán dương. “Chúng tôi rất cảm kích và vui khi giờ đây, cứ vào tối cuối tuần lại được biểu diễn tại địa chỉ văn hóa này để phục vụ công chúng. Đây là một chủ trương rất đúng đắn của Hà Nội khi tạo thêm những không gian văn hóa mới cho Thủ đô, để nghệ thuật dân gian đến gần hơn với công chúng”, nhạc sĩ Quang Long tâm sự.

Phố đi bộ mở rộng của Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày cuối tuần. Hà Nội sẽ có thêm những địa chỉ văn hóa mới để phục vụ công chúng, và chắc chắn với việc đưa nhiều địa chỉ văn hóa dân gian giới thiệu du khách, Hà Nội vẫn giữ cho mình những giá trị văn hóa rất riêng bên cạnh những nét đương đại đang ngày một phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồn dân tộc vang lên trong ngày Quốc Khánh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.