Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loại bỏ các biển hiệu, bảng quảng cáo không đúng quy định: Nhiều việc cần làm ngay!

Hà Hiền| 09/11/2016 06:10

(HNM) - Thời gian vừa qua, trên địa bàn thành phố đã xảy ra một số vụ hỏa hoạn và biển hiệu, bảng quảng cáo (QC) lắp đặt không đúng quy định vô tình trở thành

Loại bỏ các biển hiệu, bảng QC này là hết sức cần thiết. Nhiều việc cần làm ngay, trong đó có việc tập trung xây dựng và nhân rộng các tuyến phố mẫu với quy định đồng nhất, khoa học về biển hiệu, bảng QC. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu, vừa bảo đảm mỹ quan đô thị, vừa bảo đảm an toàn cho người dân.

Biển quảng cáo với đủ mọi kích thước trước mặt tiền các nhà trên đường Láng (quận Cầu Giấy).

Quy định chưa chặt chẽ, xử lý thiếu kiên quyết

Biển hiệu, bảng QC thường được lắp đặt kiên cố ở những vị trí dễ quan sát, nhiều người qua lại. Để tăng tính hấp dẫn, những tấm biển này thường có diện tích lớn, trang trí bắt mắt bằng hệ thống đèn điện tử và các vật liệu nhẹ, dễ gây cháy. Tại các thành phố lớn tập trung đông dân cư, các tuyến đường, phố nội đô nhỏ, nhà ống san sát, việc xuất hiện quá nhiều biển hiệu, bảng QC với đủ kích thước, chủng loại đã và đang làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về giao thông, cháy nổ. Vụ hỏa hoạn thương tâm xảy ra tại cơ sở kinh doanh karaoke 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy) là ví dụ điển hình.

Không phải khi xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, các cơ quan chức năng mới quan tâm đến việc chấn chỉnh biển hiệu, bảng QC. Trên thực tế, Luật QC có hiệu lực thi hành từ năm 2013 và các quy định khác liên quan đã quy định rõ ràng, chi tiết về biển hiệu, bảng QC. Thế nhưng, các quy định hiện hành còn thiếu chặt chẽ. Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết, theo Luật QC, biển hiệu ngang có chiều cao tối đa là 2m, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà; biển hiệu dọc có chiều ngang tối đa là 1m, chiều cao tối đa là 4m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.

Biển hiệu có diện tích bề mặt từ 20m2 trở lên bắt buộc phải được cơ quan chức năng cấp phép. Đáng nói hơn, Thông tư 19/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định vị trí lắp đặt biển hiệu, bảng QC tại mặt tiền công trình, nhà ở phải ốp sát vào ban công, trong khi đa số công trình, nhà ở tại Hà Nội và nhiều khu vực khác không có ban công hoặc mái hiên, nhưng lại có mặt tiền, có nhu cầu QC nên rất khó áp dụng. “Những kẽ hở trong các quy định hiện hành khiến một số tổ chức, cá nhân cố tình “lách luật” để lắp đặt biển hiệu, bảng QC lớn hơn kích thước cho phép hoặc không xin phép...” - ông Nguyễn Khắc Lợi cho biết thêm.

Theo phản ánh của các địa phương, sau hơn 3 năm thực hiện Luật QC, các cơ quan chức năng vẫn chưa có hướng dẫn xử lý đối với những bảng QC, biển hiệu có diện tích trên 20m2 tồn tại từ trước khi có luật. Trách nhiệm của các ngành trong công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp dựng bảng QC, biển hiệu lớn hơn 20m2 không có giấy phép xây dựng cũng chưa rõ ràng.

Ngoài những nguyên nhân khách quan, ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho rằng, bảng QC, biển hiệu sai quy định vẫn tồn tại còn do công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về QC chưa sâu rộng, hiệu quả; ý thức chấp hành của người dân, nhất là các hộ kinh doanh chưa cao…

Biển hiệu, bảng quảng cáo được lắp đặt đồng bộ, bảo đảm an toàn và mỹ quan đô thị trên tuyến phố mẫu Lê Trọng Tấn. Ảnh: Anh Tuấn

Nhân rộng các tuyến phố kiểu mẫu

Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, ngày 20-1-2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quy chế “Quản lý hoạt động QC ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội” thay thế Quy chế năm 2009. Nhiều nội dung của Quy chế mới được đánh giá là phù hợp với các quy định hiện hành và phù hợp với đặc thù của Thủ đô Hà Nội. Đó là biển hiệu có diện tích một mặt trên 20m2, kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải có giấy phép xây dựng. Bảng QC ngang lắp đặt tại mặt tiền các công trình, nhà ở riêng lẻ nếu công trình đó không có ban công, mái hiên thì có thể ốp vào mặt tường nhà, mặt ngoài bảng QC nhô ra khỏi mặt tường nhà không quá 0,2m, không che chắn thông gió, chiếu sáng.

“Nếu các cơ sở kinh doanh lắp đặt bảng QC, biển hiệu đúng theo quy định mới; nếu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm, tôi tin hệ thống biển hiệu, bảng QC sẽ không còn là mối nguy hiểm như hiện nay” - bà Nguyễn Thị Hiên, trú tại ngõ 73, phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa nhận định.

Song song với việc ban hành Quy chế mới, Hà Nội còn khuyến khích, tạo điều kiện cho các ngành, địa phương xây dựng các tuyến phố điểm về lắp đặt biển QC, chuẩn về văn minh đô thị. Quận Ba Đình đã xây dựng tuyến phố điểm về QC trên tuyến Văn Cao - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh; đang triển khai xây dựng tuyến phố văn minh đô thị trên tuyến Cầu Giấy - Kim Mã - Nguyễn Thái Học. Tương tự, quận Long Biên đã xây dựng và triển khai đề án quy hoạch, sắp xếp hệ thống biển QC, biển hiệu, biển chỉ dẫn giai đoạn 2014 - 2020.

Từ năm 2015 đến nay, các ngành chức năng quận Long Biên đã khảo sát, đánh giá, thiết kế, xây dựng phương án chỉnh trang hàng nghìn biển hiệu trên tuyến phố Ngọc Lâm, đường đê Ngọc Thụy, đường từ cầu Đông Trù đến cầu Đuống, đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Sơn, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Linh…; ra quân xử lý hàng trăm biển hiệu vi phạm. Đặc biệt, trên tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân), biển hiệu, bảng QC đều thống nhất về kích thước. Đến nay, các cơ sở kinh doanh trên tuyến đường này đều cảm thấy thoải mái, an toàn khi mặt tiền không bị bủa vây bởi hệ thống biển hiệu, bảng QC chằng chịt.

Đi trên các tuyến đường, phố điểm về QC, về văn minh đô thị kể trên, ai cũng có thể thấy sự ngăn nắp, trật tự, văn minh hơn hẳn các tuyến phố khác. Các tuyến đường, phố đó cũng ít xảy ra tai nạn, cháy nổ. Qua đó, có thể khẳng định, ý tưởng xây dựng tuyến phố chuẩn mang đặc trưng của Hà Nội được đề cập đến trong dự thảo Quy hoạch QC ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội, nếu sớm trở thành hiện thực sẽ khắc phục được những bất cập, hạn chế trong hoạt động QC ngoài trời hiện nay.

“Thời gian đầu triển khai khó tránh khỏi các ý kiến trái chiều. Song, vì lợi ích thiết thân của chính các cơ sở kinh doanh, vì mục tiêu xây dựng Hà Nội xanh - sạch - đẹp, các cơ quan chức năng từ thành phố tới cơ sở cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và ra quân xử lý vi phạm triệt để hơn. Quận Long Biên có được sự quyết tâm này và bước đầu thành công” - ông Nguyễn Trọng Duy, Trưởng phòng VH-TT quận Long Biên cho biết.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Loại bỏ các biển hiệu, bảng quảng cáo không đúng quy định: Nhiều việc cần làm ngay!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.