Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người mang sắc xuân về làng

Hoàng Xuân Hiến| 30/01/2017 07:25

(HNM) - Ngay dưới chân núi Thầy huyền thoại (xã Sài Sơn - huyện Quốc Oai) là bảo tàng nghệ thuật tư nhân của nữ họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ, nơi lưu trữ nhiều tác phẩm và hiện vật độc đáo.


Ngoài việc sưu tầm tranh, họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ cũng vẽ rất nhiều.


Từ cháy hết mình vì... tranh

Sinh ra trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt” lại được kế thừa tài hoa của các bậc tiền bối như: Phan Huy Cận, Phan Huy Ích, Phan Huy Chú… bà Phan Thị Ngọc Mỹ đã sớm đam mê nghệ thuật. Ngay từ nhỏ, bà đã thể hiện niềm đam mê của mình qua những bức tranh khắc họa về đời sống thôn quê như: “Hoa lộc vừng”, “Chùa Thầy”, “Ao làng”, “Khóm chuối”, “Mùa hoa gạo”. Những hình ảnh đơn sơ, mộc mạc của quê hương được lắng đọng qua nét vẽ của nữ họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ lại trở nên tươi tắn, rực rỡ lạ thường.

Nữ họa sĩ chia sẻ: Những ngày đầu đến với nghệ thuật tôi đã gặp không ít khó khăn do thời đó chiến tranh ác liệt, nhưng vì đã trót yêu và luôn cháy lên niềm đam mê nghệ thuật, nên tôi luôn tự cố gắng không ngừng. Có lần tôi phải thuyết phục gia đình bán cả căn nhà đang ở để mua cho được những bức tranh quý. Sau nhiều năm tự sáng tác và sưu tầm cho đến nay nữ họa sĩ đã có hàng nghìn bức tranh và thư pháp của các tác giả nổi tiếng như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái... cùng nhiều bức tranh cổ quý giá khác.

Đến quyết tâm “cõng xuân về làng”

Nữ họa sĩ cho rằng, những bức tranh này nếu chỉ để cho mình và bạn bè văn nghệ sĩ đến thưởng thức thì có lẽ chưa đủ. Ước nguyện của bà là muốn đem vẻ đẹp của những bức tranh, nhất là những bức tranh vẽ về mùa xuân, về quê. Vậy nên, bà đã đem tranh và xây dựng ngôi nhà của mình thành bảo tàng tư nhân để trưng bày tranh, mang những nét đẹp nghệ thuật đến với người làng.

Đặc biệt, nữ họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ cho rằng, thư pháp là thú thưởng thức tao nhã vào dịp đầu xuân bởi “Vạn sự khởi đầu nan”. Thông qua những nét chữ phóng khoáng lồng vào nét mực biểu thị cho những ước vọng ngày xuân tốt đẹp, mơ ước cho một năm nhiều vui vẻ, hạnh phúc và làm ăn phát đạt. Vì vậy, phong tục xin chữ đầu năm hay chơi thư pháp từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Chính vì quan niệm như vậy nên trong ngôi nhà gỗ đơn sơ chuyên dùng để vẽ tranh của nữ họa sĩ có treo bức thư pháp lớn của nhà thư pháp Thanh Hoằng Khê - Lê Xuân Hòa, thể hiện sự kì công của người “cõng mùa xuân về làng”. Đối với nữ họa sĩ thì việc chơi thư pháp hay thưởng thức thư pháp đều là nghệ thuật. Vì thư pháp là dùng cái mỹ của chữ viết để biểu hiện cái chân, cái thiện của tâm hồn và tư tưởng. Thư pháp có nhiều loại như: Thảo thư, lệ thư, chân phương... và mỗi loại thư pháp lại có cái hay của nó, bởi thế mà người viết thư pháp luôn coi trọng tầm cao tư duy và cảm xúc trong nét chữ.

Một chi tiết thú vị về phòng tranh của nữ họa sĩ Ngọc Mỹ là có rất nhiều bức tranh về mùa xuân, lễ hội ở thôn quê và tất cả đều được thể hiện một cách tự do, nên vẫn luôn giữ được cái hồn, cái thật của đời thực. Thông qua tâm hồn yêu cuộc sống của tác giả nên mỗi bức tranh đều mang màu sắc sống động, tươi vui. Nữ họa sĩ quan niệm rằng, vào mùa xuân đất trời, cây cối, cảnh vật, con người đều có sự thay đổi sau một mùa đông giá buốt. Vạn vật bắt đầu sinh sôi nảy nở, con người lại bắt tay vào vụ mùa mới, những đôi trai gái hẹn hò nên duyên, những liền anh, liền chị lại xúng xính trong bộ quần áo mới đi trẩy hội... Những bức tranh muôn màu về quê hương không chỉ làm điểm nhấn cho bảo tàng mà nó còn giúp bà đưa cái đẹp của quê hương trong nghệ thuật đến gần hơn những con người chân phương.

Đến chiêm ngưỡng những bức thư pháp và số lượng tranh vẽ mùa Xuân trong bảo tàng tư nhân của họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ càng thấy ngưỡng kính tâm hồn yêu cái đẹp của người phụ nữ quyết tâm “cõng xuân về làng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người mang sắc xuân về làng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.