Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sân khấu hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu: Khó tránh nên cần minh bạch

Hoàng Lân| 14/04/2017 16:26

(HNMO) - Việc quản lý, phát huy di sản này thế nào cho đúng cách hiện vẫn còn là bài toán nan giải cho các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu văn hóa.

Việc sân khấu hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cần phải được phân định rạch ròi.


Ngay khi Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đang trong quá trình làm hồ sơ di sản thì tại nhiều địa phương đã bùng nổ rất nhiều hình thức tổ chức. Ngay tại Hà Nội diễn ra các liên hoan Chầu Văn như là một hình thức để người dân hiểu hơn về nét đẹp và giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu. Bên cạnh những hình thức giới thiệu, quảng bá di sản, đã xuất hiện rất nhiều biến tướng, biến thể diễn ra ở rất nhiều nơi như tại các lễ hội, trong hội chợ, trong các đình, chùa không thờ Mẫu.

Theo GS.TS Nguyễn Chí Bền, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Trưởng ban Xây dựng hồ sơ quốc gia Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt: Việc phát triển của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã vượt ra khỏi phạm vi kiểm soát của cơ quan quản lý văn hóa. Việc thiếu hiểu biết cũng như thiếu sự rõ ràng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu với những tín ngưỡng khác đã khiến cho vấn đề trục lợi ngày càng rõ nét hơn.

Hiện nay, một trong những vấn đề khiến các nhà quản lý băn khoăn là việc sân khấu hóa tín ngưỡng để thương mại. Đã có rất nhiều đơn vị nghệ thuật tổ chức dàn dựng Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trong các rạp hát để kinh doanh bán vé. Điển hình là chương trình Tứ Phủ của đạo diễn Việt Tú được quảng bá rầm rộ tổ chức tại Rạp Công Nhân - Hà Nội. Chương trình này cũng được “xuất ngoại” biểu diễn trong Hội chợ du lịch ở London. Nhiều đoàn nghệ thuật như Nhà hát Chèo Hà Nội cũng xây dựng các chương trình biểu diễn, trong đó tái hiện lại nghi thức hầu đồng cũng thu hút nhiều khán giả. Gần đây, việc nhiều nghệ sĩ còn dàn dựng sân khấu như một điện thờ để trình diễn một vài tiết mục lên đồng đang ngày càng trở nên phổ biến.

Xoay quanh vấn đề sân khấu hóa tín ngưỡng trong việc phát huy di sản, GS Nguyễn Chí Bền cho biết, khó có thể hạn chế hay cấm việc sân khấu hóa tín ngưỡng thờ Mẫu vì hiện nay chưa có văn bản hay quy định nào về việc này. Khi nghi thức lên đồng được văn nghệ hóa trong các chương trình biểu diễn, trên sân khấu thì nó là một dạng tiết mục chứ không phải là việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.

GS Nguyễn Chí Bền nhận định, các tiết mục lên đồng được sân khấu hóa có sức hấp dẫn riêng và xét ở góc độ truyền thông thì đó là những chương trình có sức hút đối với khách đến xem, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Nguồn thu từ những chương trình này khá hấp dẫn khiến cho rất nhiều đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ chuyển hướng sang hát văn, hầu đồng ngày càng nhiều.

Theo GS Nguyễn Chí Bền, các hình thức sân khấu hóa mô phỏng tín ngưỡng thờ Mẫu là hình thức xã hội hóa không nên cấm hay hạn chế nhưng cần phải có sự rõ ràng khi biểu diễn. Trong bối cảnh mọi giá trị nghệ thuật và niềm tin tín ngưỡng đang lẫn lộn thì cần phải phân định rạch ròi đâu là sân khấu mô phỏng tín ngưỡng và đâu là thực hành tín ngưỡng. Những đơn vị dàn dựng các tiết mục sân khấu về tín ngưỡng thờ Mẫu cần có hướng dẫn và chú thích cụ thể với người xem rằng, đây chỉ là hình thức mô phỏng di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.

GS Nguyễn Chí Bền nhấn mạnh, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu chỉ đúng khi nó được tiến hành tại những điện, đền, phù có bàn thờ Mẫu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sân khấu hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu: Khó tránh nên cần minh bạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.