Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Nỗ lực nâng tầm Xiếc Việt

Hoàng Lân| 09/07/2017 10:11

(HNMO) – Xiếc Việt Nam vẫn nỗ lực thay đổi nội dung, khai thác thế mạnh để nâng tầm năng lực biểu diễn ở sân khấu trong nước và tại các đấu trường quốc tế.


Những tiết mục Xiếc đậm văn hóa Việt Nam được nhiều khán giả thích thú.


Khó khăn chồng chất


Trao đổi với HNMO, ông Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ, nghệ thuật truyền thống nói chung và ngành Xiếc nói riêng luôn gặp nhiều khó khăn về nhân lực. Khó khăn ấy hiển thị rõ rệt ở khâu đào tạo, tuyển diễn viên và thực tế biểu diễn. Hiện nay, tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam, lực lượng lao động có khoảng 100 người nhưng lao động chính lại tập trung vào diễn viên trẻ. Một số nghệ sĩ dù vẫn trong biên chế của Liên đoàn nhưng lại không còn năng lực biểu diễn. Thực tế, với nghề đặc thù có tuổi nghề ngắn (nữ khoảng 35 – 40 tuổi, nam từ 45 – 50 tuổi), Liên đoàn Xiếc luôn trong tình trạng thiếu hụt nghệ sĩ biểu diễn.

“Cơ chế của cơ quan Nhà nước không có chế tài để níu giữ diễn viên nếu như họ tìm được một chỗ làm việc tốt hơn ở bên ngoài. Tình trạng “chảy máu lao động” là có thật, nhưng Liên đoàn lại không có cơ chế chuyển nhượng diễn viên, nếu họ bỏ nghề vì mưu sinh, chúng tôi vẫn phải chấp nhận”, ông Tạ Duy Ánh cho biết.

Ông Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam.


Theo Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, hiện nay có rất nhiều đơn vị nghệ thuật, giải trí ngoài công lập luôn có những chiêu thức chiêu mộ diễn viên của Liên đoàn Xiếc. Rất nhiều tiết mục tập thể bị thiếu hụt những trụ cột, gây áp lực rất lớn với những diễn viên còn lại. Có những chương trình kết hợp thực hiện với đơn vị bên ngoài nhưng Liên đoàn Xiếc lại không có bản quyền biểu diễn, điển hình là chương trình xiếc “Làng tôi”.

Bên cạnh khó khăn về nhân sự, Liên đoàn lại phải đối mặt với những gánh xiếc “cỏ”, thường xuyên giả mạo thương hiệu của Liên đoàn để trục lợi. “Chúng tôi bị mang tiếng nhiều. Những gánh xiếc cỏ lấy danh Liên đoàn Xiếc quảng cáo rất mạnh nhưng lại biểu diễn kém chất lượng khiến người dân hiểu lầm chúng tôi “treo đầu dê bán thịt chó”. Chúng tôi chỉ có thể báo cơ quan an ninh văn hóa khi phát hiện những trường hợp giả mạo ở khu vực Hà Nội, còn ở những địa phương khác thì không thể ngăn cản”, ông Tạ Duy Ánh tâm sự.

Nỗ lực vượt qua chính mình

Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, thiếu hụt diễn viên, bị giả mạo về thương hiệu, Liên đoàn Xiếc Việt Nam vẫn nỗ lực sáng tạo các chương trình, giữ vững thương hiệu là “cánh chim đầu đàn” của ngành Xiếc.

Nhiều tiết mục xiếc Việt Nam đoạt giải quốc tế được mời đi lưu diễn ở nước ngoài trong nhiều năm. (Ảnh: tiết mục patin, một trong những tiết mục nổi tiếng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam)


Xiếc Việt Nam giờ không còn là những trò diễn đơn lẻ như lắc vòng, đu dây, đế kiếm, tung hứng… mà những năm gần đây, các nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc đã thực hiện rất nhiều chương trình có nội dung, kịch bản xuyên suốt như một vở diễn. Đợt 1-6 vừa qua, Liên đoàn Xiếc thực hiện chương trình “Cướp biển Ca-ri-bê”, “Tôi yêu biển đảo”…

Ông Tạ Duy Ánh cho biết, hướng đi của Liên đoàn là xây dựng những chương trình có kịch bản tổng thể, thống nhất từ nội dung, âm nhạc, trang phục… “Kỹ thuật của xiếc thì ở đâu cũng giống nhau, để làm nên bản sắc riêng thì xiếc Việt Nam phải giữ được hồn dân tộc. Bên cạnh việc hiện đại hóa các tiết mục theo xu hướng quốc tế, yếu tố truyền thống luôn được chúng tôi hướng tới, đó là phần âm nhạc, đạo cụ, trang phục… phải thể hiện được chất liệu của người Việt”, ông Tạ Duy Ánh chia sẻ về hướng đi của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Với quyết tâm xây dựng thương hiệu Xiếc Việt, trong năm 2017, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã lên kế hoạch nhiều chương trình biểu diễn lớn, hứa hẹn không chỉ biểu diễn trong nước mà còn mang ra nước ngoài để quảng bá thương hiệu. Hiện nay, Liên đoàn đã ký hợp đồng với một đoàn xiếc Nhật Bản chương trình biểu diễn kéo dài 3 tháng (từ tháng 9 đến tháng 11) khắp các tỉnh, từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh với những tiết mục khó như: đua mô tô, “Vòng quay tử thần”...

Tháng 8 tới đây, một đơn vị nghệ thuật của Đức sẽ đưa chuyên gia sang Việt Nam để phối hợp cùng Liên đoàn Xiếc thực hiện chương trình xiếc mang đậm văn hóa truyền thống Việt Nam có tên gọi “Sông trăng”. Nếu hợp tác này thành công, Liên đoàn Xiếc sẽ “xuất khẩu” chương trình sang Đức biểu diễn trong vòng 2 năm, từ tháng 3-2018.

Nhiều tiết mục được xây dựng với hình ảnh văn hóa truyền thống.


Bên cạnh đó, Liên đoàn đang xây dựng nhiều chương trình lớn, dự định sẽ diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch đưa nghệ thuật đỉnh cao vào Nhà hát Lớn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động. Đáng kể là chương trình “Hà Nội những giấc mơ” sẽ biểu diễn vào đúng dịp 10-10. Dịp kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga tới đây (7-11), Liên đoàn Xiếc xây dựng chương trình đặc biệt, mang âm hưởng màu sắc văn hóa Nga, dự định biểu diễn tại “thánh đường nghệ thuật” vào ngày 5-11.

Rạp bạt lưu động, với sân khấu tròn và sức chứa 1500 chỗ ngồi của Liên đoàn Xiếc Việt Nam vẫn thường xuyên phục vụ khán giả ở nhiều tỉnh thành.


Với nỗ lực của các nghệ sĩ Việt Nam, giấc mơ nâng tầm xiếc Việt ra thế giới không còn quá xa vời. Theo Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, rất nhiều đoàn xiếc quốc tế đã biết đến thương hiệu Xiếc Việt Nam và ngỏ ý muốn hợp tác. Hàng năm, Việt Nam cũng đưa nhiều đoàn đi biểu diễn khắp châu Âu, có những tiết mục được mời lưu diễn 2 năm liên tiếp. “Khán giả Việt Nam và nhiều nước khác vẫn còn rất yêu Xiếc, đó là động lực để chúng tôi còn yêu nghề, nỗ lực sáng tạo các chương trình có tiếng nói riêng”, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam nói. 


Bên cạnh việc tổ chức biểu diễn tại Rạp xiếc Trung ương (67 Trần Nhân Tông), Liên đoàn Xiếc Việt Nam còn có sân khấu biểu diễn lưu động với sức chứa 1.500 chỗ ngồi, thường xuyên mang những chương trình lớn biểu diễn khắp cả nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Nỗ lực nâng tầm Xiếc Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.