Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp cho tình trạng "khuyết" nhà văn hóa cơ sở

Thanh Thủy| 17/09/2017 07:36

(HNM) - Thiếu quỹ đất, thiếu kinh phí xây dựng… đang là nguyên nhân khiến nhiều thôn, làng, tổ dân phố ở Hà Nội “khuyết” nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng.

Nhà văn hóa thôn 2, xã Yên Mỹ, Thanh Oai.


Giữa muôn trùng khó

Với gần 800 tổ dân phố thiếu điểm sinh hoạt cộng đồng, quận Đống Đa là một trong những đơn vị của Hà Nội phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước nhiệm vụ "phủ kín" thiết chế văn hóa tới các tổ dân phố. Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Song Hào cho biết: Nhiều nơi trên địa bàn quận như các phường: Văn Chương, Trung Tự, Láng Thượng… chỉ có duy nhất một nhà sinh hoạt cộng đồng; thậm chí có phường như Nam Đồng còn “trắng” hoàn toàn thiết chế này. Không chỉ có vậy, hầu hết các điểm sinh hoạt cộng đồng ở quận Đống Đa đều có diện tích rất khiêm tốn (từ 30 đến 60m2); sau một thời gian sử dụng, không ít công trình đã xuống cấp, trang thiết bị phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hội họp của người dân trở nên nghèo nàn, lạc hậu, cần được đầu tư xây mới. Tuy nhiên, để làm được việc này, điều đầu tiên là phải có quỹ đất - thách thức không nhỏ với một nơi đất chật người đông như quận Đống Đa.

Là một trong những nơi coi việc xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm, với hàng chục tỷ đồng dành ra mỗi năm cho công tác này nhưng đến hiện nay, quận Bắc Từ Liêm mới có 116/181 tổ dân phố có nhà văn hóa. Trong giai đoạn 2017-2020, quận tiếp tục đưa vào danh mục đầu tư xây dựng 27 nhà văn hóa cơ sở khác. Như vậy, kể cả thực hiện đúng tiến độ kế hoạch đề ra, đến năm 2020, toàn quận vẫn còn tới 21 tổ dân phố chưa có nhà văn hóa (chưa kể 17 tổ dân phố đang dùng chung nhà văn hóa). Theo Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Đỗ Mạnh Tuấn: Trong hơn 20 tổ dân phố thiếu thiết chế văn hóa có tới 10 tổ dân phố chưa bố trí được địa điểm; 11 tổ dân phố đã có địa điểm xây dựng nhưng lại gặp khó khăn, vướng mắc khác từ cộng đồng chưa thể có kế hoạch triển khai xây dựng.

Cùng chung khó khăn với quận Đống Đa, Bắc Từ Liêm còn có các quận, huyện như: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Sóc Sơn, Thạch Thất, Mỹ Đức… Thống kê từ Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, cả thành phố có 2.152/2.528 thôn, làng có nhà văn hóa; 1.727/5.452 tổ dân phố có điểm sinh hoạt cộng đồng. Rất ít nơi như huyện Thanh Trì, hoàn thành mục tiêu 100% thôn, làng có nhà văn hóa; huyện Thường Tín hoàn thành 100% tổ dân phố có điểm sinh hoạt cộng đồng. Do thiếu quỹ đất mà nhiều tổ dân phố phải sử dụng chung thiết chế văn hóa. Các điểm sinh hoạt cộng đồng cũng chỉ bảo đảm được diện tích hội họp của tổ dân phố, không có điều kiện để xây các công trình phụ trợ. Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Bạch Liên Hương cho hay: Thiếu vốn là nguyên nhân hàng đầu khiến huyện Mỹ Đức chưa thể hoàn thành việc phủ kín nhà văn hóa tới 100% thôn, làng bởi nguồn ngân sách vẫn phải tập trung cho nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất, đổi mới giáo dục ở địa phương...

Chủ động giải pháp, đầu tư trọng tâm, trọng điểm

Chuyển đổi mục đích sử dụng đất các khu xen kẹt, các công trình sử dụng không hiệu quả để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng là một trong những giải pháp mà nhiều địa phương đang tích cực áp dụng nhằm khắc phục những khó khăn về quỹ đất, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng các thiết chế văn hóa nói chung, nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng nói riêng. Áp dụng giải pháp này, trong thời gian tới, quận Đống Đa sẽ xây dựng 19 điểm sinh hoạt cộng đồng, còn huyện Thạch Thất thì đổi mới thiết kế nhà văn hóa, tận dụng mặt bằng linh hoạt, hiệu quả hơn... Những khó khăn về vốn cũng được nhiều quận, huyện "gỡ" bằng cách chủ động, tích cực liên hệ với các địa phương khác tìm nguồn đầu tư cho các thiết chế văn hóa cơ sở ở địa bàn mình.

Nhằm hỗ trợ các địa phương khắc phục khó khăn, vướng mắc, bảo đảm mục tiêu trong xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội phối hợp với các sở, ngành chức năng hoàn thiện Đề án: "Hoàn thiện thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở", trình UBND thành phố. Theo đó, Đề án đã đưa ra nhiều giải pháp như bổ sung cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở vật chất; định hướng hoạt động; nguồn kinh phí hoạt động cho hệ thống thiết chế văn hóa từ thành phố tới cơ sở. Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết: Những giải pháp này sẽ là cơ sở để các địa phương vận dụng hoàn thiện thiết chế văn hóa tại cơ sở, đồng thời tạo điều kiện cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao vận hành hiệu quả; phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng vào năm 2020.

Từ thực tế cho thấy, việc xây dựng Đề án trên là cần thiết, kịp thời; góp phần mở ra hướng phát triển mới cho phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Theo nhiều chuyên gia, "gỡ" khó cho các địa phương xây dựng thiết chế văn hóa còn nằm ở quy định về diện tích xây dựng, không nên có "khung cứng" mà cần áp dụng linh hoạt với điều kiện, tình hình của từng địa phương. PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết: Nhiều nơi, nhà văn hóa cơ sở chỉ dùng để hội họp, còn lại "bỏ không" rất lãng phí. Nếu có cơ chế sử dụng, khai thác hợp lý, thiết chế văn hóa sẽ phát huy hiệu quả, đồng thời mang lại nguồn thu cho cơ sở tái đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao của địa phương".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp cho tình trạng "khuyết" nhà văn hóa cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.