Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để bảo tàng thoát “bầu sữa” ngân sách

Tuệ Diễm| 06/10/2017 06:43

(HNM) - Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là đơn vị sự nghiệp công lập đầu tiên trong hệ thống bảo tàng thực hiện chuyển đổi sang mô hình tự chủ tài chính. Sau hơn 2 năm, đơn vị đã vượt qua giai đoạn khó khăn và đạt nhiều thành tích nổi bật. Đây là điển hình để các bảo tàng khác mạnh dạn thoát



Năm 2014, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Từ đó, toàn bộ ngân sách nhà nước của đơn vị đã bị cắt, tất cả các hoạt động đều dựa vào nguồn thu sự nghiệp. Việc chuyển đổi khiến bảo tàng gặp không ít khó khăn. Tổng thu của bảo tàng giảm đáng kể trong khi các nguồn thu sự nghiệp khác chưa bù được đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động chuyên môn và thu nhập của người lao động. Bà Nguyễn Trần Tâm Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cho biết: "Chúng tôi phải tiết kiệm giảm chi những hoạt động không cần thiết và tăng thu từ các hoạt động sự nghiệp. Ngoài nguồn thu từ 70% tiền bán vé, bảo tàng chủ động phối hợp với các đối tác để hợp tác kinh doanh".

Tuy vậy, với hàng loạt các giải pháp tinh giản, giảm chi phí, tăng hợp tác kinh doanh, đổi mới trưng bày, tăng hiệu ứng âm thanh vào các phòng triển lãm nhằm tăng phần sinh động, hấp dẫn... hết năm 2015, bảo tàng thu được từ phí tham quan hơn 11,5 tỷ đồng, tăng 35,8% so với trước khi tự chủ tài chính; năm 2016 hơn 13,7 tỷ đồng... Bên cạnh đó, các nguồn thu từ dịch vụ văn hóa cũng tăng dần; năm 2014 đạt hơn 1,6 tỷ đồng, năm 2015 hơn 2,9 tỷ đồng và năm 2016 là 3,8 tỷ đồng...

Thực tế, UBND TP Hồ Chí Minh khuyến khích để các bảo tàng hoạt động theo hình thức tự chủ tài chính, nhưng ngoài Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thì các đơn vị khác hoàn toàn không mặn mà. Đơn cử, Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh đón hơn 365 nghìn lượt khách tham quan hằng năm (trong đó gần 98 nghìn khách nước ngoài), nhưng vẫn chưa muốn tự chủ vì lo thu không đủ chi.

Để khuyến khích các bảo tàng tự chủ tài chính, mới đây Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh đã đề xuất UBND thành phố, cho tăng giá vé lên mức 30.000 - 40.000 đồng/khách, mức phí này không phân biệt khách quốc tế và khách trong nước. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Oanh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, các bảo tàng chưa thực sự năng động, chưa dám dấn thân, chưa biết tận dụng cách khai thác để tìm nguồn thu nhằm tự chủ tài chính như cách làm của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Theo các chuyên gia, để tự chủ tài chính trong hệ thống bảo tàng thành công như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, các đơn vị đi sau cần thực hiện lộ trình, theo từng bước, như từ tự chủ 30%, rồi 50%, 70%... và rồi cải thiện đến 100%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để bảo tàng thoát “bầu sữa” ngân sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.