Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xét tặng danh hiệu văn hóa: Bảo đảm lượng đi đôi với chất

Thanh Thủy| 15/10/2017 06:47

(HNM) - Trong đợt kiểm tra kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” vừa qua, vấn đề được đặc biệt quan tâm là thực trạng xét tặng danh hiệu văn hóa và chất lượng danh hiệu văn hóa…

Các hoạt động thiết thực, hiệu quả rõ nét là tiêu chí quan trọng cấu thành danh hiệu văn hóa.


Tiêu chí chung chung - xét duyệt khó chính xác

Kết quả kiểm tra công tác thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tại một số quận, huyện, sở, ngành vừa qua cho thấy, 100% địa phương đều đạt và vượt chỉ tiêu xây dựng danh hiệu văn hóa. Trong đó, quận Thanh Xuân có tới 93% gia đình văn hóa, 100% tổ dân phố văn hóa; huyện Quốc Oai có hơn 87% gia đình văn hóa, gần 98% làng văn hóa; quận Bắc Từ Liêm có hơn 88% gia đình văn hóa, hơn 82% tổ dân phố văn hóa, 92% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhận định: Nếu những con số trên phản ánh đúng thực chất, thì đây là kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, cũng cần nhìn lại vấn đề, vì sao các mô hình văn hóa luôn đạt chất lượng cao, nhưng những hành vi phản cảm như: Nói tục, chửi bậy; tiểu tiện, xả rác bừa bãi… vẫn còn nhiều. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu việc bình bầu, xét tặng danh hiệu đã bảo đảm công khai, dân chủ, không chạy theo thành tích chưa? Trong kết quả bình bầu, lượng đã đi đôi với chất?

Những băn khoăn này cũng là vấn đề đang được đặt ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo đánh giá của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, việc bình xét các danh hiệu văn hóa ở một số địa phương chưa thực hiện nghiêm theo đúng trình tự, thủ tục; có biểu hiện thiếu công khai, minh bạch cũng như nể nang khi bình bầu. Điều này dẫn đến tình trạng một số gia đình không đăng ký danh hiệu, cuối năm vẫn được nhận giấy chứng nhận gia đình văn hóa; một số địa phương do chạy theo thành tích, số lượng, không chú trọng chất lượng của danh hiệu. Không ít địa phương báo cáo 100% gia đình đạt chuẩn văn hóa, nhưng ngay cổng làng văn hóa là bãi rác lộ thiên...

GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển cho rằng, việc xét tặng danh hiệu văn hóa là một ý tưởng tốt, cổ vũ ý thức sống văn minh, vì cộng đồng, song, do tiêu chí xét duyệt còn chung chung, trùng lặp; công tác tuyên truyền, vận động chưa tốt, khiến việc tổ chức xét duyệt còn qua loa, chạy theo thành tích. Danh hiệu trở nên bình thường hóa, người nhận danh hiệu không thấy vinh dự, tự hào, từ đó mất dần ý nghĩa, mục đích.

Một trưởng thôn ở huyện Quốc Oai cũng thừa nhận, tình trạng bình xét thiếu căn cứ nêu trên là có thật, bởi trong thực tế, muốn hiểu rõ từng gia đình trong cả trăm hộ dân của thôn là rất khó. Chưa kể, khi tổ chức bình bầu, vẫn còn tâm lý ngại va chạm, sợ mất lòng nhau nên... biểu quyết cho xong!

Khắc phục "bệnh thành tích"

Việc qua loa, hình thức trong bình xét khiến danh hiệu của không ít làng văn hóa không phản ánh đúng thực tế. Ảnh : Thái Hiền


Để khắc phục thực trạng nêu trên, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa có Tờ trình số 206/TTr-BVHTTDL kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xây dựng Nghị định quy định việc xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”. Ngoài ra, Nghị định sẽ bổ sung những vấn đề mới, đang gây lo lắng, bức xúc, như: Tình trạng vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…

GS.TS Lê Thị Quý đánh giá: Muốn phong trào đi vào thực chất, cần duy trì tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân thấm nhuần ý nghĩa, giá trị cốt lõi của phong trào, tích cực nêu gương; không hô hào, không giao chỉ tiêu để ngăn bệnh thành tích. Tỷ lệ đạt thấp mà phản ánh thực chất còn quý hơn những con số không có thực.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, để hướng đến sự thực chất, các cơ quan chức năng cần xây dựng những tiêu chí cụ thể, dễ hiểu hơn. Chẳng hạn tiêu chí "Gia đình văn hóa là chấp hành quy định pháp luật, chủ trương của Đảng, Nhà nước", cần nêu cụ thể hơn như: Không có bạo lực, cờ bạc. Ở nông thôn, gia đình văn hóa tham gia sản xuất, chăn nuôi phải bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo phong trào ở các địa phương cần xác định những việc cụ thể để triển khai, nhằm tạo chuyển động thực sự trong đời sống như đặt ra các trọng tâm phấn đấu: Bảo đảm vệ sinh môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; văn hóa ứng xử… để cả cộng đồng vào cuộc, làm đến nơi đến chốn…

Trong khi chờ đợi các ban, ngành chức năng có hướng đi mới khắc phục "bệnh hình thức" trong xét tặng các danh hiệu văn hóa, TP Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tích cực tìm giải pháp, tránh chạy theo thành tích trong việc đánh giá, xét tặng các danh hiệu thi đua, đưa nội dung nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa vào mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới. Bảo đảm lượng đi đôi với chất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Ban chỉ đạo Chương trình 04 đề ra với mục tiêu phát triển bền vững phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét tặng danh hiệu văn hóa: Bảo đảm lượng đi đôi với chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.