Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhớ anh Lê Chúc

Đỗ Thế Gia| 19/10/2017 12:16

(HNM) - Vừa là người lãnh đạo, vừa làm nhiệm vụ của một phóng viên; làm nhiệm vụ phóng viên để có thực tế chỉ đạo, bồi dưỡng bản lĩnh, năng lực cho phóng viên, làm tốt chức năng của Tổng Biên tập.


Tôi không có điều kiện được sớm biết và cùng làm việc với anh, rồi cũng lại không được làm việc bên anh lâu, nhưng gần 10 năm sống với nhau (trong 12 năm tôi công tác ở Báo Hà Tây, Báo Hà Sơn Bình), anh là một người thầy tận tâm chỉ bảo về nghề nghiệp, một thủ trưởng (nhưng lại là một người bạn tâm giao) am hiểu hoàn cảnh, luôn tạo điều kiện cho tôi vừa hoàn thành nhiệm vụ vừa quan tâm tới gia đình.

Tôi vẫn nhớ: Vào một đêm cuối tháng 1-1969, anh một mình một xe máy, từ xã Lại Yên (huyện Hoài Đức) sang huyện Quốc Oai, gặp Bí thư Huyện ủy Mai Thao (rồi Bí thư gọi tôi sang phòng làm việc) để thông báo quyết định của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về việc điều động công tác của tôi. Buổi gặp gỡ ấy đã để lại trong tôi thiện cảm ban đầu đối với một cán bộ lãnh đạo mới mà mình sẽ dưới quyền. Gần như cả tháng 2 và tháng 3 sau đó, tuy bận rất nhiều việc, anh vẫn dành thời gian còn lại để kèm cặp, giúp đỡ tôi làm quen với cơ quan, với công việc “bếp núc” của nghề làm báo. Rồi anh Văn Trung và anh lại cho tôi đi phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất (từ 11 đến 23-3-1969), làm nhiệm vụ mang tin, bài, ảnh của các anh vừa dự Đại hội vừa viết, làm và duyệt từ H21 về Tòa soạn; lại mang báo mới để kịp phát hành ngay tại Đại hội.

Sau đợt đó, tôi nhớ mãi: Chính anh đã dẫn tôi xuống Bình Minh, giao tôi cho chị Mây, Bí thư Đảng ủy, lo việc ăn, ở, “thả” tôi ở đó để thâm nhập xã này. Bài “Xã Bình Minh phấn đấu thực hiện 4 mục tiêu” đăng tới 5 cột, gần hết trang 3 số Báo ra ngày 26-1-1969 (dưới vi-nhét “Xây dựng Chi bộ bốn tốt”) là bài báo đầu tiên tôi được ký tên với tư cách phóng viên, nhưng thực ra là anh đã phải “đầu tư” vào đó rất nhiều. Anh chỉ bảo, hướng dẫn cho tôi từ cách đặt tiêu đề cho cả bài, đến việc chia đoạn nhỏ và rút thành ba “tít vai”: Vượt khỏi tầm nhìn của người sản xuất nhỏ; Tập trung vào hai khâu chính; Nhiệm vụ mới, tổ chức mới. Sau đó, anh lại phát hiện, gợi ý, giao đề tài, rồi lại đích thân đưa tôi sang Nhà in Hồng Quang, sang Xí nghiệp gỗ Hà Đông, “giao” tôi cho anh Thắng chuyên trách công tác Đảng của Đảng bộ Xí nghiệp này. Các bài “Nguyễn Trọng Hậu - đầu máy của một tổ máy” (Nhà in Hồng Quang) và “Việc làm bình thường của đồng chí Liên” (Xí nghiệp gỗ, mỗi tháng thu nhặt 9-10 tạ lạt, giây níu cũ, làm lợi cho Xí nghiệp hàng trăm đồng - tiền lúc đó) cũng được anh hướng dẫn rút tít, trực tiếp sửa chữa và được đăng trong các số ra ngày 10 và 17-5-1969, là những gương đảng viên mà tôi được đóng góp trên mặt Báo trong dịp kỷ niệm lần thứ 79 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Cứ như thế - qua từng bài báo, số báo, qua từng tháng, từng năm, anh đã dìu dắt, giúp đỡ riêng tôi và gợi mở, giao đề tài, thể tài cho cả tổ hoặc từng phóng viên trong Tổ Xây dựng Đảng-Nội chính. Nhờ đó, bản thân và lần lượt mỗi anh em chúng tôi trong tổ này, đều có tiến bộ rõ rệt, hoàn thành nhiệm vụ mà Ban Biên tập và anh giao cho. Chẳng những thế, mà những năm công tác cùng anh, tôi còn thấy anh là một cán bộ phụ trách luôn bám sát sự lãnh đạo của Tỉnh ủy để chỉ đạo mọi hoạt động báo chí của cơ quan, nhưng cũng là người dám chịu trách nhiệm trước cấp ủy; đồng thời cũng là người chịu khó học hỏi, xông xáo, “đi khỏe viết nhiều”, để lại những bài viết hay, gây ấn tượng tốt cho bạn đọc. Chính vì vậy mà trong báo cáo tổng kết 10 năm của Báo Hà Tây (1965-1975), trước khi bước vào thời kỳ mới và chuẩn bị hợp nhất thành tỉnh Hà Sơn Bình, Báo Hà Sơn Bình, đã được tập thể Ban biên tập đúc kết, được một hội nghị lớn với cộng tác viên, thông tín viên toàn tỉnh thừa nhận một trong những kinh nghiệm quý là: “… Sự vững vàng về chính trị của Tổng Biên tập đã đem lại sự vững vàng về phương hướng, nội dung tuyên truyền cho tờ báo và sự vững vàng cho mỗi cán bộ, phóng viên; đã chứng tỏ năng lực chuyên môn của Tổng Biên tập thiết thực nâng cao chất lượng của tờ báo và năng lực chuyên môn của phóng viên. Muốn vậy, Tổng Biên tập phải vừa là người lãnh đạo vừa làm nhiệm vụ của một phóng viên; làm nhiệm vụ phóng viên để có thực tế chỉ đạo, bồi dưỡng bản lĩnh, năng lực cho phóng viên, làm tốt chức năng của Tổng Biên tập…”.

Là Thư ký tòa soạn từ Báo Hà Đông, tháng 6-1965 hợp nhất tỉnh, anh Lê Chúc được cử tham gia Ban biên tập Báo Hà Tây. Tháng 7-1968, được đề bạt làm Phó Tổng Biên tập; khi anh Văn Trung, Tổng biên tập sang làm Chánh văn phòng Tỉnh ủy (tháng 4-1969), anh được giao quyền Tổng Biên tập; đến tháng 7-1972 chính thức làm Tổng Biên tập, anh Lê Chúc đã gắn bó, trưởng thành vững chắc theo từng thời điểm phát triển, trưởng thành của báo Đảng địa phương. Phải chăng đó cũng là cái “nền” để năm 1978 khi lên công tác ở Báo Nhân Dân, anh đã được giao trọng trách một trong những Ban tuyên truyền quan trọng của báo Đảng trung ương: Ban Xây dựng Đảng. Từ đó, cho đến khi qua đời, lại gần hai chục năm, với bút danh Lê Huyền Thông, anh vẫn là một người cầm bút xông xáo, sắc xảo, đắm mình trong thực tế đời sống và qua những bài viết của mình đã góp phần dấy lên phong trào cách mạng của quần chúng các địa phương trong cả nước.

Nhớ về anh, nhớ về một người đã từng dìu dắt, giúp đỡ mình vào nghề, học nghề, tôi có đôi dòng ghi lại, tưởng niệm một con người đã từng sống và làm việc hết mình với nghề làm báo, trong đó có nhiều đóng góp tích cực với Báo Hà Tây, Báo Hà Sơn Bình hơn chục năm đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ anh Lê Chúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.