Theo dõi Báo Hànộimới trên

Di dời linh vật ngoại lai: Vì một không gian di tích thuần Việt

Thanh Thủy| 29/10/2017 07:15

(HNM) - Việc trả lại không gian văn hóa thuần Việt cho các di tích trên cả nước đã có chuyển biến mạnh mẽ, góp phần khơi dậy ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc.


Đôi sư tử đá trước cửa chùa Gia Quất, Long Biên, Hà Nội trước khi di dời. Ảnh: Văn Tuân


Những chuyển biến và tồn tại

Hội nghị Tập huấn, tuyên truyền Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt vừa diễn ra là dịp để ngành Văn hóa đánh giá kết quả ba năm triển khai thực hiện chủ trương với rất nhiều tín hiệu đáng mừng trong chiến dịch đẩy lùi nạn xâm lấn của hiện vật ngoại lai trong di tích trên cả nước.

Theo thông tin từ Bộ VH-TT&DL, ngay sau chủ trương của Bộ, phong trào di dời, gỡ bỏ sản phẩm không phù hợp với văn hóa đất nước đã dấy lên ở rất nhiều địa phương; phong trào tìm hiểu, nghiên cứu về các biểu tượng, linh vật thuần Việt đã hình thành và phát triển một cách mạnh mẽ, với sự xuất hiện của nhiều diễn đàn có thành viên là những người yêu di sản, muốn quảng bá, phát huy văn hóa truyền thống, như các nhóm: Đình làng Việt; linh vật, cổ vật truyền thống Việt Nam; chùa Việt; làng Việt xưa và nay… Các triển lãm, trưng bày linh vật trong văn hóa Việt được tổ chức; các tài liệu, hồ sơ lưu trữ về linh vật truyền thống được tái bản; các chương trình thực hiện số hóa linh vật truyền thống ra đời… như một cách khơi dậy niềm tự tôn dân tộc trong cộng đồng. Cùng với đó, làn sóng sản xuất, cung tiến, bày đặt đồ thờ cúng “bất quy tắc” gần như bị xóa bỏ. Các làng đá, cơ sở sản xuất linh vật dáng dấp ngoại lai lớn trên cả nước đồng loạt chuyển hướng sang chế tác sản phẩm thuần Việt...

Tuy nhiên, chiến dịch “nói không” với linh vật ngoại lai vẫn gặp không ít khó khăn, khiến nguy cơ những hiện vật không phù hợp quay trở lại luôn hiện hữu. Đáng nói nhất là nhiều địa phương chưa có hướng di dời hiện vật không phù hợp đi đâu, thực hiện như thế nào. Không ít nơi, vì để bảo đảm yêu cầu của ngành chủ quản, đã chọn cách phủ bạt, thả trôi sông… hoặc để linh vật ngổn ngang trong khuôn viên di tích. Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết: "Dù rất quyết liệt, chủ động thanh tra, di dời hàng trăm linh vật không phù hợp ra khỏi các di tích nhưng Hà Nội vẫn gặp không ít khó khăn, như yếu tố tâm linh từ những linh vật đặt trong di tích nhiều năm; lúng túng trong xác định đâu là sản phẩm ngoại lai... Với số lượng lớn linh vật không phù hợp có trên địa bàn, công tác di dời, xử lý cũng không dễ dàng do thiếu kinh phí và mặt bằng”.

Về vấn đề này, TS Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán nôm nhận xét: Vẫn còn không ít lĩnh vực xâm phạm Luật Di sản văn hóa mà các văn bản hướng dẫn chưa bao quát tới. Đơn cử như tình trạng sản xuất hoành phi, câu đối tự do, không có kiểm soát nội dung, thông tin diễn ra nhiều năm nay; hay câu chuyện đôi lọ lục bình với đôi câu đối có nghĩa dung tục trong Khu di tích danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) thời gian qua là một ví dụ. Đây cũng là những vấn đề cần chấn chỉnh để bảo toàn ý nghĩa, giá trị văn hóa tâm linh cho các di tích.

Nâng cao ý thức cộng đồng


Các làng đá, cơ sở chế tác linh vật đã chuyển hướng sang chế tác sản phẩm thuần Việt.


Biểu tượng, linh vật không chỉ giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh người Việt mà còn góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa, phong cách nghệ thuật đặc trưng của dân tộc qua từng thời kỳ. Để linh vật văn hóa Việt phai mờ, mất dấu trong chính “ngôi nhà” của mình là trách nhiệm của các ban, ngành liên quan và của cộng đồng sở hữu di sản. Đáng tiếc, vì những tồn tại nêu trên nên chủ trương đẩy lùi sự xâm lấn của linh vật ngoại lai chưa đạt kết quả toàn diện, chưa kể đã bắt đầu xuất hiện những vi phạm mới như vụ việc tại chùa Sổ, Ước Lễ và chùa Khúc Thủy, Cự Đà (Thanh Oai); chùa Hương (Mỹ Đức)…

Trong những giải pháp được các chuyên gia lĩnh vực văn hóa đưa ra, việc tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức chuyên môn về linh vật nhằm nâng cao kiến thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ văn hóa địa phương, các tiểu ban quản lý di tích, góp phần tuyên truyền hiệu quả việc tiếp nhận hiện vật, đồ thờ tại di tích được đặc biệt coi trọng.

Nhà nghiên cứu văn hóa, GS Trần Lâm Biền khẳng định, chính những người làm quản lý cần tự trang bị thêm kiến thức để phân định rõ các loại linh vật phù hợp, không phù hợp giữa lúc làn sóng văn hóa ngoại lai vẫn đang âm ỉ. Có kiến thức nền tốt mới có thể tuyên truyền hiệu quả cái hay, cái đẹp, những giá trị, linh thiêng của các linh vật Việt Nam cho người dân, từ đó khơi dậy ý thức cộng đồng trong bảo tồn, gìn giữ di sản của cha ông. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường phối hợp tổ chức các hình thức triển lãm, trưng bày, hội thảo nhằm quảng bá mỹ thuật truyền thống, biểu tượng, linh vật của Việt Nam; vận động sư trụ trì, thủ từ, thủ đình bởi chính họ là những người tuyên truyền hiệu quả nhất cho phật tử và người dân trong việc loại bỏ sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Trần Khánh Chương góp ý: Muốn đẩy lùi linh vật ngoại lai hiệu quả, cần chuẩn bị tốt nguồn linh vật thay thế phù hợp. Hiện giờ công tác phục dựng, chế tác linh vật truyền thống đã có. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tập huấn, định hướng để quảng bá hơn nữa công tác phục dựng, chế tác linh vật truyền thống; tiếp tục sáng tạo ra những linh vật văn hóa Việt mang sắc thái hiện đại để ăn nhập với kiến trúc hôm nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Di dời linh vật ngoại lai: Vì một không gian di tích thuần Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.