Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa “hầu đồng” lên sân khấu: Cần thận trọng để tránh biến tướng

Hoàng Lân| 16/11/2017 13:07

(HNMO) – Sáng 16-11, tại hội thảo khoa học “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu trên địa bàn Hà Nội – nhận diện, bảo tồn và phát triển”, rất nhiều vấn đề về việc bảo tồn di sản này đã được bàn luận.

Việc sân khấu hóa hầu đồng cần phải được làm thận trọng để tránh biến tướng.


 Di sản thế giới trước nỗi lo “biến tướng”

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vui nhưng cũng là nỗi lo của nhiều nhà văn hóa, bởi trước kia, việc thực hành tín ngưỡng này với nghi lễ “hầu đồng” vốn đã nhạy cảm với nhiều biến tướng, mang tính chất kinh doanh thương mại, vì thế từng có thời kỳ “hầu đồng” không được thừa nhận chính thức.

Theo nhà nghiên cứu Phạm Tứ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam: “Thời gian qua, phong trào “hầu đồng” quá nóng trong khi hiểu biết chung của một số thanh đồng về tín ngưỡng thờ Mẫu còn rất mù mờ, dẫn đến thiếu sự nhất quán trong việc đào tạo và hành đạo”. Nhà nghiên cứu Phạm Tứ cũng cho rằng, từng có nhiều giải pháp được đặt ra nhằm chấn chỉnh tục thờ Mẫu như chủ trương cấm đốt vàng mã, tổ chức các cuộc tọa đàm khoa học, tổ chức liên hoan diễn xướng hầu đồng… Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời và ít hiệu quả. Thực tế, vẫn xuất hiện nhiều hình thức “hầu đồng” nhố nhăng, phản cảm, méo mó… Hiện tượng hầu đồng mọi lúc, mọi nơi, hầu Tứ phủ trong Phủ Trần Triều, hầu đồng tại các chùa, đình, nhiều nơi còn bật loa to hết cỡ khiến nghi lễ hầu đồng mất đi sự tao nhã…

Về vấn đề này, GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam trong bài viết “Lên đồng và xã hội đô thị” cũng bày tỏ: Bản thân tục thờ Mẫu là hệ thống các tín ngưỡng ở trình độ phát triển rất khác nhau, từ sơ khai, nguyên thủy như các hình thức thờ Nữ Thần đến các hình thức phát triển cao hơn là thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Do vậy, nó rất phức tạp, chứa đựng nhiều tàn tích cổ xưa mà trong xã hội hiện tại không mấy phù hợp".

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ phải được thực hiện tại không gian đền, phủ thờ mẫu.


GS.TS Ngô Đức Thịnh cũng cho rằng, mọi tôn giáo, tín ngưỡng không tồn tại trong chân không mà trong xã hội con người. Con người trong xã hội không chỉ hướng về nó, tôn vinh nó mà còn lợi dụng nó vì các mục đích khác nhau. Rất nhiều người lợi dụng tình trạng nhiễu loạn hiện nay để đầu cơ trục lợi, buôn thần bán thánh. Không ít kẻ giàu lên nhờ lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng, đi ngược với bản chất hướng thiện của các tín ngưỡng, tôn giáo. Trước những nguy cơ đang hiện hữu trong đời sống di sản này, GS.TS Ngô Đức Thịnh cũng bày tỏ, việc làm cần thiết lúc này để hạn chế những mặt trái, sự biến tướng của di sản là “gạn đục khơi trong", hỗ trợ và phát huy mặt tích cực là cơ bản để dần hạn chế những mặt tiêu cực, lỗi thời.

Cần thận trọng khi sân khấu hóa “hầu đồng”

Một trong những vấn đề được đưa ra bàn luận về nỗi lo biến tướng hầu đồng là việc lạm dụng sân khấu hóa. Việc sân khấu hóa hầu đồng vốn dĩ là việc làm nhằm giới thiệu rộng rãi tới công chúng nhân dân những nét đẹp, giá trị của trình diễn hầu đồng. Theo nhạc sĩ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, cuối những năm 1970, thế kỷ XX, GS Đinh Gia Khánh, GS,TSKH Phan Đăng Nhật – những nhà sáng lập Viện Văn hóa dân gian đã tập hợp một số nghệ nhân, nhà nghiên cứu và diễn viên thực hiện việc trình diễn, giới thiệu nghệ thuật hát chầu Văn tới đông đảo quần chúng nhân dân. Mục đích của việc này là ngoài việc phân định các giá trị nghệ thuật, âm nhạc, vũ đạo, diễn xướng, nghệ thuật sắp đặt, trang phục…, việc sân khấu hóa hầu đồng là để mô phỏng một cách thận trọng, tỉ mỉ những đặc trưng tiêu biểu của “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” trong tín ngưỡng dân gian của dân tộc Việt.

Tuy nhiên, khi việc tiến hành sân khấu hóa được tổ chức tràn lan thì vô tình khiến cho tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ bị “biến dạng” và mất đi giá trị đích thực vì nhiều người dễ bị nhầm lẫn giữa việc mô phỏng tín ngưỡng với việc thực hành chuẩn tại không gian điện thờ. Về điều này, thanh đồng Lê Bá Linh, Ủy viên Ban Chủ nhiệm CLB Văn hóa thờ Mẫu và hát Văn tại Hà Nội cho biết: “Nghệ thuật hầu đồng là biểu diễn lại hình thức của hầu đồng trên sân khấu, còn hầu đồng thực sự là thể hiện hình ảnh tiên thánh trên sập hầu trước ban thờ thánh nên hai cái đó có sự khác nhau về hình thái, tính chất”. Thanh đồng này cũng cho biết, hiện nay, một số liên hoan nghi lễ hầu đồng được tổ chức ở nhiều nơi chưa được chuẩn chỉnh về không gian, hình thái. Hầu đồng, diễn xướng được quảng bá một cách tùy tiện, lợi dụng tâm linh để phục vụ những mục đích khác, không những làm ảnh hưởng tới uy linh và những nét đẹp tiêu biểu của nghi lễ hầu đồng mà còn làm mất đi niềm tin, tinh thần của mọi người trong cộng đồng xã hội đối với việc tâm linh, tín ngưỡng dân tộc.

Trước đó, khi trả lời HNMO, GS. TS Nguyễn Chí Bền cũng nhận định, việc sân khấu hóa di sản để quảng bá rộng hơn cho du khách, người dân những nét đẹp của Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ không hẳn là điều xấu. Tuy nhiên, các đơn vị thực hiện cần phải có sự rõ ràng trong việc giới thiệu với công chúng rằng, những gì trên sân khấu chỉ là mô phỏng, diễn lại, chứ không phải là nguyên bản của một buổi thực hành tín ngưỡng. Nếu việc sân khấu hóa không được làm thận trọng thì sẽ dẫn đến sự hiểu lầm, thương mại hóa tín ngưỡng.

Bên cạnh những lo lắng về biến tướng, sân khấu hóa tràn lan, các nhà nghiên cứu cũng đặt ra nhiều vấn đề về bảo tồn, phát huy giá trị của tín ngưỡng bằng cách giáo dục, truyền dạy cho lớp trẻ; cơ quan quản lý nhà nước cần có sự quan tâm và có những biện pháp xử lý nghiêm đối với nạn biến tướng, thương mại hóa tín ngưỡng…

Theo TS Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội, hội thảo khoa học đã nhận được 25 bài tham luận, trong đó có 16 bài tham luận của các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa – xã hội; 8 bài của nghệ nhân dân gian, đồng đền, thủ nhang, thanh đồng. Các bài viết tập trung vào việc phân tích, khẳng định giá trị cốt lõi của các nghi lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu; sự biến tướng của hầu đồng và các dạng “lệch chuẩn” trong thực hành các nghi lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu; việc đưa hầu đồng lên sân khấu và các hình thức trình diễn khác; việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn Hà Nội…


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đưa “hầu đồng” lên sân khấu: Cần thận trọng để tránh biến tướng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.