Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đa dạng mô hình, khẳng định hiệu quả

Thanh Thủy| 19/11/2017 06:55

(HNM) - Là một trong nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản, hoạt động giáo dục tại các bảo tàng, di tích ở Hà Nội đang ngày càng đa dạng với các mô hình hấp dẫn giới trẻ. Bên cạnh những chương trình đã đi được đường dài, những mô hình giáo dục di sản mới ra đời đang góp phần thay đổi quan niệm “khô cứng, một màu” bấy lâu...


Nhiều bảo tàng tại Hà Nội đang tích cực đổi mới, đa dạng phương thức tương tác với khách tham quan. Ảnh: Bá Hoạt


Đã có nhiều lựa chọn

Sau thành công của chương trình giáo dục di sản dành cho học sinh tiểu học, mới đây, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám tiếp tục thử nghiệm chương trình thực hành tham quan theo hướng tiếp cận mới dành cho đối tượng học sinh THCS với 4 nội dung tìm hiểu: Khám phá sách học và ván khắc in; khám phá bia tiến sĩ tại vườn Văn Miếu; “Thi Hương - thi Hội - thi Đình” và đánh giá về bảo vệ di sản, môi trường di sản văn hóa. Vẫn cách tổ chức mang lại hiệu quả, đề cao tính chủ động, hòa mình, sáng tạo, chương trình giáo dục di sản dành cho học sinh THCS của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám chú trọng bồi đắp kiến thức, tình yêu di sản một cách bền vững cho học sinh thông qua các hoạt động trước, trong và sau tham quan.

Chị Hoàng Tuyết Hương, hướng dẫn viên tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho hay: “Các tour khám phá di tích được thiết kế theo góc nhìn, khả năng cảm nhận của từng độ tuổi, cùng với yếu tố “học mà chơi, chơi mà học”, giúp các em cảm thụ một cách tự nhiên nhất, nhờ vậy, không chỉ bảo đảm kiến thức mà còn thể hiện sự quan tâm, tình yêu, niềm tự hào dành cho di sản”.

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám chỉ là một trong nhiều địa chỉ đã và đang tổ chức thành công các chương trình giáo dục di sản. Trong tháng 6 và 7 vừa qua, di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng tổ chức chương trình: “Em tập làm thuyết minh viên” cho học sinh đến từ nhiều trường tiểu học, THCS trên địa bàn Hà Nội. Học sinh được tìm hiểu thông tin về Nhà tù Hỏa Lò, được hướng dẫn cách thể hiện ngôn ngữ cơ thể, khả năng nói chuyện trước đám đông, cách tổ chức một bài thuyết minh hấp dẫn, lôi cuốn, đặc biệt còn được tham gia hỗ trợ hướng dẫn cùng cán bộ khu di tích. Chị Lại Thị Minh Thu, cán bộ Phòng Giáo dục truyền thông, di tích Nhà tù Hỏa Lò chia sẻ: “Nhóm tổ chức chương trình rất bất ngờ trước sự hào hứng, chủ động của các em học sinh. Lượng kiến thức các em thu nạp được cùng kỹ năng giao tiếp, thuyết trình… cho thấy cách giáo dục di sản lấy đối tượng học sinh làm trung tâm và chú trọng trải nghiệm đã tạo được hiệu quả bất ngờ”.

Đổi mới giáo dục di sản với đa dạng cách tiếp cận lịch sử đã và đang là hướng đi nhiều bảo tàng, di tích chọn lựa và bước đầu thay đổi quan niệm thiếu tích cực về hoạt động giáo dục di sản bấy lâu. Có thể kể đến mô hình giáo dục di sản của Khu di tích Hoàng thành - Thăng Long với “Em làm nhà khảo cổ”; “Trải nghiệm trung thu cùng nghệ nhân”, “Em tìm hiểu về di sản Hoàng thành - Thăng Long”…; Bảo tàng Lịch sử quốc gia với các giờ học lịch sử theo chuyên đề: “Tìm hiểu - trải nghiệm xếp hàng mua lương thực, thực phẩm thời bao cấp”, “Tìm hiểu các triều đại phong kiến Việt Nam trong lịch sử Việt Nam”…

Liên tục đổi mới và làm phong phú các chương trình giáo dục di sản còn có Bảo tàng Dân tộc học với các hoạt động tìm hiểu cội nguồn như: Trải nghiệm làm gốm của người Thái, Việt, Chăm; dệt nhuộm của người Lào, Thái, Cơ tu, Hmông; rèn đúc của người Nùng, Hmông…

Cần sự phối hợp từ phía nhà trường

Với mục tiêu nâng cao hiểu biết, khả năng sáng tạo, đồng thời củng cố tình yêu, ý thức giữ gìn và phát huy giá trị di sản cho thế hệ trẻ, các điểm đến lịch sử, văn hóa của Thủ đô đang nỗ lực đưa ra các chương trình tương tác mới nhằm tăng sức hấp dẫn cho hoạt động giáo dục di sản.

Tuy nhiên, để hoạt động giáo dục di sản đạt hiệu quả cao hơn nữa, cùng với sự nỗ lực từ đội ngũ tham gia gìn giữ, phát huy di sản cũng rất cần sự chung tay từ phía nhà trường. Hiện nay, vì nhiều nguyên nhân, công tác này vẫn chưa được như mong muốn. Bà Nguyễn Hoàng Yến, cán bộ Phòng Thông tin tuyên truyền, Khu di tích Hoàng thành - Thăng Long phân tích: "Do quỹ thời gian eo hẹp, thiếu liên kết giữa các bên nên việc tổ chức cho học sinh tham gia các chương trình trải nghiệm di sản thường diễn ra vào một thời điểm nhất định với lượng học sinh đông nên việc tiếp nhận thông tin vẫn như “cưỡi ngựa xem hoa”. Ngoài ra, không ít trường tổ chức cho học sinh tham quan chỉ nhằm cho đủ số tiết hoạt động ngoại khóa theo quy định chứ chưa thật sự chú trọng đến hiệu quả giáo dục”.

Đồng tình với phân tích trên, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học kêu gọi ban quản lý các di tích, bảo tàng cần chủ động bắt tay với các nhà trường để có sự đồng thuận trong vấn đề tiếp cận giáo dục mới. Hơn nữa, các cơ sở giáo dục cũng cần đánh giá đúng vai trò của công tác này, từ đó có sự phối hợp, hỗ trợ cần thiết cho hoạt động giáo dục di sản.

Để phối hợp tốt hơn với các nhà trường, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam đề xuất: Giáo dục di sản không chỉ đơn giản hướng đến học sinh mà còn cần phải cho cả đối tượng khách trưởng thành. Với không gian, cảnh quan, công trình kiến trúc thẫm đẫm lịch sử, truyền thống, các di tích có thể tạo thêm một số điểm nhấn như: Hướng dẫn, dạy thư pháp; tổ chức các buổi gặp gỡ những người thành đạt để tạo hứng khởi trong học tập… Vì vậy, việc tham gia giáo dục di sản không nên chỉ là nhiệm vụ của cán bộ quản lý các di tích, bảo tàng mà rất cần sự chung tay, phối hợp tích cực từ các nhà trường và cộng đồng xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đa dạng mô hình, khẳng định hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.