Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghị định về quản lý lễ hội: Cần thiết nhưng tránh áp đặt

Hoàng Lân| 24/11/2017 15:49

(HNMO) - Sáng nay (24-11), Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.


Dự thảo Nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội được xây dựng với hy vọng giúp cho các lễ hội tổ chức về đúng giá trị văn hóa, truyền thống.


Tránh áp đặt, cấm đoán


Trước những vấn đề nan giải của các mùa lễ hội như nạn bạo lực, tranh cướp, lộn xộn tổ chức… Bộ VH,TT&DL tiến hành soạn thảo dự thảo Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội để trình lên Chính phủ. Dự thảo Nghị định này được xây dựng dựa theo những vấn đề từng được quy định trong một số điều của Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL và Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Đây được xem là hành lang pháp lý trong khâu quản lý các lễ hội, nhằm xây dựng nếp sống văn minh trong các lễ hội.

Dự thảo Nghị định gồm 4 chương và 19 điều, trong đó có nêu bật các nội dung như: Nguyên tắc tổ chức lễ hội; thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; tổ chức lễ hội; trình tự tiếp nhận hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội; yêu cầu đối với các lễ hội tổ chức định kỳ…

Trong buổi lấy ý kiến dự thảo, phần đông các nhà văn hóa đều khẳng định sự cần thiết phải có một Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Tuy nhiên, Nghị định đó được thể hiện thế nào cho phù hợp để vừa thể hiện vai trò quản lý nhà nước vừa phát huy được những giá trị của cộng đồng, phát huy được giá trị văn hóa bản địa lại cần phải được xây dựng cẩn thận.

Giáo sư Lê Hồng Lý cho biết, trong Nghị định nên có sự phân định rõ những lễ hội nào phải xin phép. Theo Giáo sư Lê Hồng Lý, chỉ những lễ hội nhỏ, lễ hội mang yếu tố du nhập nước ngoài thì mới cần xin phép cơ quan quản lý, còn những lễ hội mang tính chất truyền thống, được tổ chức định kỳ nhiều năm thì không cần phải làm thủ tục này. Bởi khi đã có cơ chế “xin phép” có nghĩa là có việc “xin - cho”, như vậy sẽ làm mất đi giá trị đẹp đẽ của lễ hội.

Tại Điều 4 của dự thảo Nghị định - nguyên tắc tổ chức lễ hội, có nội dung: “Loại bỏ hoặc thay thế những tập tục kích động bạo lực”. Theo Giáo sư Lê Hồng Lý, phần này nếu thể hiện không khéo sẽ dẫn đến tình trạng cấm đoán, áp đặt của cơ quan quản lý. “Việc của cơ quan quản lý là làm sao giải thích cho cộng đồng hiểu được những nội dung không phù hợp của lễ hội để cộng đồng tự thay đổi, chứ không phải là cơ quan quản lý không quản được thì cấm”, Giáo sư Lý bày tỏ.

Khi Nghị định đi vào cuộc sống, những hiện tượng không đẹp tại các lễ hội sẽ giảm?


Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa cho biết, trong Nghị định này, Bộ VH,TT&DL nên tránh dùng những từ mang tính chất cấm đoán như: “loại bỏ”, “thay thế”… bởi đây là những việc làm đi ngược với xu hướng quốc tế. Theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, trong dự thảo Nghị định cần phải làm rõ khái niệm “lễ hội”, nên tách phần “hội” riêng phần “lễ”. Vì chưa làm rõ được khái niệm này nên trong dự thảo quy định có nhiều chỗ chưa rõ định hướng, có nhiều nhầm lẫn trong việc xây dựng. Nhiều nội dung đi vào chi tiết không cần thiết.

Riêng đại diện Ban quản lý di tích Hương Sơn thì cho ý kiến, trong dự thảo Nghị định có quy định rõ: “Mỗi ban thờ trong cơ sở thờ tự đặt không quá 2 hòm công đức” là không phù hợp với thực tế. Vị đại diện này đóng góp, không nên quy định cụ thể mà nên quy định là đặt hòm công đức sao cho phù hợp, vì nếu chỉ đặt 2 hòm công đức sẽ khó cho những di tích có lượng khách đông phải xếp hàng để đóng góp công đức.

Cần thiết có Nghị định quản lý lễ hội

Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội là việc làm cần sự vào cuộc và đóng góp của nhiều ban, ngành, đặc biệt là những nhà nghiên cứu văn hóa. Khi thực hiện soạn thảo dự thảo Nghị định, Bộ VH,TT&DL đã phải cân nhắc từng câu chữ để tránh những hiểu lầm, sai sót khi Nghị định được đưa vào cuộc sống.

Bà Ninh Thị Thu Hương cũng giải thích thêm, những lễ hội truyền thống khi tổ chức sẽ làm thông báo với cơ quan quản lý tại địa phương. Đây cũng là điều đã được thể hiện rõ trong Luật Tín ngưỡng và tôn giáo. Vấn đề cấp phép chỉ áp dụng cho những lễ hội dân gian được khôi phục lại sau nhiều năm gián đoạn ở quy mô tổ chức trong nhiều huyện thuộc một tỉnh, lễ hội VH,TT&DL quy mô toàn quốc hoặc khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài tổ chức tại Việt Nam... Bà Hương cho biết, Nghị đinh mới này sẽ đơn giản hơn nhiều so với Luật Tín ngưỡng và tôn giáo.

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cũng khẳng định, Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội được xây dựng dựa trên nguyên tắc đảm bảo vai trò quản lý của cộng đồng, tôn trọng cộng đồng chứ không phải là áp đặt. Cục tiếp tục lấy ý kiến của các nhà văn hóa, những người có chuyên môn để hoàn thiện dự thảo Nghị định.

Theo kế hoạch, dự thảo Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội sau khi được Bộ Tư pháp thẩm định, cho ý kiến, sẽ được trình Chính phủ xem xét, thông qua vào cuối năm 2017, trước mùa lễ hội năm 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị định về quản lý lễ hội: Cần thiết nhưng tránh áp đặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.