Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tín hiệu mới của nhiếp ảnh Việt Nam

An Nhi| 08/12/2017 06:46

(HNM) - Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 9 tại Việt Nam - năm 2017 (VN-17) đã có kết quả giải thưởng, và Ban Tổ chức đã chọn được bộ ảnh ưng ý để trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam (ngõ 3, Tôn Thất Thuyết, Hà Nội).

Những người yêu thích nhiếp ảnh thưởng lãm tác phẩm xuất sắc của VN-17. Ảnh: Hồng Anh


Dấu ấn của những tay máy chủ nhà

Cuộc thi được tổ chức dưới sự bảo trợ của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP), ở lần thứ 9 tổ chức đã có sự đổi mới đáng kể so với trước. VN-17 thu hút 11.448 tác phẩm của 958 tác giả thuộc 36 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, tăng 2.000 ảnh so với VN-15. Số tác phẩm của nhiếp ảnh gia quốc tế cũng lớn hơn, chiếm 1/3 lượng ảnh tham dự. Theo lý giải của ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam - đơn vị tổ chức cuộc thi, nhiếp ảnh Việt Nam trong những năm gần đây có tiến bộ. Nhiều nhiếp ảnh gia đã có tác phẩm đoạt giải thưởng lớn trên thế giới; không ít nghệ sĩ Việt Nam được mời tham gia ban giám khảo trong các cuộc thi ảnh uy tín. Chính vì vậy, sức hút của nhiếp ảnh Việt Nam cũng lớn hơn. Ngay từ khi phát động cuộc thi (5-2017), Ban Tổ chức đã công bố về việc số hóa toàn bộ các công đoạn và chấm giải theo quy chuẩn quốc tế - khá thuận lợi cho người tham dự. Năm nay, cuộc thi có hai giám khảo quốc tế là David Tay Poey Cher (Singapore) và Agatha Bunanta (Indonesia), cũng là điểm khác biệt so với những kỳ trước.

Lần đầu tiên cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam có sự phân chia rõ hạng mục thi ảnh xác thực và ảnh có can thiệp. Ở chủ đề “Chân dung”, “Cuộc sống đời thường”, “Phong cảnh”, các tác giả thể hiện khoảnh khắc chân thực, có tính nghệ thuật cao, còn chủ đề “Tự do”, các tác giả thoải mái sử dụng kỹ thuật, yếu tố mới hay thiết bị công nghệ cao để sáng tác. Giám khảo Lý Hoàng Long nhận định: “Trong cuộc thi này, tuy số lượng nghệ sĩ nước ngoài tăng mạnh, kỹ thuật tốt nhưng có thể nhìn thấy những tín hiệu vui ở các tác giả Việt Nam, đặc biệt là từ lực lượng trẻ”.

Trần Tuấn Việt (Hà Nội) là một nhiếp ảnh gia của Việt Nam được đánh giá cao ở cuộc thi lần này. Trong giới nhiếp ảnh Việt Nam, anh được nhiều người nhắc đến khi giữ kỷ lục có 17 tác phẩm lọt vào tốp ảnh đẹp do Tạp chí National Geographic bình chọn. Là một kỹ sư công nghệ, Trần Tuấn Việt đến với nhiếp ảnh từ sự yêu thích, rồi tự mày mò khám phá. Anh chia sẻ: “Để thành công trong nhiếp ảnh thì mỗi người cần trau dồi kỹ thuật, mở mang tư duy mỹ thuật, tích lũy kiến thức xã hội. Đặc biệt, người cầm máy phải thoát khỏi lối mòn, luôn làm mới mình trong từng bức ảnh”. Tác phẩm “Swan lake” của anh là một trong 4 giải Vàng mà chủ nhà giành được trong cuộc thi năm nay. Đó là khoảnh khắc Tuấn Việt chụp người bạn diễn viên ballet của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam bằng kỹ thuật stroboscopic (một dạng chụp phơi sáng), khiến người xem ngỡ như đứng trước một bộ phim với nhân vật đang chuyển động.

Ở hạng mục “Phong cảnh”, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á đoạt giải Vàng VAPA (Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam) với tác phẩm “Tuyệt vời đảo Trường Sa”. Cái khác biệt là bức ảnh chụp Trường Sa của Nguyễn Á còn có tiền cảnh là một chiếc máy bay của Việt Nam - thêm ý nghĩa khẳng định chủ quyền. Phải thật kiên trì và có tầm nhìn thì nghệ sĩ mới “chớp” được khoảnh khắc ấy.

Nhìn chung, với hơn 400 ảnh được chọn để triển lãm, chất lượng ảnh của cuộc thi năm nay khá cao. Cuộc thi cũng ghi danh nhiều “tay máy” nước nhà chịu tìm tòi như Vũ Duy Bội, Trần Văn Yên, Nguyễn Văn Đông, Bùi Viết Đồng, Thái Tôn Hạo, Vũ Quang Ngọc, Hoàng Thu Hương, Nguyễn Thanh Hải, Phó Bá Cường…

Vẫn cần sự mạnh dạn đột phá

Trong số tác giả quốc tế, đặc biệt gây ấn tượng là nữ nhiếp ảnh gia Alla Sokolova - người gửi ảnh tới cuộc thi từ Pháp. Bà tham gia với 16 tác phẩm ở cả 4 chủ đề, và có 11 tác phẩm được chọn triển lãm. Sokolova đoạt 5 giải thưởng chính, gồm 2 giải Vàng, 1 giải Bạc và 2 giải Đồng, đồng thời nhận Huy hiệu xanh của FIAP dành cho tác giả xuất sắc nhất cuộc thi. Bức “Papa Carlo” là chân dung một ông già với góc nhìn mới - qua tấm kính còn đọng nước. Bức “Relationship” là khoảnh khắc vừa “động” vừa “tĩnh” với hai nhân vật chú gấu trắng và em bé, mang ý nghĩa nhân sinh. Các bức ảnh khác của bà cũng khiến người xem phải dừng mắt thật lâu.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lý Hoàng Long nhận định: “Các tác giả nước ngoài có sự trau chuốt trong từng tác phẩm. Và đặc biệt là họ có chiến thuật rõ nét: Với cuộc thi ở Việt Nam, họ thường chọn đề tài và phong cách mà ta ít thấy”. Vị giám khảo này cũng phân tích thêm: Ảnh của các tác giả chủ nhà có chất lượng tốt, đồng đều nhưng trùng lặp ý tưởng khá nhiều. Một cuộc thi “khốc liệt”, có sự tham gia của nghệ sĩ thuộc hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ như VN-17 thì giám khảo luôn tìm cái mới, khác biệt. Chính vì vậy, những ảnh có đề tài na ná tác phẩm đoạt giải ở những mùa trước sẽ bị loại. Ngoài nội dung thì cách thức thể hiện ảnh bằng thiết bị flycam của nhiều tác giả Việt Nam khiến Hội đồng Giám khảo “bội thực”.

Cũng trên cương vị giám khảo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đồng Đức Thành đánh giá: “Kỹ thuật nhiếp ảnh của nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế không khác biệt, nhưng góc nhìn của chúng ta "hơi hiền", trong khi các nghệ sĩ quốc tế luôn mang đến sự ngạc nhiên trong từng bức ảnh. Chính vì vậy, VN-17 là cơ hội để chúng ta nhìn thấy mình đang ở đâu so với thế giới".

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lý Hoàng Long lưu ý, sự đầu tư, mạnh dạn dấn thân của nghệ sĩ là những yếu tố cần có để tạo nên những bức ảnh ấn tượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín hiệu mới của nhiếp ảnh Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.