Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kịch Lưu Quang Vũ trở lại gần gũi

Thụy Du| 21/01/2018 07:50

(HNM) - Đã có ít nhất 3 bản dựng vở kịch “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” của cố tác giả Lưu Quang Vũ được phổ biến đến nay...



Trong số hơn 50 vở kịch mà Lưu Quang Vũ để lại, duy nhất “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” là kịch bản mang yếu tố giả tưởng. Ba nhân vật Hoàng, Liên và Vân đã có một thời đầy ắp kỷ niệm với bông cúc xanh trên đầm lầy giữa miền quê yên ả. Nhưng đó chỉ là quá khứ, còn lớn lên, mỗi người một số phận. Ngày Hoàng cầu hôn Liên cũng là ngày Liên gửi đến Hoàng thiệp cưới của cô và Vân. Không chấp nhận sự thật, lại quen ý muốn điều khiển người khác, Hoàng chế tạo ra hai người máy mang hình dáng và những tính cách tốt đẹp của Liên và Vân. Những rắc rối xảy đến khi hai người máy bước vào đời thực. Hoàng vẫn không có được tình yêu của Liên dù cô là người thật hay người máy. Vợ chồng Liên gặp nhiều trở ngại từ những vụn vặt đời thường trong việc giữ gìn hạnh phúc. Và hai người máy với lập trình đầy phẩm chất tốt đẹp khó hòa nhập với cuộc sống hiện thực... Họ đều không được thỏa mãn, không thấy hạnh phúc. Làm thế nào để sống hạnh phúc là câu hỏi mà tác giả để lại cho mỗi người tự luận, tự tìm tòi và chiêm nghiệm trong suốt vở kịch.

Một lần nữa tác giả Lưu Quang Vũ lại khẳng định tài năng dự báo và truyền đi thông điệp xuyên thời đại của mình. Câu chuyện tưởng tượng về những người máy y hệt người thật mà tác giả đặt bút viết hơn 30 năm trước trong bối cảnh hôm nay vẫn hợp lý. Những thông điệp về hạnh phúc không thể có bằng tham vọng chiếm đoạt hay sự ích kỷ, hẹp hòi vẫn cần cho mọi người trong thời đại này.

Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Đình Nghi đã từng có bản dựng “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” cho Đoàn Kịch nói Hải Phòng ngay khi tác giả mới viết xong kịch bản. Năm 2000, Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Kỷ dựng tác phẩm này cho các diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam. Mỗi bản đều mang dấu ấn cá nhân của từng đạo diễn và đã nhận được sự hưởng ứng. Là người đi sau, lại lần đầu đạo diễn một vở kịch nhưng Sĩ Tiến đã cho thấy sự chắc tay và triển vọng của một người tiếp bước con đường dàn dựng chông gai. “Dù thông điệp còn nguyên giá trị nhưng bối cảnh vở kịch đề cập là thời kỳ bao cấp khá khác biệt với cuộc sống hiện đại. Vì vậy, chúng tôi đã biên tập lại, đưa không khí và chi tiết mang màu sắc hôm nay vào tác phẩm để hấp dẫn khán giả trẻ”, đạo diễn Sĩ Tiến chia sẻ.

Đạo diễn và ê kíp đã tạo nên một bản dựng mềm mại, giữ nguyên được sự lãng mạn của chất kịch Lưu Quang Vũ, thông qua những câu thoại giàu chất thơ của các nhân vật. Chiếc áo mới khoác lên vở kịch đó chính là cách thiết kế sân khấu đơn giản, đưa đạo cụ là các thiết bị thật lên sân khấu như hệ thống đường ống, máy móc điện tử, máy hàn… Đặc biệt, những chi tiết, khẩu ngữ vui đang thịnh hành của giới trẻ hay những pha hài nhẹ nhàng được cài vào vở kịch khéo léo đã lấy được tiếng cười của khán giả. Đây cũng là vở kịch hiếm hoi trong làng sân khấu mà diễn viên được bộc lộ ở hai vai - hai tính cách. Thanh Sơn (vai Nguyễn Vân) và Thu Trang (vai Thùy Liên) đã chứng tỏ khả năng “lột xác” khi diễn đan xen là người thật và người máy. Chỉ cần một vòng di chuyển qua mô hình đạo cụ với động tác hất tóc, đội mũ, khoác áo... các nhân vật đã được đổi vai. Điều này cũng khiến vở diễn không bị gián đoạn, liên tục hút mắt khán giả.

"Hoa cúc xanh trên đầm lầy" còn có sự tham gia của các diễn viên Quang Ánh, Tú Oanh, Nguyệt Hằng, Bá Anh, Anh Tuấn... Họ cùng đứng trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ nhiều năm nên diễn nhuyễn và có duyên. Còn để tạo nên một dấu ấn nhất định trên sân khấu thì lứa diễn viên trẻ trong các vai chính là Chí Huy - Thu Trang - Thanh Sơn (kíp 1), Thanh Bình - Thu Quỳnh - Phan Thắng (kíp 2) cần thêm thời gian để “ngấm” nhân vật của mình.

Cùng với “Nhà Ô sin”, “Lời thề thứ 9”, “Ai là thủ phạm”, “Mùa hạ cuối cùng”, vở “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” là sự tiếp nối loạt vở diễn dựa trên kịch bản Lưu Quang Vũ thành công của Nhà hát Tuổi trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kịch Lưu Quang Vũ trở lại gần gũi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.