Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Đưa Quy tắc ứng xử vào hoạt động tổ chức lễ hội

Hoàng Lân| 02/02/2018 17:06

(HNMO) - Chiều nay (2-2), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì cuộc họp với Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội cùng các địa phương về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018.

TP Hà Nội đẩy mạnh việc tuyên truyền Quy tắc ứng xử vào hoạt động tổ chức, quản lý lễ hội.


Hà Nội có 1.206 lễ hội: Quản sao cho hiệu quả

Theo số liệu kiểm kê mới nhất, Hà Nội có 1.206 lễ hội với quy mô nhỏ khác nhau, diễn ra tập trung vào mùa xuân, trong đó có những lễ hội lớn “nức tiếng” cả nước về quy mô, bề dày truyền thống và những nét đẹp về giá trị văn hoá như: Hội gò Đống Đa, hội Gióng, hội đền Cổ Loa, hội đền Hai Bà Trưng, hội chùa Hương, hội chùa Thầy, hội chùa Tây Phương, hội đền Và… Đặc biệt, lễ hội chùa Hương kéo dài 3 tháng, thu hút hàng vạn du khách trảy hội.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng BTC lễ hội chùa Hương cho biết, năm nay lễ hội chùa Hương đã triển khai đồng loạt nhiều phương án.

“Chúng tôi cam đoan, vấn đề vệ sinh môi trường luôn được đảm bảo vì thường xuyên tổ chức vớt rác trên suối Yến. Về hàng quán, năm 2014 trở về trước đúng là có hiện tượng treo thịt động vật như dê, bò nhưng từ năm 2015 trở đi, tình trạng này không còn. Chúng tôi đã đề nghị các hộ kinh doanh, sơ chế đồ ăn và cho bày trong quầy chứ không treo như trước, gây phản cảm. Tôi cũng khẳng định, chùa Hương không treo thịt thú rừng mà đó là thịt của những loại động vật nuôi”, ông Nguyễn Văn Hậu cho biết.

Năm nay, điểm “nóng” nhất của lễ hội Hà Nội là lễ hội đền Sóc. Ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng BTC lễ hội đền Sóc cam đoan, năm nay với hình thức “tất lộc” mới, sẽ khó có thể xảy ra tình trạng tranh cướp lộc. Theo ông Lê Hữu Mạnh, sau khi rước giò hoa tre, trầu cau lên đền Thượng sẽ lập tức đưa vào hậu cung làm lễ. Sau đó, BTC tiến hành “tất lộc” ở đền Thượng, khi công chúng vào lễ thì xin lộc.

“Ngày thường, chúng tôi vẫn để giò hoa tre ở khu vực làm lễ, có những ngày chúng tôi đã tiến hành phát lộc cơm chay và không có hiện tượng tranh cướp. Chúng tôi tin, với sự chuẩn bị kỹ lần này, sẽ không có hiện tượng cướp lộc, tranh giành như những năm trước”, Trưởng BTC lễ hội đền Sóc khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý chỉ đạo việc tổ chức lễ hội trên địa bàn Hà Nội.


Với những lễ hội ít “nóng” hơn cũng cho biết đã chuẩn bị kỹ những phương án và kế hoạch tổ chức. BTC lễ hội Cổ Loa (Đông Anh), lễ hội Hai Bà Trưng (Mê Linh), lễ hội đền Và (Sơn Tây)… khẳng định, vấn đề tập trung nhất là giữ gìn vệ sinh môi trương, cảnh quan, bố trí các nhà vệ sinh công cộng, an toàn thực phẩm. Những công việc này đã được hoàn tất và các đoàn thanh kiểm tra thường xuyên kiểm tra trước, trong và sau lễ hội.

Đối với những lễ hội nội thành, công tác chuẩn bị cũng đã hoàn tất. Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, trên địa bàn quận có 15 lễ hội, nhưng có hai lễ hội lớn nhất là phủ Tây Hồ và chùa Trấn Quốc. Hiện nay, vấn đề được quan tâm nhất là việc trông giữ xe. UBND quận đã làm việc với một doanh nghiệp, bảo đảm trông giữ xe miễn phí đến hết ngày mùng 6, ngoài mùng 6 doanh nghiệp này sẽ thu theo quy định.

Nhấn mạnh thêm về công tác quản lý lễ hội của Hà Nội, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội đề nghị, ngoài công việc chuẩn bị lễ hội theo đúng kế hoạch, các quận, huyện cần chú ý việc di dời những sinh vật ngoại lai như sư tử đá ra khỏi di tích, tuyệt đối không nhận công đức bằng đồ thờ của các gia đình. Một trong những vấn đề cần đặc biệt chú ý là, các di tích cần phải quản lý việc trình diễn hầu đồng trong khuôn viên di tích.

“Việc UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản phi vật thể nhân loại là điều đáng mừng. Tuy nhiên, các địa phương cũng nên chú ý, di tích ở địa phương phù hợp cho việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu thì phải báo cáo cho phường, xã, sau đó là báo cáo cho quận, huyện để quản lý, tránh tình trạng tổ chức hầu đồng tràn lan, ví như có năm chùa Một Cột tổ chức hầu đồng là không đúng với tín ngưỡng”, ông Trương Minh Tiến bày tỏ.

Đưa Quy tắc ứng xử hoạt động tổ chức lễ hội

Trước vấn đề quản lý lễ hội của TP Hà Nội, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội đề nghị, công việc quản lý cần phải có sự vào cuộc của liên ngành, và các địa phương. Việc thanh kiểm tra được tiến hành thường xuyên, đặc biết là trước lễ hội.

“Năm nay, Sở VH-TT Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền Quy tắc ứng xử trong hoạt động lễ hội. Mỗi người dân ứng xử văn minh, lịch sự ở nơi công cộng là góp phần làm đẹp thêm cho lễ hội. Chúng tôi sẽ cho tiến hành dán những khẩu hiệu, nội quy tại các di tích để người dân khi nhìn thấy có thể ý thức hơn trong hành vi của mình”, ông Tô Văn Động cho biết.

Phát biểu kết luận tại hội nghị Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị trong năm 2018, các sở ngành, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, lĩnh vực liên quan. Phó Chủ tịch cũng giao các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể về các nội dung đến công tác quản lý, tổ chức lễ hội nhất là việc an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, phòng chống cháy nổ...

Đồng chí Ngô Văn Quý nhấn mạnh, Sở VH-TT phối hợp với các quận, huyện, thị xã, BTC các lễ hội triển khai tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi cộng cộng tại nơi diễn ra lễ hội. Tiến hành dựng biển bảng phổ biến nội dung quy tắc ở những điểm ra vào di tích. Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý nhấn mạnh, công tác quản lý lễ hội phải khắc phục được những điểm yếu trong năm 2017, đảm bảo một mùa hội an toàn, văn minh trong năm 2018.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, công tác quản lý lễ hội năm 2017 đã có có nhiều tiến bộ. Các lễ hội đã được đảm bảo an toàn, tiết kiệm, lành mạnh, tôn vinh được bản sắc của văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến. Tuy nhiên, công tác tổ chức lễ hội vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Vệ sinh môi trường nhiều nơi còn nhếch nhác, thiếu thùng rác công cộng; công tác phân giao thông ở một số địa bàn còn chưa hợp lý nên xảy ra ùn tắc cục bộ.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị các đơn vị phải chú ý vấn đề này, bổ sung đặt thêm các thùng rác, nhà vệ sinh công cộng để đáp ứng nhu cầu của lượng lớn người dự hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Đưa Quy tắc ứng xử vào hoạt động tổ chức lễ hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.