Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa mãi nét đẹp người Hà Nội!

Vũ Ngân| 17/02/2018 08:55

(HNM) - Thấm thoắt đã hết năm Đinh Dậu. Tháng Chạp, với vẻ rất riêng, chạm vào từng nhà, trong nhà ngoài phố bắt đầu râm ran chuyện đón Mậu Tuất về. Chuyện ăn, chuyện mặc, chuyện làm đẹp, mua những gì cho ba ngày Tết, năm sớm dự định đi những đâu...

Tinh thần vì dân phục vụ ngày càng lan tỏa rộng khắp ở các cơ quan hành chính.Trong ảnh: Bộ phận “một cửa” UBND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: thanh hải

Những người sống ở Hà Nội đủ lâu luôn gặp lại cảm giác dễ chịu ấy mỗi khi Tết đến. Chuyện cũ về theo xuân, trong bữa cơm đoàn tụ, những nghi thức nghênh đón thời khắc Giao thừa. Tôi nhớ cảm giác đó vì có anh bạn trên phố Hàng Đào, nhà mẫu tứ đại đồng đường, dưới anh là hai con và bề trên là ông bà, bố mẹ. Bà nội anh những năm trước tuổi đã cao, Tết đến ngồi trên trường kỷ quan sát con cháu sắm sanh lễ lạt, thứ nào thức nấy theo nếp cũ, cấm có được sai tý nào. Cỡ mùng Hai lên nhà chúc Tết, hầu như năm nào cũng được nghe bà nói chuyện xưa, gia tiên, lễ giáo, đi đứng, nói năng, ăn mặc thế nào cho phải. Cỡ chúng tôi lúc ấy chưa chớm trung niên, sinh ra lớn lên ở đất này mà nghe bà nói nhiều điều cũng không hiểu hết được… Sau này, đời sống thị dân khác đi, nhu cầu tiện nghi rõ hơn, gia đình bạn bán nhà trên phố và chuyển về Mỹ Đình. Tôi được gặp bà thêm vài lần nữa, dịp Tết vẫn thấy bà nói chuyện xưa nhưng cảm giác không còn như hồi trên phố, đã loãng đi nhiều, cỗ bàn cũng phiên phiến chứ không kỹ càng như trước.

Nói qua chỉ có vậy, điều đáng kể là câu chuyện có tính đại diện cho đa số gia đình Hà Nội thuở trước. Dịp giỗ Tết bao giờ bên món ngon cũng là những lời răn dạy về ứng xử, giao tiếp, ngồi ăn ra sao, mời khách như thế nào, vì sao mà đừng nói to, đừng nhai chọp chẹp… Nếp nhà chuẩn chỉ nên ra đường từ tốn hơn bây giờ.

Quãng năm 2005, Hà Nội tổ chức hội thảo quốc tế chuyên đề “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Hôm đó trước ngày kỷ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội, đất Thủ đô chưa dài rộng như bây giờ nhưng “phong trào từ làng lên phố” đã rầm rộ, đất đã “chật” rồi. Nhiều vấn đề văn hóa đã rõ hệ lụy, cần có sự chấn chỉnh, bắt đầu từ việc làm rõ lại một lần nữa về nét thanh lịch của người Hà Nội để rồi tuyên truyền, vận động cư dân thay đổi thói quen ứng xử, giao tiếp đang dần khác với chuẩn mực. Hội thảo một ngày, ba mươi mấy tham luận, đi đến thống nhất về nét đặc trưng nếp sống, lối sống, phong cách Hà Nội. Đại ý là ở đó có chất hàn lâm, trí tuệ, tài tử, kẻ sĩ, chừng mực, nghĩa khí…, đâu như bảy, tám đặc điểm và thanh lịch, văn minh là một trong số đó. Những nét hay đẹp được hình thành và bồi đắp qua bao đời, trên cơ sở đặc trưng văn hóa vừa có tính đặc thù vừa mang nét phổ biến, đủ sức dung nạp, tiếp thu hay thải loại sự hay sự dở ở những gì được mang về Thủ đô. Sau hội thảo, nhiều thứ rõ ra. Từ những gì đã được “tổng kết”, liên hệ với điều đã trải qua, cư dân Hà Nội vỡ ra thêm về giá trị cốt lõi mà có lúc mình không coi trọng đầy đủ.

*
* *

Đất đế kinh, Thủ đô một nước, Hà Nội hẳn nhiên chịu sức ép lớn hơn nhiều nơi khác. Thời kinh tế thị trường, giao thương cởi mở, con người như chim, mới trên cành này lát sau đã sang cây khác. Người tứ xứ đổ về Thủ đô, mang theo ước mơ hoài bão và cả thói quen ngấm vào xương tủy, cách ứng xử hay có mà lọc ra không thiếu sự dở. Trăm thứ riêng - khác - lạ theo dòng chuyển cư từ làng lên phố, hòa vào đời sống Hà Nội, có nét khác lạ bật ra sau quá trình va đập, để lại những gì có thể dung hòa với lối sống, nếp sống ở nơi “nhất lịch, nhất sắc, Kinh kỳ Thăng Long”. Nhưng rồi tốc độ đô thị hóa quá nhanh, đúng lúc kinh tế thị trường phát tác không ít hệ lụy, ảnh hưởng đến nếp sống, lối sống. Hệ quả là cả văn hóa học đường, văn hóa giao thông, văn hóa gia đình, cách ứng xử ở nơi công cộng…, nhìn vào đâu cũng thấy có vấn đề cả.

Hội thảo quốc tế “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” có lẽ là sự mở đầu cho một giai đoạn mà TP Hà Nội hướng mạnh vào chấn chỉnh kỷ cương, lề lối ứng xử. Tính bài bản, sự quyết liệt rõ hơn từ những năm đầu thế kỷ XXI. Kế thừa kết quả đạt được của giai đoạn trước, Thành ủy Hà Nội đề ra Chương trình 04-CTr/TU, ngày 26-4-2016, và UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 165/KH-UBND, ngày 31-8-2016, về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”. Phía sau văn bản là 64 nhiệm vụ, 19 chỉ tiêu, 42 đề án, dự án được triển khai, mở ra cơ hội phát triển trong nhiều lĩnh vực, trong đó, về văn hóa ứng xử có Đề án xây dựng quy tắc điều chỉnh hành vi ở nơi công cộng và trong các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội.

Trong hai văn bản này, “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội” được UBND TP Hà Nội ban hành ngày 25-1-2017, thông qua Quyết định số 522/QĐ-UBND; “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội” được UBND thành phố ban hành ngày 10-3-2017, tại Quyết định số 1665/QĐ-UBND. Khả năng điều chỉnh hành vi rất rõ, căn cứ vào các điều khoản về chuẩn mực giao tiếp của cán bộ với nhân dân, chuẩn mực ứng xử tại cơ quan, trong gia đình và ở nơi cư trú; cách ứng xử cần có của mỗi công dân trên đường phố, khi tới cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, vào rạp hát, bảo tàng, thư viện hay đến công viên...

Đã qua một năm các quy tắc ứng xử đi vào cuộc sống. Thành quả ban đầu đã có, thể hiện ở việc kỷ cương nội vụ, thái độ tiếp dân, chất lượng công vụ trong các cơ quan công quyền được nâng cao một bước. Chuẩn mực ứng xử nơi công cộng dần hình thành trong nếp nghĩ của cư dân, góp phần nâng cao ý thức giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa, ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng… Ghi nhận thành công ban đầu nhưng cũng lưu ý những mặt hạn chế trong công tác triển khai thực hiện quy tắc ứng xử, nhất là về sự chậm trễ trong việc hoàn thiện và đưa vào áp dụng chế tài xử lý vi phạm rõ sức răn đe; mô hình tốt, cách làm hay còn ít; bạo lực gia đình, thái độ ứng xử với dân, với đồng nghiệp của một số cán bộ còn không đúng với chuẩn mực...

Thanh lịch, văn minh có nội hàm rộng, là sự tích hợp nét đẹp về nhân cách, phong cách… chứ không chỉ thể hiện qua hành vi cụ thể. Bởi vậy, xây dựng văn hóa ứng xử là việc lâu dài, “mưa dầm thấm lâu”, không thể nóng vội và không thể thực hiện một cách máy móc. Những chuẩn mực ứng xử có thể được phân nhóm, lồng ghép với nội dung triển khai thực hiện chủ đề năm 2018 "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị". Trong quá trình triển khai, cần ưu tiên đưa nội dung phù hợp vào nhà trường, tổ chức Đoàn Thanh niên nhằm nâng cao ý thức và sự hiểu biết của lớp trẻ về vấn đề này. Cách thức tuyên truyền cũng cần có sự sáng tạo, không chỉ treo băng rôn, khẩu hiệu hay phát hành tài liệu tuyên truyền mà cần huy động sự tham gia của các văn nghệ sĩ. Hiệu quả là rất lớn, như có thể thấy qua cuộc thi và Triển lãm ảnh “Người Hà Nội ứng xử văn minh, thanh lịch 2017” - do Báo Hànộimới phối hợp với Sở VH-TT Hà Nội tổ chức. Những bức ảnh và ca khúc “Công dân văn minh” mà nhạc sĩ Quỳnh Hợp sáng tác riêng cho cuộc thi này có tác động điều chỉnh hành vi rõ nét...

Về vấn đề này, vào cuối năm Đinh Dậu, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo kế hoạch tuyên truyền thực hiện hai quy tắc ứng xử, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã nêu rõ định hướng tuyên truyền: Thứ nhất, trong năm 2018, đối tượng chính là thanh niên, cán bộ, công chức, khu dân cư. Tuyên truyền tốt trong trường học là gốc của vấn đề, bởi để trẻ em định hình tính cách rồi thì rất khó thay đổi. Tại cơ sở, địa bàn chính là tổ dân phố, thôn, xóm, xã, phường, và nhất thiết phải đến các khu chung cư. Thứ hai, công tác tuyên truyền phải mang tính đồng bộ, cả về nội dung quy tắc và chế tài, gắn với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, trách nhiệm của người đứng đầu. Hình thức tuyên truyền đa dạng, có sự tham gia của các cơ quan truyền thông, giới văn nghệ sĩ, sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả nhằm lên án cái xấu, cổ vũ những điều hay, nói lại những gì còn chưa được phản ánh rõ ràng…

Năm Mậu Tuất 2018 đang tới, chỉ mong kế hoạch thực hiện hai quy tắc ứng xử nêu trên thu được kết quả lớn hơn. Để từ đó, những phẩm chất tốt đẹp của người Hà Nội kết tinh qua bao đời được vun đắp mãi lên và lan tỏa rộng khắp!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa mãi nét đẹp người Hà Nội!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.