Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người Hà Nội hào hoa và quả cảm

PGS .TS Nguyễn Văn Nhật| 17/02/2018 15:15

(HNM) - Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, người Hà Nội đã tạo cho mình những phẩm chất riêng, đó là phẩm chất hào hoa, thanh lịch, những phẩm chất được hun đúc từ trí tuệ, đạo đức của nhiều thế hệ người Hà Nội và là sự kết tinh tinh hoa của cư dân mọi miền đất nước hội tụ về Thủ đô.

Không những vậy, với vị trí là kinh đô của nhiều triều đại và Thủ đô của nước Việt Nam độc lập, Hà Nội luôn phải đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh, vì còn Thủ đô là còn đất nước. Chính sứ mệnh lịch sử vẻ vang đó đã tạo dựng nên một Hà Nội Anh hùng, Hà Nội của những con người quả cảm. Hà Nội đã trở thành nơi hội tụ và lan tỏa văn hóa, văn minh Việt Nam.

1. Từ ngàn xưa, khi nói đến Hà Nội, người ta thường nghĩ đến vùng đất văn hiến, vùng đất của những con người hào hoa và thanh lịch. Câu ca “chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” đã trở thành câu “chốt” để nói về tính cách người Hà Nội. Chất hòa hoa, thanh lịch thể hiện ở sự tài hoa, tao nhã, khéo léo và sành điệu trong cuộc sống; tính chất phóng khoáng, lịch duyệt, quân tử, tinh tế, coi trọng cái đẹp và luôn sáng tạo trong cuộc sống. Tính hào hoa, phong nhã biểu hiện hằng ngày trong cách ăn mặc, đi đứng, nói năng, ứng xử và cả trong văn hóa ẩm thực.

Với tư cách là cư dân của vùng đất kinh đô-Thủ đô, chất trí tuệ và hàn lâm được coi là nét đặc trưng nổi bật của người Hà Nội. Người Hà Nội tự hào khi có Tháp bút “tả thanh thiên” bên hồ Hoàn Kiếm lịch sử và huyền thoại; có Văn Miếu - Quốc Tử Giám với Khuê Văn Các, nhà bia Tiến sĩ; có Hoàng thành Thăng Long và Thành cổ Hà Nội, nơi được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu và Di sản văn hóa thế giới.


Ảnh tư liệu Ảnh tư liệu


Người Hà Nội giàu nghĩa khí và tính kẻ sĩ mà biểu hiện cao độ của tính cách này là lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và lòng tự trọng, không chịu khuất phục trước mọi kẻ thù cũng như mọi khó khăn, thách thức.
Cũng vì mang tính chất trí tuệ và hào hoa, người Hà Nội luôn có tính chừng mực, vừa phải. Người Hà Nội nhìn chung ít rơi vào cực đoan, quá khích, không hàm hồ, ảo tưởng, quá tham vọng, coi trọng bình an và ổn định.

Được hun đúc từ hàng nghìn năm, người Hà Nội luôn có lòng nhân ái, chuộng hòa bình và hòa đồng với cộng đồng dân cư và với các cư dân từ nơi khác đến. Với tư cách là dân kinh đô - Thủ đô, nơi hội tụ của bốn phương, người Hà Nội luôn mở rộng lòng tiếp nhận những con người và nền văn hóa của đất nước và thế giới, coi trọng hòa bình và hòa hợp để cùng chung sống và phát triển.

Do là đất kinh đô nghìn năm văn hiến và từng là thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp, rồi Thủ đô của nước Việt Nam độc lập, người Hà Nội chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, rồi tư tưởng Pháp quyền phương Tây nên luôn mang trong mình tính tôn ti trật tự, tính kỷ luật, tôn trọng pháp luật. Tính cách đã được hình thành sớm và trở thành đặc tính của cư dân thành thị, cư dân của Thủ đô - trung tâm chính trị - hành chính, văn hóa của đất nước.

Là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, Thăng Long - Đông Đô đã sinh ra những danh nhân làm rạng danh đất nước như “Thần” Nguyễn Văn Siêu, “Thánh” Cao Bá Quát, chí sĩ Ngô Thì Nhậm; “Người Thầy của muôn đời” Chu Văn An, “bảy lần dâng sớ” rồi từ quan về làm nghề dạy học; có Nguyễn Trãi - “vì sao Khuê trên bầu trời Thăng Long”, danh nhân văn hóa Thế giới; có các vị tướng văn võ song toàn để lại huyền thoại thơ “Nam quốc sơn hà, nam đế cư...” như Lý Thường Kiệt, hay bản “Hịch tướng sĩ” nổi tiếng của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn...

Như vậy, qua hàng nghìn năm lịch sử, người Hà Nội đã tạo cho mình một chất riêng, chất trí tuệ và hàn lâm; tính kẻ sĩ, hào hoa, phong nhã; tính chừng mực, vừa phải; chất nghĩa khí, giàu lòng nhân ái và yêu chuộng hòa bình; tính tôn ti trật tự, kỷ luật, tôn trọng pháp luật. Đó là những nét đặc trưng, tính cách đẹp, những giá trị văn hóa riêng, đáng tự hào của người Hà Nội.

2. Năm 1945, theo tiếng gọi của Đảng và với lòng yêu nước, ý chí độc lập, nhân dân Hà Nội đã đứng lên làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước của dân, vì dân và do dân.

Nước Việt Nam tuyên bố độc lập chưa được bao lâu thì thực dân Pháp tiến hành tái chiếm Việt Nam. Dân tộc Việt Nam lại phải bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Ngày 19 tháng 12 năm 1946, tiếng súng Pháo đài Láng đã nổ, mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm. Hà Nội trải qua 60 ngày đêm khói lửa, kìm chân Pháp để Trung ương và lực lượng kháng chiến rút lên Việt Bắc.
Ngày xưa “Thăng Long phi chiến địa”, nay đã trở thành nơi đọ sức quyết liệt mang tính sống còn đối với Nhà nước Việt Nam mới.

Người Hà Nội hào hoa đã tạm cất bút nghiên và cây đàn, đào hầm khắp phố phường, đem bàn ghế, giường tủ… chặn địch khắp các ngả. Người Hà Nội chế bom ba càng và ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch, người Hà Nội đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. “Hà Nội cháy, khói lửa ngút trời… Hà Nội vùng đứng lên”, Hà Nội mùa Đông năm 1946 đã đi vào lịch sử với đầy sự hy sinh và lòng quả cảm.

Từ năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và mở rộng đánh phá ra miền Bắc. Quân và dân Hà Nội lại cùng cả nước đứng lên “sục sôi đánh Mỹ”.

Lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam cũng như lịch sử thế giới hiện đại đã ghi nhận chiến thắng vĩ đại của quân và dân Hà Nội trong việc đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không của Mỹ 12 ngày đêm từ 18 đến 30 tháng 12 năm 1972. Trong chiến dịch “Sấm rền” hòng “đưa Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá”, riêng tại Hà Nội, Mỹ đã huy động 441 lượt máy bay B52 cùng hàng nghìn lượt máy bay chiến thuật, ném hơn 10.000 tấn bom hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, gần 100 nhà máy, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết hại 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác; trong đó khủng khiếp nhất là những trận bom trút xuống phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, khu tập thể An Dương, Ga Yên Viên, xã Uy Nỗ...

Để đối phó với cuộc tập kích chiến lược của Mỹ, chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân Hà Nội đã xây dựng hệ thống giao thông hào dài 45.000km, 5.600 hầm tập thể, hơn 60 vạn hố cá nhân, bảo đảm đủ trú ẩn cho 90 vạn người. Hà Nội đã huy động khoảng 54.000 chiến sĩ với trên 500 súng trung liên, đại liên, súng máy, bố trí ở 295 trận địa trong cả nội thành và ngoại thành để phối hợp cùng các đơn vị của Quân chủng Phòng không - Không quân đánh máy bay Mỹ.

Trong 12 ngày đêm, quân và dân Hà Nội cùng các đơn vị bộ đội và nhân dân các địa phương khác bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 siêu pháo đài bay B52, bắt sống 43 giặc lái. Riêng quân và dân Hà Nội đã bắn rơi 30 máy bay, trong đó có 23 máy bay B52, đóng góp xuất sắc làm nên chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc chính quyền Mỹ phải tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc, tiếp tục đàm phán và ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27 tháng 1 năm 1973.

Trong 12 ngày đêm khói lửa đó, “hào khí Thăng Long” đã “sáng lên ngời ngời”, làm nên “Điện Biên mới oai hùng”. Siêu pháo đài B52 của Mỹ đã bị “Rồng lửa Thăng Long” thiêu cháy, rơi nhiều nơi trên đất Hà Nội như ở xã Phù Lỗ, xã Xuân Giang huyện Sóc Sơn; xã Vạn Thắng huyện Ba Vì; xã Tam Hưng huyện Thanh Oai; xã Yên Thường huyện Gia Lâm; xã Định Công huyện Thanh Trì (nay là quận Hoàng Mai), và rơi ngay xuống hồ Hữu Tiệp, làng Ngọc Hà quận Ba Đình, khu vực trung tâm Hà Nội.

Với tính cách hào hoa và quả cảm, ngay sau khi dứt tiếng bom và ngưng tiếng súng, người Hà Nội lại nghe “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”, người Hà Nội vẫn bước đi với “lòng ung dung tự hào” và hoa Ngọc Hà vẫn khoe sắc bên xác pháo đài bay B52.

Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã khẳng định: “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không mãi mãi là niềm tự hào bất diệt, một biểu tượng rực rỡ của hào khí Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến anh hùng trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh”.

3. Nói đến Hà Nội, không phải chỉ người Việt Nam mà bạn bè quốc tế đều thừa nhận: Hà Nội văn hiến, hòa bình và anh hùng. Nói đến người Hà Nội, là nói đến con người hào hoa, thanh lịch và quả cảm.

Hiện nay khi đất nước đang tiến hành sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vấn đề đô thị hóa và kinh tế thị trường đã ảnh hưởng nhất định đến phẩm cách tốt đẹp vốn có của người Hà Nội.

Để thích nghi và phù hợp với yêu cầu mới của đất nước, người Hà Nội phải tự chuyển mình, phải tạo cho mình tư duy và nếp sống đô thị, nếp sống công nghiệp, để người Hà Nội không chỉ hào hoa, thanh lịch, quả cảm mà còn là người Hà Nội văn minh và hiện đại.

Trải qua nghìn năm, người Hà Nội đã làm nên một Thăng Long văn hiến, một Thủ đô Anh hùng. Nối tiếp và phát huy truyền thống của ông cha, thế hệ trẻ Hà Nội hiện nay đang có mặt trên mọi miền Tổ quốc, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, vươn lên nắm bắt và làm chủ công nghệ hiện đại để đưa Thủ đô và đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Trong chiến tranh, Hà Nội rực sáng với lưới lửa phòng không nhân dân, ngày nay Hà Nội sáng lung linh với ánh đèn trên những tòa cao ốc, trên những cây cầu hiện đại bắc qua sông Hồng. Hà Nội đã và sẽ mãi mãi là “niềm tin yêu hy vọng của núi sông hôm nay và mai sau”, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính, văn hóa và đối ngoại của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Hà Nội hào hoa và quả cảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.