Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì mùa lễ hội văn minh!

Thanh Thủy| 21/02/2018 06:46

(HNM) - Hôm nay, ngày 21-2 (mùng 6 tháng Giêng năm Mậu Tuất), tại một loạt di tích quan trọng trên địa bàn TP Hà Nội như chùa Hương (Mỹ Đức), đền Sóc (Sóc Sơn), đền Hai Bà Trưng (Mê Linh), đền Cổ Loa (Đông Anh)... diễn ra lễ khai hội xuân 2018.

Công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn TP Hà Nội ngày càng đi vào nền nếp.


Chủ động “đi trước lễ hội”

Ngay sau nghi lễ “Mở cửa rừng”, chùa Hương bước vào mùa lễ hội dài ngày nhất cả nước với hàng triệu lượt du khách hành hương, vãng cảnh. Theo thông tin từ Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2018, lượng du khách đổ về danh lam, thắng cảnh “nổi tiếng trời Nam” trong dịp đầu năm mới Mậu Tuất tăng đột biến: Từ hơn 1 vạn lượt người trong ngày mùng 1 Tết đến hơn 4 vạn lượt người trong ngày mùng 3 Tết, và sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tiếp theo. Tuy nhiên, nhờ chủ động triển khai kế hoạch được xây dựng từ nhiều tháng trước nên, đến nay, công tác quản lý và tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2018 diễn ra thuận buồm xuôi gió. Ban Tổ chức chưa phát hiện cũng như chưa nhận được thông tin phản hồi về hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong khu vực tổ chức lễ hội.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết: Từ rằm tháng Chạp năm Đinh Dậu, mọi phần việc chuẩn bị cho lễ hội đã được hoàn tất. Đoạn đường dẫn vào di tích được mở rộng; thuyền đò tham gia vận chuyển khách được kiểm tra kỹ về mức độ an toàn; suối Yến được khơi thông dòng chảy, hàng quán được quy hoạch, phân vị trí rõ ràng… Đặc biệt, năm nay, lực lượng ứng trực bảo đảm an ninh trật tự lễ hội được tăng cường nhằm siết chặt công tác quản lý, bảo đảm tốt việc kiểm soát vé tham quan thắng cảnh, phát hiện sớm hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu và xử lý nghiêm đối với những trường hợp chèo kéo, nhũng nhiễu, lừa đảo du khách... Cùng với hoạt động tuần tra liên tục của các tổ kiểm tra liên ngành, Ban Tổ chức còn niêm yết công khai số điện thoại của lãnh đạo huyện để du khách có thể liên lạc trực tiếp khi cần thiết.

Không chấp nhận để tái diễn tình trạng xô xát, ẩu đả, tranh cướp lộc, gây nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng của người tham gia lễ hội, Ban Tổ chức Lễ hội đền Sóc năm 2018 có sự đổi mới về thời gian cũng như nghi thức liên quan tới phát lộc hoa tre. Cụ thể, sau nghi thức tế lễ bắt đầu vào 6h45 (sớm hơn 1 giờ so với những mùa hội trước), phẩm vật dâng thánh sẽ được lưu lại đền Thượng để phát cho du khách vào khung giờ nhất định. Theo ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội đền Sóc năm 2018, sự điều chỉnh trong công tác tổ chức lễ hội sẽ giúp đẩy lùi hiện tượng tranh cướp lộc đầy tính bạo lực thường xuất hiện trong các mùa lễ hội trước đây, trả lại không gian linh thiêng, văn minh, an toàn cho người tham gia lễ hội. Trước những băn khoăn liên quan tới việc cải tiến hình thức tổ chức sẽ làm thay đổi tính chất lễ hội, ông Lê Hữu Mạnh giải đáp: Các thôn làng vẫn thực hiện đầy đủ nghi thức tâm linh, chỉ có một chút thay đổi về thời gian và hình thức phát lộc nên về cơ bản, tính chất lễ hội vẫn được bảo đảm. Thêm vào đó, việc đổi mới này không chỉ nhằm gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn ý nghĩa lễ hội mà còn góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của một bộ phận người dân, những người coi Lễ hội đền Sóc là nơi để tranh cướp lộc.

"Nói không" với bạo lực, phản cảm

Lễ hội chùa Hương - một điểm nhấn tiêu biểu về công tác quản lý, tổ chức lễ hội.Ảnh: Sơn Hà


Không chỉ ban tổ chức ở những nơi có lễ hội lớn, lễ hội nổi tiếng mới chủ động “đi trước” mùa lễ hội, năm nay, rất nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã rốt ráo chuẩn bị triển khai kế hoạch tổ chức, quản lý lễ hội từ sớm. Bên cạnh việc lên kế hoạch tổ chức thực hành nghi thức truyền thống, các địa phương đặc biệt lưu ý tới việc phân luồng giao thông, chống ùn tắc, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… Trước đó, Sở VH-TT Hà Nội đã tham mưu cho UBND TP Hà Nội lập đội kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm thời gian trước, trong và sau lễ hội; tổ chức gặp mặt đại diện chính quyền những địa phương có lễ hội lớn để bàn giải pháp khắc phục hạn chế trong mùa lễ hội trước cũng như lên phương án cho những vấn đề có thể nảy sinh. Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội khẳng định: Cơ quan quản lý kiên quyết “nói không” với hành vi bạo lực, phản cảm, những lễ hội không phải lễ hội truyền thống nên các địa phương cần có kế hoạch chủ động, cụ thể cho vấn đề này để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm. Các địa phương cần lưu ý kiểm tra, chấn chỉnh việc tổ chức hầu đồng không đúng quy định.

Không chỉ cần chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đã đề ra, theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, công tác phân công, phân cấp tổ chức và quản lý lễ hội cũng cần được thực hiện rõ ràng, bài bản. Những vấn đề tiêu cực, những hoạt động khơi dậy lòng tham như tranh cướp lộc, đốt vàng mã quá nhiều… cần được loại bỏ để trả lại ý nghĩa đích thực cho lễ hội.

Một mùa lễ hội đã bắt đầu. Mong rằng công tác quản lý lễ hội ở các địa phương được thực thi nghiêm túc, mỗi người dân tham gia lễ hội đề cao ý thức, trách nhiệm vì cái chung, vì cộng đồng. Được như vậy, mỗi lễ hội sẽ thực sự là điểm đến văn hóa, tín ngưỡng hấp dẫn cho du khách trong dịp đầu xuân Mậu Tuất 2018.

Trước đó, để công tác tổ chức và quản lý lễ hội năm 2018 đi vào nền nếp, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản 87/UBND-KGVX, ngày 8-1-2018 về việc thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018. Theo đó, Giám đốc Sở VH-TT, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phân công cán bộ trực tiếp theo dõi diễn biến trong các lễ hội trên địa bàn, đặc biệt là các lễ hội lớn, lễ hội nổi tiếng như Lễ hội Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Lễ hội chùa Hương, Lễ hội đền Hai Bà Trưng, đền Sóc, đền Cổ Loa, đền Và, Thăng Long Tứ trấn..; kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm quy định về tổ chức lễ hội.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì mùa lễ hội văn minh!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.