Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài trừ hủ tục, bồi đắp nếp sống văn minh

Thanh Thủy| 13/03/2018 06:51

(HNM) - Là sinh hoạt văn hóa gắn với phong tục, tập quán, việc cưới, việc tang, lễ hội trải bao đời được cộng đồng tiếp nối thực hành. Quá trình ấy góp phần gìn giữ giá trị truyền thống tốt đẹp nhưng cũng phát sinh biểu hiện không lành mạnh.


Quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 27-CT/TƯ của Bộ Chính trị đã đạt nhiều kết quả tích cực trong tổ chức đám cưới văn minh. Ảnh: Nhật Nam


Bài 1: Bức tranh nhiều điểm sáng

Cưới vui, tiết kiệm; tang không cỗ bàn rình rang; tổ chức lễ hội văn minh… là mục tiêu cơ bản trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 27-CT/TƯ của Bộ Chính trị. Có thể khẳng định, sau 20 năm triển khai thực hiện, dù còn một số tồn tại, cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã tạo nên bức tranh xã hội ngày càng văn minh với rất nhiều điểm sáng.

Quyết liệt, đồng bộ, bền bỉ

Chỉ thị 27-CT/TƯ, ngày 12-1-1998, của Bộ Chính trị về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” (Chỉ thị 27) ra đời trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang trong quá trình chuyển sang cơ chế thị trường; một số lĩnh vực văn hóa - xã hội chưa được quản lý đúng mức; việc giáo dục nếp sống, lối sống bị buông lỏng; nhiều phong tục, tập quán chưa được hướng dẫn kịp thời cũng như việc cưới, việc tang, lễ hội còn thiếu quy định cụ thể. Đó là cơ sở làm nảy sinh những hiện tượng không lành mạnh như tổ chức cưới phô trương, thực dụng; việc tang còn bao hàm hủ tục; lễ hội ở một số địa phương trở thành nơi bị những kẻ “buôn thần bán thánh” lợi dụng để gieo rắc màu sắc mê tín dị đoan, xuất hiện hành vi phản cảm hoặc mang tính bạo lực…, gây ảnh hưởng xấu tới thuần phong mỹ tục, đời sống tinh thần của nhân dân, làm xói mòn giá trị đạo đức truyền thống.

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị (khóa VIII) quyết định mở cuộc vận động sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân về đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh - gia đình văn hóa, trong đó tập trung thiết lập nếp sống lành mạnh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội. Cuộc vận động được cụ thể hóa bằng Chỉ thị 27 với định hướng: Lành mạnh, tiết kiệm, tránh xa hoa, lãng phí, phiền nhiễu; chống khuynh hướng kinh doanh, vụ lợi; xóa hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan; bảo tồn có chọn lọc, xây dựng những mô hình văn minh góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Cùng với Chỉ thị 27, trong suốt quá trình triển khai, nhiều Kết luận, Quy định của Ban Bí thư, Quyết định, Nghị định do Chính phủ ban hành nhằm kịp thời chấn chỉnh tồn tại, hạn chế cũng như những vấn đề mới nảy sinh trong công tác quản lý, tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội.

Thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị, các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũng như hướng dẫn việc thực hiện theo thẩm quyền. Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết: Bộ VH-TT&DL đã ban hành nhiều văn bản, biên soạn nhiều tài liệu về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Cùng với đó, Bộ đã tổ chức thực hiện nhiều đề án, đề tài, hội thảo khoa học nghiên cứu những giá trị cần phát huy, những hủ tục cần loại bỏ, đưa ra giải pháp vận động, hỗ trợ nhân dân thực hiện việc cưới, tang, lễ hội văn minh, phù hợp với điều kiện của từng địa phương; phối hợp với các đoàn thể, địa phương triển khai thí điểm mô hình cưới, tang, lễ hội văn minh, tiết kiệm…

Tại các địa phương, công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 27 đã được các cấp ủy, chính quyền tổ chức triển khai trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương. Các tỉnh, thành phố đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện theo phân cấp, đồng thời có nhiều cách làm hay, sáng tạo được triển khai thực hiện quyết liệt, bền bỉ, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong đời sống xã hội. Các tỉnh, thành phố tiêu biểu trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Phú Thọ…

Lan tỏa nếp sống văn minh


Công tác tổ chức lễ hội ngày càng đi vào nền nếp. Ảnh: Thái Hiền


Từ nhiều năm qua, việc thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã có tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Trong việc cưới, ở nhiều nơi, mô hình cưới tập thể, cưới tiết kiệm được tổ chức triển khai hiệu quả. Nhiều gia đình tổ chức cưới phù hợp với điều kiện kinh tế, không sử dụng rượu, bia, thuốc lá; trang phục cô dâu, chú rể hợp với phong tục truyền thống; nghi thức cưới hỏi bớt phô trương, việc thách cưới dần được loại bỏ. Ngày càng có nhiều đám cưới thể hiện cách ứng xử nhân văn như tổ chức hoạt động viếng nghĩa trang liệt sĩ, trồng cây lưu niệm, đóng góp xây dựng đường làng, ngõ xóm… Nét đẹp cưới hỏi văn minh có thể thấy ở Yên Lạc (Vĩnh Phúc), Khoái Châu (Hưng Yên); Lộc Bình, Bắc Sơn (Lạng Sơn); Hương Thủy, Phú Vang (Thừa Thiên - Huế); Tam Nông, Việt Trì (Phú Thọ); Hà Đông, Phú Xuyên (Hà Nội)…

Tại Hà Nội, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị, Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng nếp sống văn minh, trong đó có Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 3-10-2012, của Thành ủy về “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP Hà Nội" (Chỉ thị 11). Một trong những điểm nhấn của Chỉ thị 11 là Thành ủy yêu cầu cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện tổ chức cưới cho con, hay bản thân theo những quy định: Tiến hành các nghi thức hôn lễ với tinh thần "vui tươi - lành mạnh - tiết kiệm"; số lượng khách mời dự tiệc không quá 300 người (nếu nhà trai và nhà gái tổ chức tiệc chung thì khách mời không quá 600 người); không tổ chức tiệc cưới nhiều lần; không mời khách trong giờ làm việc; không tổ chức cưới ở những nơi chi phí quá tốn kém, không phù hợp với đời sống, thu nhập chung của cộng đồng dân cư và cán bộ công chức... Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị 11 đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo hiệu quả rõ ràng khi ngày càng có nhiều đám cưới văn minh, tiết kiệm được tổ chức. Các địa phương thực hiện tốt việc này gồm: Quận Ba Đình có 4.367 hộ tổ chức đám cưới theo mô hình cưới văn minh, đạt tỷ lệ 99,3%; quận Long Biên - 8.328 (98%); huyện Mỹ Đức - 7.197 (95%); thị xã Sơn Tây - 5.389 (94%)...

Việc tang cũng đã được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm hơn, tập tục lạc hậu dần bị loại bỏ, không còn linh đình, ồn ào như trước… Nhiều địa phương vận động người dân thực hiện quy định về sử dụng nhạc tang, khuyến khích sử dụng vòng hoa luân chuyển, thành lập câu lạc bộ trợ táng, hỗ trợ gia đình thực hiện hỏa táng… Sự tiến bộ được thực tế chứng minh tại Đông Anh, Thanh Trì (Hà Nội); Tứ Kỳ (Hải Dương); Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc); Giao Thủy (Nam Định); Trạm Tấu, Mù Cang Chải (Yên Bái)…

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội ngày càng đi vào nền nếp, đặc biệt là trong những năm gần đây, không chỉ giúp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mà còn khắc phục hạn chế, đẩy lùi hủ tục. Có thể nhận thấy rõ sự tiến bộ trong việc tổ chức Hội Lim (Bắc Ninh), Lễ hội Cầu Trâu (Phú Thọ); Lễ hội chùa Hương, đền Sóc (Hà Nội)… Nhiều lễ hội mới được tổ chức theo hướng chuyên nghiệp, góp phần quảng bá văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như: Festival Huế, Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, Lễ hội trái cây Nam Bộ...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 27, do nhiều nguyên nhân, vẫn còn có hạn chế. Đáng phê phán hơn cả là thái độ thiếu gương mẫu trong việc thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về tổ chức việc cưới, việc tang ở một số cán bộ, đảng viên. Hơn nữa, kết quả đạt được, dù đáng khích lệ nhưng chưa rõ tính bền vững, đặc biệt là trong việc nhân rộng mô hình cưới, tang văn minh… Thực tế đòi hỏi phải có thêm giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, phát huy hơn nữa sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

(Còn tiếp)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài trừ hủ tục, bồi đắp nếp sống văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.