Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Tìm về giá trị nguyên bản

Thanh Thủy| 16/03/2018 06:59

(HNM) - Khác với việc cưới, việc tang vốn là chuyện của gia đình, dòng tộc. Lễ hội diễn ra trong không gian rộng với sự tham gia của cộng đồng nên công tác quản lý, tổ chức phức tạp hơn.


Sự đổi mới đáng kể

Những chuyển biến trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu Xuân Mậu Tuất 2018 ở Hà Nội là hình ảnh mang tính đại diện cho đà chuyển động tích cực trong phạm vi cả nước. Như Lễ hội chùa Hương, với hàng nghìn lượt khách đổ về tham quan, chiêm bái mỗi ngày nhưng tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường về cơ bản được bảo đảm. Khu vực đền Trình trước kia vốn là tụ điểm đổi tiền lẻ, nay đã vắng bóng hoạt động này. Hệ thống hàng quán một thời gây phản cảm bởi hình ảnh treo thịt động vật sống cùng thịt chín, đã được sắp xếp gọn gàng với những tủ kính chứa thực phẩm. Hệ thống bảng biển công khai giá dịch vụ, số điện thoại đường dây nóng được niêm yết ngay từ khu vực suối Yến. Loa truyền thanh nhắc nhở mọi người thực hành nếp sống văn minh trong hoạt động tín ngưỡng được lắp đặt ở nhiều nơi...

Lễ hội Đền Sóc 2018 đã không còn hiện tượng cướp lộc hoa tre. Ảnh: Phú Xuân


Lễ hội đền Sóc, mới một năm trước còn gây nhức nhối với nạn tranh cướp lộc hoa tre, nay đã được trả về giá trị nguyên bản sau khi Ban Tổ chức thay đổi nghi thức tất lộc. Hình ảnh giẫm đạp tranh cướp đã nhường chỗ cho bức tranh toàn cảnh tươi mới, văn minh. Còn tại phủ Tây Hồ, một trong những nơi đầu tiên tổ chức dịch vụ trông xe miễn phí, cũng được ghi nhận trong việc khắc phục tình trạng đốt vàng mã tràn lan…

Có thể thấy sự đổi mới đáng kể trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo tinh thần Chỉ thị 27. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc nhằm khắc phục tồn tại, ngăn chặn biểu hiện tiêu cực phát sinh, bảo đảm an ninh trật tự, góp phần giáo dục truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Một số nghi thức mang tính bạo lực, gây phản cảm từ lâu tồn tại “núp bóng truyền thống”, nay đã bị loại bỏ. Nghi thức chém lợn ở hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh), lễ treo trâu ở hội đền Cuông (Yên Bái), hội đâm trâu của đồng bào dân tộc Ê Đê ở Đắk Lắk… được điều chỉnh cho phù hợp với nếp sống văn minh.

Về cơ bản, đó là những tín hiệu tích cực trong hành trình “bảo tồn có chọn lọc" và "loại bỏ hình thức lỗi thời, lạc hậu” đã được nêu trong Chỉ thị 27.

Giải pháp đồng bộ

Lễ hội luôn có sự tương tác giữa phía ban tổ chức với người tham gia và giữa người tham gia lễ hội với nhau…, những hành vi tiêu cực, phản cảm cũng từ đó mà nảy sinh. Cùng với xu thế phát triển chung, tầm ảnh hưởng của lễ hội được nâng lên, giúp nhiều điểm đến văn hóa tâm linh thu hút đông người, làm tăng áp lực cho công tác quản lý. Phó Giám đốc Sở VH-TT Nam Định Nguyễn Công Hiệp nhận xét về Lễ hội đền Trần, cho rằng: “Lượng khách đổ về quá đông trong khi cơ sở hạ tầng chật hẹp, dẫn đến xô đẩy, tranh cướp…, ngăn chặn không xuể dù đã thực hiện nhiều giải pháp”. Một yếu tố khác, như ông Nguyễn Vũ Phan (Sở VH-TT&DL Tuyên Quang) chỉ ra, là việc quản lý lễ hội còn vướng do nhận thức của người tham gia lễ hội hạn chế; căn cứ xác định đâu là truyền thống, đâu là hủ tục chưa rõ ràng.

Sự tiến bộ trong thời gian gần đây mới mang tính bước đầu, tạo đà, chứ chưa giúp chúng ta hài lòng. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, nét tiến bộ trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đặc biệt là trong mùa lễ hội Xuân Mậu Tuất 2018 cho bài học kinh nghiệm quý giá. Với Hà Nội, theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cùng với Chỉ thị 27, trong những năm qua, Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội, như Chỉ thị số 03/CT-TU ngày 12-1-2016 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Nhờ vậy, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố dần đi vào nếp.

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) Ninh Thị Thu Hương cho biết, quan trọng nhất vẫn là vai trò của chính quyền địa phương. Trong đó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo cơ chế quản lý chặt chẽ, tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Ví dụ như lễ hội đền Hùng có quy định người ăn mặc phản cảm không được lên đền nên những hình ảnh này đã không còn. Ban Quản lý di tích đền Bà Chúa Kho tăng cường tuyên truyền, ban hành quy định cấm đồ mã lớn, cồng kềnh trong mùa lễ hội 2018, nhờ vậy tình trạng dâng hóa đồ mã được hạn chế đáng kể...

Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển cho rằng, lễ hội được tổ chức với mục đích gìn giữ, tiếp nối truyền thống văn hóa. Để bảo đảm điều đó, cần tập trung hướng tới mục tiêu bảo tồn có chọn lọc như Chỉ thị 27 đã nêu, siết chặt công tác cấp phép tổ chức lễ hội. Không cấp phép cho những lễ hội phi truyền thống, lễ hội do doanh nghiệp đứng ra tổ chức như một hình thức kinh doanh… nhằm loại bỏ tư duy “làm kinh tế lễ hội”. Đối với những lễ hội đã được tổ chức định kỳ mà có nội dung gây bức xúc, cần có giải pháp điều chỉnh phù hợp, thậm chí loại bỏ.
(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Tìm về giá trị nguyên bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.