Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trường Sa qua ống kính nữ nhà báo

Yên Nga| 19/03/2018 08:06

(HNMO) - Triển lãm “Trường Sa - Nơi ta đến” diễn ra cách đây gần 2 năm đã tạo dấu ấn trong số các triển lãm về quần đảo này của Tổ quốc, không chỉ bởi những bức ảnh


“Tình cảm trong sáng và sự quan tâm sâu sắc đến biển đảo quê hương của các bạn trẻ đã thôi thúc tôi thực hiện cuốn sách này với Nhà Xuất bản Kim Đồng. Tôi ước mong nó sẽ là nhịp cầu nối liền tình cảm học sinh, sinh viên và người dân ở đất liền với các em nhỏ, người dân và chiến sĩ Trường Sa”, nhà báo Nguyễn Mỹ Trà chia sẻ. Nhưng, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo và nhiều nghệ sĩ kỳ cựu trong nghề lại đánh giá rằng, những bức ảnh của Nguyễn Mỹ Trà về Trường Sa hội tụ đủ vẻ đẹp và ý nghĩa để tạo nên một cuốn sách thành công. Đó là do tư duy của tác giả, tư duy của một nhà báo đích thực.

Tác giả đã ghi lại vẻ đẹp tráng lệ của Trường Sa và đời sống bình thường của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo. Ở đó, những khó khăn, vất vả ngập tràn nhưng ai nấy vẫn rắn rỏi đương đầu với tinh thần lạc quan, tự hào. Tác giả chọn những góc nhìn về một nhành hoa trong lễ tưởng niệm chiến sĩ hy sinh bảo vệ Gạc Ma, mầm cây vươn mình ra ánh sáng, cầu vồng sau cơn mưa nối đảo với con tàu trên biển, ngôi chùa tĩnh lặng giữa ngàn sóng gió, người chiến sĩ vui đùa cùng chú chó, cặp mắt trẻ thơ trong vắt, say sưa học bài… Những khuôn hình mang đề tài xã hội nữ tính, dung dị như thế nhưng tính chính trị rất cao. Người xem cảm thán về vẻ đẹp, xúc động với cống hiến, hy sinh của những người giữ đảo và tình yêu Trường Sa cứ thế nhân lên. “Báo chí phải thông qua sự thật để phản ánh cuộc sống và Mỹ Trà đã làm được điều đó”, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo ghi nhận.

Cuốn sách ảnh “Trường Sa - Nơi ta đến” là cuốn sách ảnh đầu tiên về nơi này của một tác giả nữ. 150 bức ảnh trong hàng nghìn bức ảnh Nguyễn Mỹ Trà đã chụp trong hai chuyến đi Trường Sa, được tư vấn, góp ý chọn lựa bởi nhiều nhà báo, nhiếp ảnh gia kỳ cựu và cả những cán bộ, chiến sĩ hải quân. Tác giả nói rằng, ngoài ảnh, trong cuốn sách có khá nhiều chữ, ấy là bởi chị không thể kiềm chế cảm xúc trước vẻ đẹp của biển đảo quê hương và cảm phục sự kiên cường của con người nơi đây. So với những cuốn sách ảnh khác, “Trường Sa - Nơi ta đến” có phần chú thích đầy đặn hơn, lại là song ngữ Việt - Anh. Nhưng những con chữ ấy không hề rườm rà, mà nhẹ nhàng kể về kỷ niệm trong khi thực hiện bức ảnh, tâm sự về những nhân vật và chứa đựng nhiều thông tin lịch sử.

Chẳng hạn, trang ảnh về lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh bảo vệ Gạc Ma, tác giả viết: “6h30, lễ tưởng niệm chính thức bắt đầu. Bầu trời bỗng đổi màu xám, trở nên âm u trĩu nặng như muốn mưa. Nhiều người đi Trường Sa về kể rằng, lễ tưởng niệm ở vùng biển này thiêng lắm, trời thường mưa hoặc âm u trong lúc làm lễ”... “Bất giác, tôi nhớ đến một câu trong truyện “Đảo chìm” của Trần Đăng Khoa: Có lẽ không ở đâu nước mặn như ở đảo chìm. Mặn như máu…”. Đọc những câu chữ ấy, chắc chắn nhiều người sẽ cảm nhận chân thực hơn không gian trong ảnh và không khỏi cay cay nơi sống mũi.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: “Tôi từng có nhiều năm lăn lộn với Trường Sa. Những con người, cảnh vật ở đây tôi đều thuộc. Vậy mà ở những bức ảnh của Nguyễn Mỹ Trà, có nơi, tôi như mới thấy lần đầu. Tác giả đã vượt qua được sự phản ánh thông thường của một phóng viên báo chí để chạm đến nghệ thuật. Nhiều góc chụp, tôi biết tác giả phải mạo hiểm để thực hiện...”. Nhiếp ảnh vốn là lĩnh vực khó với nữ giới, lại tác nghiệp ở Trường Sa - nơi mà chỉ đi đến đó đã là một thử thách ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Có những khoảnh khắc để tạo nên tác phẩm, tác giả phải ngồi trên tàu lắc lư do sóng đánh nhưng chị vẫn bấm máy thành công.

Cuốn sách ảnh giàu cảm xúc và chiều sâu nghệ thuật của nữ nhà báo Nguyễn Mỹ Trà góp phần làm phong phú thêm cho “Tủ sách Biển đảo Việt Nam” của Nhà Xuất bản Kim Đồng, giúp thế hệ trẻ Việt Nam thêm hiểu, thêm yêu và nhận thức trách nhiệm góp phần bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường Sa qua ống kính nữ nhà báo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.