Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhùng nhằng chuyện bản quyền, thu phí nghe nhạc qua tivi

Hoàng Lân| 11/04/2018 14:35

(HNMO) - Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng...

Thanh tra Bộ VH,TT&DL cho biết, nhiều đơn vị xin cấp phép một nơi lại biểu diễn một nẻo khiến cho việc vi phạm tác quyền càng nhiều (ảnh minh hoạ)


Cấp phép một đằng, biểu diễn một nẻo

Tại hội nghị tập huấn Nghị định số 22/2008/NĐ-CP ngày 23-3-2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan và công tác thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan khu vực phía Bắc, vấn đề thanh tra, kiểm tra việc thực thi bản quyền được trao đổi sôi nổi.

Ông Phạm Cao Thái, Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL nhận định, hiện nay việc thanh, kiểm tra Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan gặp không ít thách thức, khó khăn. Tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra với muôn hình vạn trạng khiến cho các thanh tra viên khó nắm bắt. Những lĩnh vực hay vi phạm bản quyền tác giả là biểu diễn nghệ thuật, karaoke…

Ông Thái cho biết, thực tế hiện nay đang diễn ra hiện tượng, nhiều đơn vị, tổ chức xin cấp phép nội dung một nơi nhưng biểu diễn một nẻo khiến cho việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Ví như có đơn vị xin cấp phép nội dung ở Ninh Bình, trong giấy phép có thể hiện là đã trả tiền bản quyền các ca khúc, tuy nhiên đơn vị này lại đến Hà Nội biểu diễn với nội dung hoàn toàn khác, ca khúc khác.

Liên quan đến vấn đề thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng Biểu diễn nghệ thuật của Sở VH-TT Hà Nội cho biết, dù cơ quan quản lý xử lý nhiều vi phạm nhưng thanh tra Sở vẫn lúng túng khi gặp các đơn thư “tố” vi phạm bản quyền. Theo ông Trực, hiện nay, Sở gặp không ít khó khăn trong việc bảo vệ bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật. Đa số giới hoạ sĩ không đăng ký bản quyền tác phẩm của mình nên khi xảy ra hiện tượng bị làm tranh giả thì việc tranh chấp gặp nhiều khó khăn, khó phân xử.

Phản ứng về thực trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực truyền hình, đại diện Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, nhiều đơn vị sử dụng các sản phẩm của nhà đài trên internet đã tự ý cắt cúp và chèn quảng cáo, đặc biệt diễn ra ở những chương trình truyền hình thực tế đang “hot” như: The Voice, Đồ rê mí, Tìm kiếm Tài năng Việt Nam… Hay nhiều bộ phim truyền hình “ăn khách” như “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”… bị nhiều công ty truyền thông lấy nội dung chèn quảng cáo phát trên kênh riêng. 

Đại diện VTV cũng “chỉ điểm” những doanh nghiệp tên tuổi, có hàng triệu khách hàng cũng cố tình xâm phạm bản quyền các chương trình của VTV là FPT, Viettel… Mặc dù từ đầu năm 2017 đến nay, VTV đã thu về số tiền 500 triệu đồng bồi thường vi phạm bản quyền của 2 doanh nghiệp truyền thông nhưng phía VTV cũng cho rằng, trong thời đại kỷ nguyên số, khi mà các máy chủ được đặt tại nước ngoài thì việc quản lý, xử lý vi phạm bản quyền trong lĩnh vực truyền hình sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn.


Quang cảnh hội nghị.


Thu phí bản quyền qua tivi: Không khó, chỉ là do cách làm

Liên quan đến vấn đề gây ồn ào thời gian qua đó là vấn đề thu phí tác quyền qua tivi của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền cho biết, việc thu phí này là hoàn toàn hợp lệ, đúng với pháp luật quốc tế và Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Hùng, vì đây là hoạt động dân sự nên cần phải có lộ trình cụ thể. Bên thu phí phải chứng minh được mình đại diện cho ai, danh sách ca khúc được phép thu phí gồm những ca khúc nào.

Cục trưởng Cục Bản quyền cho hay, về nguyên lý, danh sách ca khúc do Đài THVN thực hiện khi về đến các khách sạn và đến với người dùng đã rất chi tiết. Hiện nay, đã có đơn vị cung cấp dịch vụ có ứng dụng công nghệ cho phép trong 24 tiếng có thể bóc tách được danh sách bài hát trình diễn trên kênh nào, vào giờ nào, thậm chí có thể biết được bài hát đó biểu diễn trọn vẹn cả bài hay chỉ nửa bài…

“Để thu được phí bản quyền trên tivi thì đơn vị thu phí nên có liên kết với những đối tác cung cấp dịch vụ này để đưa ra được danh sách chuẩn các ca khúc, nhạc sĩ uỷ quyền thu, từ đó mới có thể tiến hành thu. Phía VCPMC và các khách sạn phải ngồi với nhau để làm rõ được danh mục bài hát, từ đó đưa ra mức phí hợp lý… Đây là thoả thuân dân sự, không thoả thuận được hai bên có thể kiện”, ông Bùi Nguyên Hùng bày tỏ. Ông Hùng cung cấp thêm thông tin, phía VCPMC đang xây dựng lộ trình và sẽ báo cáo với Cục Bản quyền trước khi tiến hành thu phí tác quyền qua tivi.

Cũng liên quan đến việc thu phí tác quyền trên truyền hình, đại diện Đài THVN cho biết, vừa qua, phía Đài cũng nhận được yêu cầu đòi thu phí tác quyền từ Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam do NSND Thanh Hoa làm Chủ tịch hội. Tuy nhiên, do bên Hội không thể hiện được rõ vai trò được uỷ quyền cho các nhạc sĩ nào, thu phí theo cơ sở, hình thức nào nên Đài THVN đã từ chối việc chi trả bản quyền.

“Chúng tối sẵn sàng làm theo luật, ủng hộ việc chi trả tác quyền âm nhạc cho các tác giả, tuy nhiên thu như thế nào cần phải rõ ràng. Có nhiều nghệ sĩ khi biểu diễn cho Đài THVN đã có hợp đồng thoả thuận riêng thì không thể yêu cầu phía Đài tiếp tục trả tiền tác quyền. Hơn nữa việc liệt kê danh mục bài hát do bên nào đảm nhiệm cũng cần phải rõ ràng”, đại diện Đài THVN cho biết.

Không rõ ràng trong các thoả thuận dân sự khi tiến hành thu phí tác quyền là một trong những điểm hạn chế mà đến nay việc thu phí tác quyền để bảo vệ quyền lợi cho các tác giả vẫn nhùng nhằng, tranh cãi chưa có hồi kết. Đại diện các sở, ngành tham gia có mặt tại Hội nghị tập huấn Nghị định 22 đều bày tỏ mong muốn rằng, Bộ VH,TT&DL cần sớm xây dựng, tra cứu ứng dụng Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản quyền tác giả, quyền liên quan; tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ về quản lý, phát hiện và xử phạt những vi phạm trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan.

Hiện nay, chế tài xử lý các vi phạm bản quyền khá rõ ràng, nhưng để bắt được đúng tội của các cá nhân, đơn vị vi phạm lại là một thách thức không nhỏ đối với đội ngũ thanh kiểm tra, giám sát.

Theo Thanh tra Bộ VH,TT&DL, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng. Các mức phạt cụ thể:

- Tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định 131/2013/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi biểu diễn trực tiếp trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu tác giả.

- Tại Khoản 3 Điều 29 của Nghị định này: “Phạt tiền từ 15-25 triệu đồng đối với hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong cở sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính viễn thông, môi trường số mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhùng nhằng chuyện bản quyền, thu phí nghe nhạc qua tivi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.