Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ tạm dừng 3 lễ hội chọi trâu nếu không thay đổi cách thức tổ chức

Tuyết Minh| 20/04/2018 19:52

(HNMO)- Ngày 20-4, tại Hà Nội, Bộ VH,TT&DL đã sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội xuân Mậu Tuất 2018. Theo báo cáo, mặc dù cách thức tổ chức lễ hội đầu xuân 2018 đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn những lễ hội xảy ra bạo lực...


Những chuyển biến tích cực

Theo đánh giá, công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước đã có sự chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp. Nhìn chung, việc tổ chức lễ hội đã tuân thủ nghiêm các văn bản chỉ đạo của trung ương và địa phương. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không còn phù hợp với xã hội đã được chuyển đổi hình thức thực hành như: Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ ba không tổ chức chém lợn giữa sân đình; Hội phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn, không tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ; Hội phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) thay đổi hình thức tổ chức; lễ hội Đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn năm đầu tiên thay đổi, không còn cảnh cướp giò hoa tre...

Công tác xã hội hóa hoạt động lễ hội đã huy động được nhiều nguồn lực tham gia. Nguồn kinh phí thu được qua các nguồn như công đức, hoạt động dịch vụ đã được sử dụng để tu bổ, tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội và phúc lợi công cộng. Nhiều lễ hội dân gian có quy mô lớn như: Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), Lễ hội Phủ Dày (Nam Định), Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang), Lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh)… được tổ chức phần hội với các trò chơi, trò diễn truyền thống và hiện đại. Nhiều lễ hội dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm khôi phục và tổ chức như: Lễ hội Lồng Tồng (dân tộc Tày - Nùng), Lễ hội Cầu mùa (Khơ Mú), Lễ hội Gầu Tào (dân tộc Mông), Lễ hội Hoa Ban (dân tộc Thái), Lễ hội Mừng lúa mới…

Công tác quản lý nhà nước về lễ hội của ngành VH,TT&DL đã kịp thời điều chỉnh những hạn chế của mùa lễ hội năm 2017 như: Công tác an ninh trật tự; các hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội; việc đổi tiền lẻ, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu không đúng quy định, tình trạng khấn thuê, chèo kéo khách, rút quẻ thẻ…

Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cũng được quan tâm. Thanh tra Bộ VH,TT&DL và Cục Văn hóa cơ sở đã thành lập các đoàn thanh, kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018, đảm bảo cho các lễ hội được diễn ra an toàn, lành mạnh, văn minh; giám sát, nhắc nhở và yêu cầu các địa phương, Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội chấn chỉnh những biểu hiện phản cảm, vi phạm nếp sống văn minh trong lễ hội.

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trịnh Thị Thủy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.


Sẽ tạm dừng 3 lễ hội chọi trâu nếu không thay đổi cách thức tổ chức

Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương, mặc dù các lễ hội được tổ chức dịp đầu Xuân 2018 có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Có lễ hội vẫn để xảy ra hiện tượng chen lấn, xô đẩy, cướp lộc. Tình trạng đốt đồ vàng mã vẫn còn nhiều tại các di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn. Hiện tượng đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch vẫn diễn ra ở một số di tích, lễ hội như: Đền Sóc, Chùa Hương (Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh). Một số lễ hội, di tích vẫn để xảy ra tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan; công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, thu gom tiền công đức tại một số di tích chưa kịp thời...


Đặc biệt, một số điểm “nóng” đang đòi hỏi địa phương, các cơ quan quản lý phải nghiên cứ thay đổi cách thức tổ chức như tại Lễ hội phết Hiền Quan (Phú Thọ); các lễ hội chọi trâu ở Hải Lựu (tỉnh Vĩnh Phúc), Phù Ninh (Phú Thọ) và Đồ Sơn (Hải Phòng).

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết, năm nào bà cũng trực tiếp tham gia “nằm vùng” ở Lễ hội phết Hiền Quan và chứng kiến những hành vi thiếu văn hoá. Địa phương đã vận động hàng trăm cảnh sát vào cuộc để giữ gìn an ninh trật tự nhưng không thể khắc phục triệt để tình trạng lộn xộn. Vì vậy, cần đưa hình thức cướp phết trở về nguyên bản là đánh phết. Đồng thời, địa phương phải đầu tư cơ sở hạ tầng, đảm bảo vệ sinh, an toàn… nếu không, Cục sẽ đề nghị Bộ chỉ đạo địa phương tạm dừng tổ chức lễ hội.

Sẽ tạm dừng 3 lễ hội chọi trâu nếu không thay đổi cách thức tổ chức


Tương tự, với các lễ hội chọi trâu ở Phù Ninh, Hải Lựu, theo đánh giá của Cục Văn hóa cơ sở, trong mùa lễ hội 2018 vừa qua, mặc dù chưa xảy ra tai nạn đáng tiếc nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Bởi ở các lễ hội này, chưa có đường riêng cho trâu vào sân chọi. Hàng rào được dựng rất thô sơ. Chưa kể, công tác vệ sinh không đảm bảo, rác thải tràn ngập khắp nơi…

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định, Bộ VH,TT&DL thống nhất chỉ tổ chức 3 lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Lựu, Phù Ninh. Với Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Bộ yêu cầu Sở VH-TT Hải Phòng sớm trình Bộ đề án tổ chức lễ hội theo đúng tiến độ. Với Lễ hội chọi trâu Phù Ninh và Hải Lựu, Thứ trưởng yêu cầu địa phương rà soát, kiểm tra lại các tư liệu làm rõ giá trị của hai lễ hội này. Nếu có giá trị văn hóa truyền thống thì sẽ có đề án tổ chức. Nếu không, địa phương báo cáo Bộ để có phương thức quản lý phù hợp.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đánh giá, công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 đã tiến bộ trên nhiều phương diện. Trong đó, việc tham mưu, ban hành văn bản từ Trung ương đến địa phương đã kịp thời, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về tổ chức, quản lý lễ hội. Bên cạnh đó, các địa phương đã vào cuộc quyết liệt và trách nhiệm nên nhiều vấn đề tồn tại của mùa lễ hội 2017 đã giảm trong mùa lễ hội 2018.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định, Bộ VH,TT&DL luôn xác định tổ chức quản lý lễ hội đầu xuân là trọng tâm, trọng điểm. Bộ sẽ vào cuộc quyết liệt, giao trách nhiệm cho các đơn vị phụ trách kiểm tra, giám sát sát sao, nắm chắc địa bàn, kịp thời xử lý những vấn đề nổi cộm, phát sinh. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ tạm dừng 3 lễ hội chọi trâu nếu không thay đổi cách thức tổ chức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.