Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nơi lưu giữ chứng tích chiến tranh

Thanh Thủy| 30/04/2018 08:01

(HNM) - Hơn ba nghìn hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh của cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) là minh chứng sinh động nhất cho một thời gian khó mà kiêu hãnh của đất nước...



Tấm lòng hướng về đồng đội

Không khó để tìm đường đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, khu trưng bày kỷ vật thời chiến của người cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp. Những ngày này, người tìm đến địa chỉ giáo dục truyền thống trên luôn tấp nập. Ngay khi bước qua lớp cổng sắt kiên cố, người xem như lạc vào quá khứ với nhiều hiện vật, đến giờ, chỉ còn thấy qua sách vở. Người xem cũng không khỏi ngỡ ngàng, thích thú trước sức sáng tạo của những người sống trong thời kỳ mưa bom, bão đạn, như lọ hoa, mảnh lược… được làm từ mảnh vỡ máy bay.

Nhiều hiện vật khác lại khiến công chúng phải rùng mình khi đối diện, như: Thiết bị tra tấn, chích điện; vỏ bom, đạn pháo từng được giặc Mỹ mệnh danh là “vua chiến trường”... Tất cả đã làm nên những cung bậc cảm xúc mãnh liệt cho người lần đầu tiên đặt chân tới Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp giới thiệu cho du khách nhỏ tuổi hiện vật tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Ảnh: Thu Hằng


Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp chia sẻ: "Ngay sau khi đất nước độc lập, phục viên về địa phương, tôi đã ấp ủ ý định tạo dựng một nơi lưu giữ kỷ vật chiến tranh để tri ân đồng đội, giúp thế hệ tương lai cảm nhận được giá trị của độc lập, tự do qua những mất mát, hy sinh của thế hệ đi trước. Ngay khi có cơ hội biến mong mỏi thành hiện thực, tôi lập tức lên đường”.

Ấy là vào những năm 1996, 1997, cứ gom góp được vừa đủ số tiền, ông Hiệp lại bắt tàu, xe ngược chiến trường Bình Trị Thiên năm xưa để tìm kiếm kỷ vật. Về sau, phạm vi tìm kiếm của ông mở rộng ra các tỉnh miền Trung và một số tỉnh miền Nam. Hễ ở đâu có người mách có kỷ vật chiến tranh, ông Hiệp lại tìm đến hỏi.

“Nhiều lúc cạn tiền mà lo không nhanh người ta bỏ đi mất, tôi phải nhờ bà nhà vay mượn hộ để tiếp tục lên đường. Có những chuyến đi rất vui vì ngẫu nhiên gặp được đồng đội cũ, được hàn huyên tâm sự, được hỗ trợ tìm kiếm kỷ vật. Vui hơn là từ những chuyến đi như thế, việc làm của tôi được nhiều người biết đến hơn. Ngày càng có nhiều đồng đội tình nguyện mang kỷ vật đến cho tôi cất giữ rồi cả những người quen trên dặm đường tìm kiếm, lưu ý chỉ dùm. Nhờ thế, kho tàng kỷ vật của tôi ngày một đầy thêm”- ông hồi tưởng.

Khi được hỏi kỷ niệm từ những chuyến đi, ông Hiệp cười: "Nhiều lắm, nói cả ngày cũng không hết. Có lần ở Hướng Hóa, Quảng Trị đang bão nhưng nghe tin có hiện vật, sợ để lâu sẽ bị bán mất, tôi bất chấp mưa gió mà đi". Hiện vật ấy phải mua lại với giá 5 triệu đồng nhưng phí vận chuyển lên tới cả chục triệu đồng. Trên đường về còn bị các trạm cảnh sát giao thông kiểm tra, thu giữ. Phải đến khi nói là hiện vật phục vụ bảo tàng, họ mới đồng ý cho tiếp tục hành trình...

Tâm nguyện đời người

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh của ông Hiệp đang lưu giữ hơn ba nghìn kỷ vật, tiêu biểu như tấm Bản đồ tác chiến vùng A Lưới, Thừa Thiên - Huế năm 1967; đồ quân dụng của Quân đội nhân dân Việt Nam, quân Mỹ - Ngụy; hàng trăm loại vỏ đạn, pháo, bom, mìn… khác. Trong bộ sưu tập đặc biệt này còn có hàng nghìn bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do dân tộc.

Trong đó, đáng chú ý là Bức ảnh lưu niệm của 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh; ảnh kéo cờ giải phóng trên đỉnh Phu Văn Lâu vào thời khắc Thừa Thiên - Huế hoàn toàn giải phóng…

Với khối lượng hiện vật đồ sộ như vậy, ông Hiệp phải dành hầu hết diện tích nhà ở và khoảnh sân cho việc trưng bày. Sinh hoạt của gia đình ông được gói gọn trong góc nhỏ. Ông Hiệp cho biết, vẫn còn nhiều kỷ vật nằm rải rác ở các tỉnh mà chưa kịp hoặc chưa có điều kiện để mang về, trong đó không ít hiện vật đã bị thất lạc hoặc đánh cắp như: 2 vỏ đầu máy bay Mỹ, mũ sắt, bàn làm việc của tướng ngụy, hàng rào điện tử…

Tìm hiểu thêm về ông, chúng tôi càng bất ngờ hơn bởi gia cảnh ông không mấy khá giả. Với đồng lương hưu ít ỏi, ông Hiệp phải rất chật vật để theo đuổi tâm nguyện đời người là sưu tầm chứng tích chiến tranh, kỷ vật về đồng đội, trong đó có rất nhiều hiện vật quý hiếm, phải mất nhiều tiền, công sức để mang về. Biết chồng có tấm lòng tri ân những người đã hy sinh vì đất nước, người vợ tần tảo cũng không ngại vất vả, tranh thủ thời gian bán thêm mớ rau, con cá hỗ trợ chồng nuôi dưỡng ước mơ.

Khi thu thập được kha khá kỷ vật, ông Hiệp xin phép chính quyền thành lập Bảo tàng như một nơi lưu dấu những chiến công lẫy lừng và nghĩa tình đồng đội. Bảo tàng của ông mở cửa tất cả các ngày trong tuần và hoàn toàn miễn phí.

Năm nay ông Hiệp đã 67 tuổi, sức đã yếu đi nhiều nhưng chưa bao giờ trong ông nguôi ngoai nỗi mong mỏi lên đường sưu tầm thêm nhiều kỷ vật thời chiến. Mong mỏi lớn nhất hiện giờ của ông Hiệp là làm sao để mở rộng không gian trưng bày hiện vật nhằm tưởng nhớ, tôn vinh đồng đội và quan trọng hơn là để giữ gìn cho thế hệ mai sau.

Hiện vật của Bảo tàng, dù chưa nhiều, chưa khắc họa được hết sự tàn khốc của chiến tranh, những hy sinh lớn lao của quân đội và nhân dân cả nước cũng như giai đoạn lịch sử tiêu biểu của cả dân tộc, nhưng sẽ góp phần giáo dục truyền thống, tiếp lửa anh hùng cho các bạn trẻ hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nơi lưu giữ chứng tích chiến tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.